CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hội thảo về đồi mới tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm "tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra"

30/11/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
(Kiểm sát) - Trong hai ngày 28 - 29/11/2012, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, VKSNDTC tổ chức Hội thảo khoa học, góp ý xây dựng Đề án: Đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm thực hiện chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Tới dự và chủ trì Hội thảo có Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSNDTC, tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Vụ 1A - Ban nội dung Đề án và đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSNDTC...
Hội thảo về đồi mới tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm "tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra"
(Kiểm sát) - Trong hai ngày 28 - 29/11/2012, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, VKSNDTC tổ chức Hội thảo khoa học, góp ý xây dựng Đề án: Đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm thực hiện chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Tới dự và chủ trì Hội thảo có Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSNDTC, tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Vụ 1A - Ban nội dung Đề án và đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSNDTC: Vụ 1C, Vụ 2, Cục 6, Viện Khoa học kiểm sát, Vụ 11, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát và đại diện Lãnh đạo 18 VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có: VKSND thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hưng Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Khách mời của Hội thảo có Đại diện Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh, TAND tỉnh Bình Định. Các cơ quan báo chí của Ngành và của tỉnh Bình Định tới dự và đưa tin về Hội thảo.
 
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu khai mạc Hội thảo
Khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như nội dung, yêu cầu đặt ra đối với Hội thảo, đồng chí nhấn mạnh: Hoạt động điều tra và hoạt động công tố là những hoạt động quan trọng trong tố tụng hình sự (TTHS), trong đó hoạt động điều tra thực chất là một công đoạn trong nội dung hoạt động công tố, hoạt động điều tra luôn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hoạt động công tố, nhằm hỗ trợ và giúp cho VKS thực hiện tốt chức năng công tố là: Phát hiện tội phạm và đưa kẻ phạm tội ra Tòa án để xét xử. Với ý nghĩa, vai trò quan trọng của VKSND trong hoạt động TTHS. Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, xử lý kịp thời những sai phạm của những người tiến hành tố tụng khi thi hành nhiệm vụ.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và các Văn kiện của Đại hội Đảng, Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Quyết định số 182/QĐ- VKSTC ngày 11/5/2011 về việc Thành lập Ban Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” để tổ chức thực hiện trong toàn ngành KSND nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao cho ngành KSND. Đây là một Đề án quan trọng và rất khó khăn cả về bình diện lý luận và thực tiễn. VKSNDTC tổ chức Hội thảo hôm nay là tiếp theo các hội nghị, hội thảo đã được tổ chức trong thời gian vừa qua và từng bước bổ sung, hoàn thiện các nội dung của Đề án, để Ban nội dung Đề án tiếp thu, hoàn thiện Đề án báo cáo Hội đồng khoa học của Ngành cho ý kiến trong thời gian tới.
Phát biểu chào mừng các đại biểu về dự Hội thảo, đồng chí Lê Hữu Lộc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông báo một số nét khái quát về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, kết quả công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp của tỉnh trong đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm, đánh giá về những đóng góp của ngành Kiểm sát ở địa phương, đồng chí đánh giá cao việc VKSNDTC tổ chức Hội thảo ở Bình Định là thuận lợi và cơ hội cho ngành Kiểm sát nói riêng và các cơ quan tư pháp tỉnh Bình Định có thêm được những thông tin, kinh nghiệm hay và thiết thực trong công tác nhằm đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Thay mặt Ban nội dung Đề án, Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Hoa, Vụ trưởng Vụ 1A đã có báo cáo tóm tắt về Đề án và lưu ý một số vấn đề trọng tâm để các đại biểu quan tâm khi tham gia ý kiến, tham luận giúp cho Ban nội dung Đề án có nhiều tư liệu có giá trị cả về lý luận và thực tiễn khi tiếp thu hoàn chỉnh Đề án.
Tại Hội thảo đã có 17 Tham luận, trong đó có 16 Tham luận của đại diện Lãnh đạo các Viện kiểm sát tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSNDTC và 1 Tham luận của đại diện Lãnh đạo VKSND thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Tất cả các ý kiến tham luận đều có quan điểm thống nhất cao về sự cần thiết VKSNDTC xây dựng Đề án và cơ bản thống nhất về kết cấu, bố cục chung của Đề án như Ban nội dung Đề án đưa ra xin ý kiến tại Hội thảo.
Từ kinh nghiệm thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giải quyết án hình sự, cụ thể hoạt động công tố trong giai đoạn điều tra nhất là những kinh nghiệm, cách làm hay của đơn vị, địa phương mình đã được nhiều đại biểu đề cập, chia sẻ tại Hội thảo. Những vấn đề lý luận đặt ra cần được làm rõ cơ sở khoa học góp phần khắc phục những mặt hạn chế, bất cập và vướng mắc trong áp dụng pháp luật, cũng đã được các đại biểu đi sâu phân tích về những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động công tố của VKSND để từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất góp phần hoàn thiện Đề án.
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Về nguyên nhân khách quan: Trước hết là một số quy định của BLHS và BLTTHS hiện hành qua thực tiễn áp dụng thấy nhiều vướng mắc, không phù hợp và hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng ngừa và xử lý vi phạm, tội phạm, việc xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của VKSND có những quy định không rõ hoặc còn thiếu các chế định ràng buộc trách nhiệm, chế ước nhau trong hoạt động công tố đối với các hoạt động điều tra và các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra; Luật Tổ chức VKSND và Pháp Lệnh kiểm sát viên có những quy định không còn phù hợp, hạn chế quyền năng pháp lý của Kiểm sát viên trong hoạt động công tố, những quy định về Kiểm sát viên ở từng cấp, chế độ chính sách với đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên cũng chưa tương xứng với yêu cầu về trách nhiệm; các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, đào tạo cán bộ… cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế ảnh hưởng nhiều đến hoạt động và hiệu quả công tác.
Về nguyên nhân chủ quan cũng được nhiều đại biểu quan tâm tới đó là trình độ, năng lực của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chưa theo kịp những vấn đề thực tiễn đặt ra, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác.    
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, những khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện và phân tích những nguyên nhân tác động, các ý kiến tham luận đã đưa ra các giải pháp, kiến nghị đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm thực hiện chủ trương “ tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” đã được các đại biểu tập trung nêu và nhiều ý kiến có chung quan điểm là các quy định của pháp luật cần xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của VKSND trong hoạt động công tố; nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của VKS trong hoạt động điều tra; cần đổi mới phương pháp thực hiện các hoạt động công tố theo hướng chủ động, trực tiếp, bám sát quá trình điều tra; triệt để khắc phục tính thụ động trên hồ sơ; mở rộng quyền quyết định của VKS đồng thời phải quy định và có chế tài để giải quyết mối quan hệ trong hoạt động tố tụng giữa VKS và cơ quan điều tra, tăng cường tính chế ước của hoạt động công tố đối với các hoạt động điều tra và các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự có căn cứ và hợp pháp, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội theo hướng VKS là cơ quan thực hành quyền công tố phải định hướng được hoạt động điều tra của cơ quan điều tra.
Các kiến nghị tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra theo yêu cầu cải cách tư pháp tập trung các nội dung: Sửa đổi, bổ sung các chế định, quy định của BLTTHS để hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; sửa đổi, bổ sung các chế định, quy định của Luật Tổ chức VKSND để đổi mới tổ chức bộ máy và nguyên tắc tổ chức, hoạt động theo hướng tăng thẩm quyền trong hoạt động tố tụng cũng như cơ chế bảo vệ Kiểm sát viên khi thi hành công vụ; nhiều ý kiến đề cập và nhấn mạnh cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành KSND thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông pháp luật và nghiệp vụ theo lời dạy của Bác Hồ với cán bộ Kiểm sát “ công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ có hiệu quả công tác cũng như cần phải có chính sách đặc thù, khuyến khích đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng thực sự đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.
Sau phần tham luận của các đại biểu, Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Hoa, Vụ trưởng Vụ 1A, Trưởng Ban nội dung Đề án đã tổng lược các ý kiến tham luận theo 10 nhóm vấn đề được đề cập tới đó là: Điều tra và công tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; Điều tra và công tố đều có chức năng buộc tội; Vai trò và thẩm quyền của VKS trong kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm; Tính chế ước hoạt động công tố với hoạt động điều tra; Bổ sung chế định quyền của Viện trưởng VKSNDTC rút vụ án chuyển cho cơ quan điều tra khác khi thấy có dấu hiệu không khách quan trong hoạt động điều tra của cơ quan điều tra đó;Bổ sung thẩm quyền của VKS trong phê chuẩn việc áp dụng một số biện pháp trinh sát cần thiết khi tiến hành điều tra nhằm tránh sự lạm dụng xâm phạm quyền dân chủ của công dân; Mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC; Mở rộng quyền năng của VKS trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện mà không phụ thuộc vào giai đoạn điều tra đã kết thúc hay chưa kết thúc điều tra, đảm bảo cho VKS được chủ động trong hoạt động công tố; Quan tâm công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ của Ngành,tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành.
VKSND đủ điều kiện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; Về kỹ thuật và cách đặt vấn đề trong Đề cương tổng quát của Đề án cần đưa vị trí của VKS lên trước trong mối quan hệ VKS với CQĐT, điều đó thể hiện rõ được yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra. 
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị tốt về các nội dung của Ban nội dung Đề án và các điều kiện khác góp phần cho Hội thảo có kết quả, đặc biệt đồng chí Phó Viện trưởng hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và sự tâm huyết của các đại biểu tham dự Hội thảo qua các ý kiến tham luận góp ý cho Đề án với nhiều nội dung, kiến nghị rất có giá trị về mặt kinh nghiệm thực tiễn cũng như giá trị lý luận và nghiên cứu khoa học, một số tham luận và cách làm tốt và thể hiện rõ được vai trò chủ trì và trách nhiệm trong quan hệ phối hợp liên ngành để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm được kịp thời, đầy đủ và chặt chẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm, điển hình như cách làm của VKSND tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh... Đồng chí Phó Viện trưởng ghi nhận các ý kiến tham luận và đề nghị Ban nội dung Đề án có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham luận trực tiếp tại Hội thảo và các ý kiến mà các đại biểu đã gửi cho Ban nội dung để nghiên cứu, tiếp thu và tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý đầu ngành, tổng hợp báo cáo Hội đồng khoa học VKSNDTC và sớm hoàn thiện báo cáo Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSNDTC xem xét và quyết định. Đồng chí Phó Viện trưởng cũng lưu ý, việc xây dựng và triển khai Đề án có ý nghĩa quan trọng góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm đáp ứng yêu cầu theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, do vậy lộ trình thực hiện Đề án này sẽ có những giải pháp lâu dài và những giải pháp thực hiện ngay sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thông qua.
P V
Tìm kiếm