Theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản của một số tội xâm phạm sở hữu,...
Theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản của một số tội xâm phạm sở hữu, tình tiết này có ý nghĩa là căn cứ định tội khi hành vi của một người thực hiện chưa thỏa mãn mức định lượng tối thiểu mà điều luật quy định
Trong các cấu thành này, BLHS mô tả theo hai cách:
Một là, mô tả dạng tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt…” quy định trong cấu thành cơ bản các Điều 172 (tội công nhiên chiếm đoạt tài sản), Điều 173 (tội trộm cắp tài sản), Điều 174 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), Điều 175 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Theo đó, nếu một người trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi chiếm đoạt nếu chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 mà lại có một trong những hành vi chiếm đoạt sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng
- Hành vi trộm cắp tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng
- Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng
- Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 4.000.000 đồng
Hai là, tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” quy định tại Điều 177 (tội sử dụng trái phép tài sản), Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Theo đó người nào sử dụng trái phép tài sản gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng trước đó cũng đã bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản và trường hợp người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đương nhiên trong cả hai tội trên, hành vi đã bị xử phạt hành chính trước đó đều phải thỏa mãn chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Việc quy định như trên là cần thiết để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi xâm phạm sở hữu tuy gây thiệt hại về tài sản không lớn (cụ thể là dưới mức tối thiểu điều luật quy định) nhưng do trước đó đã bị các cơ quan chức năng áp dụng hình thức xử phạt theo thủ tục hành chính mà cố tình tiếp tục vi phạm. Những hành vi này thể hiện tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn hẳn trường hợp lần đầu vi phạm, thể hiện sự hạn chế trong ý thức tuân thủ pháp luật cũng như thái độ ăn năn, hối cải. Tuy nhiên, quy định như hiện tại của BLHS chỉ hợp lý đối với người đã thành niên (đủ 18 tuổi), còn trường hợp người thực hiện tội phạm là người dưới 18 tuổi lại trở nên bất cập, mâu thuẫn với các quy định khác của luật. Cụ thể:
Nếu một người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt…” sau đó lại thực hiện một trong các hành vi trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt, lừa đảo chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dưới 4.000.000 đồng hoặc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi” sử dụng trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sau đó lại sử dụng trái phép tài sản gây thiệt hại dưới 100.000.00 đồng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó cũng người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nếu trước đó đã bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng với một trong các hành vi chiếm đoạt quy định tại các điều 169,170,171,172,173,175,290 (bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lửa đảo chiếm đoạt tài sản và hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản) của BLHS mà chưa được xóa án tích thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu lần sau họ cũng có hành vi trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.000 đồng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dưới 4.000.000 đồng.
Cụ thể là nếu đã bị kết án về hành vi quy định tại khoản 1 của các Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản), Điều 171 (tội cướp giật tài sản) hoặc bị kết án về tội phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 của các Điều 172,173,175,290, do các trường hợp này đều là các tội ít nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt đến 03 năm tù), tội nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt đến 07 năm tù) nên người bị kết án không bị coi là có án tích theo quy định tại Điều 107 của BLHS. Bởi Điều 107 có quy định một trong những trường hợp không bị coi là có án tích nếu người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý. Riêng điều 168 về tội cướp tài sản tuy cũng được viện dẫn nhưng không ảnh hưởng tới quy định này vì tội cướp tài sản không có trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng.
Tương tự như vậy người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi“đã bị xử phạt hành chính về hành vi” sử dụng trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà lại thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trị giá dưới 2.000.000 thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó nếu đã bị kết án về các tội này (ở khoản 1, khoản 2, khoản 3 với tội sử dụng trái phép tài sản và khoản 1, khoản 2 với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản) thì do đây cũng là các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nên không bị coi là có án tích, do đó nếu có tiếp tục vi phạm thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, cũng theo quy định tại Điều 107, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án về bất cứ tội phạm gì thi đều không bị coi là có án tích. Do đó tình tiết “đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt…mà chưa được xóa án tích” không thể áp dụng với đối tượng này, nhưng việc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt” lại vẫn có thể áp dụng bình thường bởi theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính, người dưới 18 tuổi chỉ được rút ngắn thời gian được coi là chưa bị xử lý hành chính so với người đã thành niên mà thôi.
Như vậy, quy định như trên của BLHS bất cập ở chỗ đối với người dưới 18 tuổi nếu trước đó bị xử phạt hành chính thì lần sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi trước đó bị kết án (hình thức cưỡng chế nặng hơn biện pháp hành chính) thì lần sau lại không phải chịu trách nhiệm hình sự. Hay nói các khác, nếu đã bị kết án còn có lợi hơn đã bị xử phạt hành chính đối với người vi phạm.
Để giải quyết bất cập trên có hai hướng xử lý
Một là, sửa đổi quy định về trường hợp được coi là không có án tích đối với người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi để nếu có vi phạm như đã phân tích ở trên thì đảm bảo người đã bị kết án phải chịu trách nhiệm bất lợi hơn so với người mới chỉ bị xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, sửa đổi theo hướng này sẽ kéo theo nhiều quy định khác với nhiều đối tượng phạm tội khác liên quan đến chế định án tích, xóa án tích cũng bị biến động theo. Hơn nữa quy định này chỉ có ảnh hưởng đối với các hành vi chiếm đoạt đã bị kết án về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do đó nếu sửa đổi cũng sẽ kéo theo sự thay đổi đối với điều chỉnh các hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu. Mặt khác, sửa đổi như vậy cũng gây ảnh hưởng tới chính sách xử lý với chủ trương hướng thiện, nhân đạo nói chung mà pháp luật hình sự đang xây dựng.
Hai là, BLHS cần tiến hành sửa đổi quy định trực tiếp liên quan đến tình tiết phản ánh nhân thân của người phạm tội trong các điều luật về xâm phạm sở hữu đã nói ở trên, đó là các tình tiết “đã bị xử phạt hành chính”, mục đích việc sửa đổi nhằm đảm bảo người dưới 18 tuổi bị xử phạt hành chính sau đó lại có hành vi vi phạm không phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi hơn so với trường hợp trước đó đã bị kết án chưa được xóa án tích và cũng không mâu thuẫn với chính sách xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi các tình tiết liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính được mô tả trong cấu thành tội phạm một số tội xâm phạm sở hữu theo hướng: Sửa đổi tình tiết ““đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt…” quy định tại khoản 1 các Điều 172 (tội công nhiên chiếm đoạt tài sản), Điều 173 (tội trộm cắp tài sản), Điều 174 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), Điều 175 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) thành “người đủ 18 tuổi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt…”; sửa đổi tình tiết ““đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này” trong các tội: sử dụng trái phép tài sản (Điều 177), tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178) thành “người đủ 18 tuổi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này”./.
Ths. Trần Đình Hải, Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội
(Theo kiemsat.vn)