Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực từ ngày 01/01/2005 đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của sự phát triển giao dịch về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động...; thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tư pháp. Sau gần 5 năm thực hiện BLTTDS, công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự của ngành Kiểm sát đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy vậy, qua thực tiễn, BLTTDS cũng bộ lộ một số vướng mắc, hạn chế cần được bổ sung, sửa đổi kịp thời
Sau 5 năm thực hiện Bộ Luật tố Tụng dân sự:
Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn
Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm
phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực từ ngày 01/01/2005 đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của sự phát triển giao dịch về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động...; thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tư pháp. Sau gần 5 năm thực hiện BLTTDS, công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự của ngành Kiểm sát đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy vậy, qua thực tiễn, BLTTDS cũng bộ lộ một số vướng mắc, hạn chế cần được bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Trong hai ngày 17 và 18/9 tại TP. Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm, Hội nghị toàn quốc “Tổng kết 5 năm thực hiện BLTTDS 2004” đã được tiến hành.
Sau gần 5 năm thực hiện BLTTDS, VKS các cấp đã vượt qua nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, vướng mắc ban đầu để thực hiện có hiệu quả công tác theo tinh thần BLTTDS mới. Công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự của toàn Ngành đã thu được những kết quả đáng khích lệ, phát hiện được nhiều vi phạm, ban hành kiến nghị, kháng nghị năm sau cao hơn năm trước, chất lượng được nâng lên; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đảm bảo pháp chế XHCN. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, VKS các cấp đã tích cực chủ động nghiên cứu, rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát; chú trọng công tác kháng nghị, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, BLTTDS đã bộc lộ không ít những hạn chế như: sự chưa hoàn thiện của các quy định trong bộ luât; từ nhận thức, năng lực, trình độ, khả năng diễn đạt, áp dụng và sự phối hợp giữa các ngành vào các vụ, việc cụ thể, dẫn đến việc giải quyết các vụ, việc dân sự của Toà án chưa có chất luợng và hiệu quả cao.
Qua ý kiến tham luận của các đại biểu cho thấy, thực tế phổ biến: Toà án hai cấp gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát chậm và không đầy đủ đã làm hạn chế quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát; trong 5 năm, VKSND cấp huyện toàn quốc nhận được 551.156 thông báo thụ lý vụ, việc dân sự của Toà án gửi VKS trong đó đúng thời hạn là 482.330 thông báo - chiếm tỷ lệ 87,5%; có đến 68.826 thông báo bị quá thời hạn (chiếm tỷ lệ 12,5%). Ở cấp tỉnh, con số tỷ lệ thông báo quá hạn đến 18,3%. Từ những vấn đề này, tình trạng VKS không kịp ra kháng nghị hoặc phải kháng nghị “chay” khi biết có dấu hiệu vi phạm xét xử của Toà án mà không “mượn” được hồ sơ (tham luận của đại biểu VKSTP Hồ Chí Minh). Báo cáo tổng hợp của Vụ 5 VKSTC đề cập: công tác kiểm sát việc xét xử của ngành Kiểm sát theo quy định của BLTTDS còn bộc lộ không ít những tồn tại như: Việc nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số Kiểm sát viên địa phương chưa đúng, cá biệt có nơi, có lúc cho rằng thời gian tới chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát trong lĩnh vực dân sự nói riêng, Quốc hội sẽ không giao cho VKSND. Do đó đã không đầu tư con người, cơ sở vật chất và còn buông lỏng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, việc thực hiện quyền năng pháp lý được giao ở một số VKS còn hạn chế, không phát hiện được vi phạm. Vụ trưởng Vụ 12 kiến nghị: đề nghị VKSNDTC phối hợp với TANDTC sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các điều luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong BLTTDS tương ứng với các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi kiểm sát các hoạt động tư pháp được quy định trong Luật tổ chức VKSND năm 2002...
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm – Phó Viện Trưởng VKSNDTC khẳng định: Sự ra đời của BLTTDS có ý nghĩa nhiều mặt, đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển các giao dịch về dân sự, kinh doanh, thương mại… trong nền kinh tế thị trường. Bộ luật TTDS cũng đã thể hiện đầy đủ hơn những đặc trưng cơ bản mà hầu hết các nước đã ghi nhận như: nguyên tắc quyền quyết định tự định đoạt của đương sự, nguyên tắc hoà giải… Tư tưởng đổi mới lớn nhất trong BLTTDS là quan điểm hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào các tranh chấp dân sự trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự.
Qua các nội dung báo cáo, tham luận, phát biểu của đại biểu tại Hội nghị cho thấy, sau 5 năm thực thi BLTTDS bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKS, chưa rõ ràng và còn lúng túng trong việc áp dụng các phương thức kiểm sát trong điều kiện mới, do đó làm hạn chế hiệu quả trong công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, tỷ lệ kháng nghị còn thấp.
Đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm nhấn mạnh: Trong thời gian tới, VKS các cấp cần: Nắm chắc tình hình thụ lý vụ, việc dân sự của Toà án; phải làm tốt hơn nữa công tác phát hiện vi phạm pháp luật của Toá án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự; kiên quyết và tập trung thực hiện tốt ba thẩm quyền của VKS được quy định trong Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và BLTTDS về quyền yêu cầu, kiến nghị và kháng nghị. Bên cạnh đó, lãnh đạo VKS các cấp cần quan tâm hơn nữa đối với các công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự. Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao cũng yêu cầu Vụ 5 và Vụ 12 phối hợp với Viện khoa học kiểm sát và các đơn vị liên quan tập hợp những vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền; thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa VKS các cấp, giữ vững và tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan Nhà nước khác ở địa phương. Trên cơ sở phối hợp tốt các mối quan hệ thì công tác kiểm sát dân sự sẽ có nhiều chuyển biến mới, tích cực và phát huy tối đa hiệu quả.
MT – TN (thưc hiện)