(Kiểm sát) - Sáng 29/8/2013, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp cùng với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức, tiến hành họp báo công bố các quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặc xá năm 2013 nhân dịp Quốc khánh 2/9...
Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước năm 2013 nhân dịp Quốc khánh 2/9
(Kiểm sát) - Sáng 29/8/2013, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp cùng với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức, tiến hành họp báo công bố các quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặc xá năm 2013 nhân dịp Quốc khánh 2/9.
Chủ trì buổi họp báo gồm: Đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước; Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và đồng chí Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Dự buổi họp báo còn có đại diện Lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 300 phóng viên, nhà báo của các hãng thông tấn trong nước và quốc tế.
Tại buổi họp báo, đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá cho 15.446 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù, 72 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù và 5 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2013 theo quy định.
Đ/c Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước phát biểu tại cuộc họp báo
Đồng chí Giang Sơn khẳng định: Xuất phát từ bản chất nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong những năm qua, chúng ta đã tiến hành nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình học tập, lao động, cải tạo tốt, trở về với cộng đồng và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 103 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2007 và các văn bản pháp luật. Theo đề nghị của Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2013, ngày 29/8/2013, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký các quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho các phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Đặc xá năm 2013 một lần nữa khẳng định và thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam, đồng thời ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy chế của những người phạm tội bị kết án tù đã thực sự cải tạo tiến bộ, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và cũng là sự thể hiện, ghi nhận kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân ở các trại giam, trại tạm giam và của toàn xã hội.
Cũng như các đợt đặc xá đã được tiến hành trong nhiều năm qua, quá trình xét, quyết định đặc xá cho các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và cho những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định theo quy định của pháp luật, đó là đặc xá phải được tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, chính xác, công khai, dân chủ, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng và đúng điều kiện đã quy định để tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được xem xét và không để những phạm nhân không đủ điều kiện theo quy định lại được xem xét đặc xá.
Việc đặc xá tha tù trước thời hạn cho phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Chính sách nhân đạo đó không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù mà còn thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp, chính sách để tạo điều kiện cho những người được tha tù trở về nơi cư trú (gồm những người được đặc xá và người hết hạn tù) sớm hòa nhập cộng đồng, điều này được thể hiện: Ngay tại các trại giam, trại tạm giam đã tổ chức học nghề, kiến thức xã hội cho các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù; cấp ủy Đảng và Ủy ban nhân dân các địa phương đã chỉ đạo các ngành, các cấp không phân biệt đối xử đối với những người được tha tù về địa phương trong việc thực hiện các chính sách xã hội như việc làm, vay vốn để kinh doanh, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo... Bên cạnh đó, việc tiếp nhận những người được đặc xá nói riêng và những người được tha tù nói chung về địa phương tái hòa nhập cộng đồng đòi hỏi phải có sự chung sức, chung lòng của tất cả các cấp, các ngành, của các gia đình có người được đặc xá, tha tù, xóa bỏ việc phân biệt đối xử; cần giúp đỡ, tạo điều kiện để họ không bị mặc cảm và có điều kiện, cơ hội làm ăn như những người bình thường khác.
Các đồng chí đại diện các cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước... tại buổi họp báo
Kết thúc bài phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Giang Sơn một lần nữa nhấn mạnh: "Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người phạm tội là nghiêm trị kết hợp với khoan hồng. Chính vì vậy, hình phạt mà pháp luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam không chỉ nhằm trừng trị những người có hành vi phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống, ngăn ngừa họ không phạm tội mới. Mặt khác, đặc xá còn thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc ta, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, tính ưu việt của chế độ XHCN đối với những người phạm tội bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tiến bộ. Một lần nữa tôi khẳng định rằng, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Những phạm nhân được đặc xá lần này là những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam và đã bị Tòa án nhân dân các cấp của Việt Nam xét xử, tuyên phạt theo các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam, nay họ có đủ điều kiện được xem xét đặc xá. Vì vậy, đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù họ là người Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài, nếu có đủ điều kiện theo quy định đều được xét đặc xá. Qua các đợt đặc xá cho thấy, đây là những cơ hội để mỗi phạm nhân suy nghĩ về những lỗi lầm mà họ đã phạm phải, tự mỗi người phải đánh giá kết quả cải tạo của mình, qua đó, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Thực tiễn đã chứng minh, tuyệt đại đa số những người được đặc xá đã có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái lập cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Trong đó, có nhiều người đã có cuộc sống ổn định, có người thành đạt và tích cực tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động từ thiện, được xã hội ghi nhận. Chính vì vậy, để đạt được mục đích là giáo dục, cải tạo và đưa họ trở về cùng cộng đồng xã hội, để họ có cơ hội tiếp tục phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội và không tái phạm thì các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi công dân tiếp tục quan tâm, quản lý, giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ người được đặc xá trở về hòa nhập cộng đồng như mục tiêu được đặt ra tại Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ.
Đ/c Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đọc Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước
Trả lời các câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Đợt đặc xá này, có tổng số 1.842 người là những phạm nhân nữ chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý. Đồng thời, thông qua đợt đặc xá này, tổng số tiền thu được từ việc thực hiện các hình phạt bổ sung, phạt tiền, bồi dường thiệt hại, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác là trên 181 tỷ đồng Việt Nam, trên 6.400 đô la Mỹ và 9.450 nhân dân tệ, trong đó, người được đặc xá nộp nhiều nhất là trên 3 tỷ 265 triệu đồng và người phải nộp thấp nhất là 50.000 đồng.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời các câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, ngay sau khi quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước được công bố, toàn bộ hệ thống trại giam, trại tạm giam trong cả nước bắt đầu tiến hành thực hiện quyết định này trong hai ngày 30 và 31/8/2013.
Bảo Châu