Ngày 13/8/2019, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ra Thông báo số 69/TB-VC2-V2 rút kinh nghiệm vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng...
Ngày 13/8/2019, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ra Thông báo số 69/TB-VC2-V2 rút kinh nghiệm vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại.
Nội dung vụ án
Nguyên đơn Công ty TNHH MTV Cao su Q và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Thực hiện Quyết định số 327/CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về phủ xanh đất trống đồi trọc, Nông trường Q giao đất cho các hộ viên nông trường tham gia dự án. Khi dự án kết thúc, các hộ viên có đủ điều kiện sẽ được Nông trường Q lập hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ. Trong đó, gia đình ông Cao Ngọc Q, bà Trần Thị T được cấp GCNQSDĐ diện tích 9.150m2 thuộc thửa số 02, tờ bản đồ số 15, ngoài diện tích đã được giao cho các hộ gia đình, diện tích còn lại thuộc quyền quản lý và sử dụng của Nông trường Q.
Ngày 26/3/2003, Tổng Công ty Cao su V có quyết định sáp nhập Nông trường Q và Nông trường B vào Công ty Cao su Q thuộc Tổng Công ty Cao su V. Căn cứ diện tích đất Nông trường Q đã sử dụng theo hồ sơ 364, năm 2008 UBND tỉnh Q đã cấp cho Công ty TNHH MTV Cao su Q GCNQSDĐ số AO069708 bao gồm 26 thửa đất, thuộc tờ bản đồ số 19, 20, 27, 28 với diện tích 525.477m2.
Do hộ gia đình ông Cao Ngọc Q, bà Đoàn Thị T đang sử dụng đất tại thửa số 23, tờ bản đồ số 19 với diện tích 32.308m2 là thửa đất nằm trong ranh giới quyền sử dụng đất đã được UBND tỉnh Q cấp GCNQSDĐ cho Công ty, trong đó: Thửa đất giao khoán theo Biên bản giao khoán lập ngày 15/11/2006 giữa Giám đốc Nông trường Q với bà Đoàn Thị T, diện tích 01 ha, đây là diện tích cao su của Nông trường Q đã an ủi và trồng rừng, sau đó mới giao khoán lại cho bà T (lúc đó bà T đang là công nhân) như trong hợp đồng ngày 15/11/2006; theo hợp đồng thì mục đích sử dụng là trồng rừng, thời gian nhận giao khoán: “…Từ khi ký hợp đồng đến khi Công ty có nhu cầu sử dụng đất để tái canh trồng mới diện tích cao su liền kề tại vùng đó thì sẽ thông báo thu hồi và bà T cam kết khi công ty có chủ trương thì sẽ trả lại đất…” Nhưng sau khi nhận khoán, bà Đoàn Thị T không trồng rừng mà chặt phá rừng trồng để trồng mới cao su mà không được sự đồng ý từ phía Công ty.
Đối với diện tích đất cho mượn theo đơn xin nhận đất trồng rừng lập ngày 24/11/2006 thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 19, diện tích 32.308m2; ông Cao Ngọc Q, bà Đoàn Thị T phải di dời toàn bộ cây cối trên diện tích đất đã mượn và thuê khoán của Công ty.
Tại phiên tòa, nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện đối với diện tích đất 5.392m2 thuộc thửa số 23, tờ bản đồ số 19 tại xã Vĩnh Hà, huyện V, tỉnh Q.
Bị đơn ông Cao Ngọc Q, bà Đoàn Thị T và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:
Theo Biên bản giao khoán ngày 15/11/2006, giữa Công ty Cao su Q với hộ gia đình bà Đoàn Thị T đã xác định diện tích giao khoán của Nông trường Q là 01ha, có vị trí: “…Phía Tây giáp hợp thủy kề lán tổ II; phía Bắc giáp đường ra lô; phía Nam giáp lô cao su 327 lô Tuyến; phía Đông giáp hợp thủy cao su khai thác NT do Đ/c T nhận…” Như vậy, tại bản giao khoán này, Công ty đã công nhận phía Đông là toàn bộ đất cao su 327 của gia đình bị đơn (kể cả phần diện tích hơn 02ha mà Công ty yêu cầu trả lại).
Vì vậy, đề nghị Tòa án giải quyết theo theo một trong các phương án sau:
- Yêu cầu nguyên đơn chấp nhận cho bị đơn tiếp tục canh tác cây cao su trên diện tích này thêm 20 năm (hết luân kỳ) kể từ tháng 01/2017.
- Công ty chuyển nhượng lại 01ha nói trên cho gia đình ông Cao Ngọc Q, bà Đoàn Thị T.
- Công ty bồi thường toàn bộ thiệt hại 500 cây cao su có độ tuổi 10 năm với giá 720.000đ/cây thì gia đình bị đơn sẽ bàn giao diện tích 01ha trên cho Công ty.
- Đối với diện tích hơn 02ha có nguồn gốc vào khoảng năm 2000, gia đình bị đơn khai hoang, phục hóa bờ đai hợp thủy nối tiếp xung quanh diện tích đất trồng cao su mà gia đình bị đơn đã được cấp GCNQSDĐ. Do trồng sắn không hiệu quả nên đầu năm 2004, gia đình bị đơn chuyển sang canh tác trồng cây cao su. Phía Công ty cao su có xuất trình Đơn xin nhận đất trồng rừng ngày 24/11/2006 có đề tên của bà Đoàn Thị T là lập khống giấy tờ, giả mạo chữ ký của bà T. Vì vậy, đề nghị Tòa án bác yêu cầu của nguyên đơn và công nhận quyền sử dụng đất đối với hơn 02ha do gia đình bị đơn khai hoang nói trên. Đồng thời, đề nghị Tòa án hủy một phần GCNQSDĐ số AO069708 do UBND tỉnh Q cấp ngày 17/12/2008 cho Công ty TNHH MTV Cao su Q với diện tích 22.308m2 mà gia đình ông Q, bà T khai hoang.
Quyết định của Tòa án
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2018/DS-ST ngày 06/11/2018, TAND tỉnh Q quyết định:
“…Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc không yêu cầu bị đơn ông Cao Ngọc Q, bà Đoàn Thị T trả lại diện tích đất 5.392m2 thuộc thửa số 23, tờ bản đồ số 19 tại xã Vĩnh Hà, huyện V, tỉnh Q.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Buộc bị đơn ông Cao Ngọc Q, bà Đoàn Thị T phải có nghĩa vụ trả lại cho Công ty TNHH MTV Cao su Q diện tích đất 26.916m2 thửa số 23, tờ bản đồ số 19 tại xã Vĩnh Hà, huyện V, tỉnh Q.
Chấp nhận sự tự nguyện của Công ty TNHH MTV Cao su Q cho ông Cao Ngọc Q, bà Đoàn Thị T tiếp tục khai thác và sử dụng cây cao su trên diện tích đất 16.916m2 thửa số 23, tờ bản đồ số 19 tại xã Vĩnh Hà, huyện V, tỉnh Q thời gian 07 năm (tính từ năm 2018 cho đến hết ngày 31/12/2025). Hết thời gian 07 năm thì buộc ông Q, bà T có nghĩa vụ thu hoạch toàn bộ cây cao su trên diện tích đất 16.916m2 để trả lại diện tích đất cho Công ty TNHH MTV Cao su Q.
Buộc ông Cao Ngọc Q, bà Đoàn Thị T có nghĩa vụ thu hoạch toàn bộ cây cao su trên diện tích đất 1ha thuộc thửa số 23, tờ bản đồ số 19 tại xã Vĩnh Hà, huyện V, tỉnh Q để trả lại diện tích đất cho Công ty Cao su Q. Thời gian đến hết tháng 02/2019, buộc ông Q, bà T phải thu hoạch xong tài sản trên đất, để trả lại diện tích đất 1ha cho Công ty Cao su Q.
Không chấp nhận yêu cầu của bị đơn về việc đề nghị Tòa án công nhận quyền sử dụng đất diện tích 22.308m2 thửa số 23, tờ bản đồ số 19 tại xã Vĩnh Hà, huyện V, tỉnh Q cho ông Cao Ngọc Q và bà Đoàn Thị T.
Không chấp nhận yêu cầu của bị đơn về việc buộc Công ty Cao su Q bồi thường thiệt hại cây cao su trên diện tích 1ha mà bà T đã giao nhận khoán với Công ty Cao su Q.
Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc hủy bỏ một phần GCNQSDĐ số AO069708 ngày 17/12/2008 của UBND tỉnh Q đã cấp cho Công ty Cao su Q…”
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm.
Ngày 13/11/2018, bị đơn ông Cao Ngọc Q, bà Đoàn Thị T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 91/2019/DS-PT ngày 15/7/2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2018/DS-ST ngày 06/11/2018 của TAND tỉnh Q để giải quyết lại.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Về tố tụng
Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 05/5/2017, bị đơn ông Cao Ngọc Q, bà Đoàn Thị T có đơn phản tố yêu cầu hủy một phần GCNQSDĐ số AO069708 ngày 17/12/2008 của UBND tỉnh Q cấp cho Công ty Cao su Q với diện tích 22.308m2 mà gia đình ông bà khai hoang, đồng thời yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông bà. Tòa án cấp sơ thẩm chưa yêu cầu ông Q, bà T nộp tiền tạm ứng án phí mà thụ lý và giải quyết yêu cầu phản tố là vi phạm Điều 146 BLTTDS.
Về nội dung
- Đối với diện tích 1ha ông Q, bà T nhận khoán: Theo Biên bản giao khoán diện tích đất tái canh lập ngày 15/11/2006 giữa Hội đồng quản lý nông trường Q với bà Đoàn Thị T, trong đó thống nhất giao khoán cho bà T chăm sóc, khai thác phần cây trên diện tích 1ha và cam kết khi Công ty yêu cầu lấy đất để tái canh thì trả lại đất. Ngày 20/10/2015, Nông trường Q có Thông báo số 36/TB-NT về việc thu hồi đất vành đai vườn cao su, nhưng bà T không chấp hành và tiếp tục sử dụng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Q, bà T có nghĩa vụ trả lại diện tích đất cho Công ty TNHH MTV Cao su Q là có căn cứ. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm không nêu rõ diện tích 1ha vị trí, tứ cận như thế nào, gây khó khăn cho công tác thi hành án.
- Đối với diện tích đất 16.916m2 thuộc thửa số 23, tờ bản đồ số 19: Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Q, bà T phải trả lại đất cho Công ty Cao su Q; hết thời gian khai thác 07 năm, buộc ông Q, bà T có nghĩa vụ thu hoạch toàn bộ cây cao su trên diện tích đất 16.916m2 để trả lại diện tích đất cho Công ty Cao su Q nhưng cũng không chỉ rõ diện tích đất này nằm ở vị trí nào, gây khó khăn cho công tác thi hành án.
- Đối với phần diện tích đất 5.392m2 nguyên đơn rút đơn khởi kiện: Phần diện tích đất này ông Q, bà T được quyền sử dụng nhưng Bản án sơ thẩm cũng không chỉ rõ diện tích này nằm ở vị trí nào và cũng không thể hiện trong Bản đồ khu đất do Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Q đo đạc ngày 19/12/2007.
Về tài sản trên diện tích đất tranh chấp (cây cao su)
Tòa án cấp sơ thẩm chưa đánh giá về mức độ lỗi của Công ty Cao su Q trong việc để vợ chồng ông Q, bà T trồng cây cao su. Mặt khác, cây cao su là cây công nghiệp dài ngày, có giá trị kinh tế cao, quá trình đầu tư, chăm sóc rất nhiều chi phí và chỉ có giá trị kinh tế khi khai thác nhựa cây. Như vậy, nếu phá bỏ cây cao su sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế gia đình bà Đoàn Thị T cũng như thiệt hại về mặt xã hội. Do đó, khi giải quyết vụ án, cần phải xem xét giải quyết lại nội dung này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Thanh Hằng
(Tổng hợp)