Miễn án phí là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta nhằm hạn chế những trường hợp vì lý do tài chính mà quyền khởi kiện của người dân không được thực hiện và cũng thể hiện...
Miễn án phí là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta nhằm hạn chế những trường hợp vì lý do tài chính mà quyền khởi kiện của người dân không được thực hiện và cũng thể hiện sự bình đẳng giữa các đương sự trong tố tụng dân sự. Do đó, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (viết tắt là Nghị quyết 326) quy định một số trường hợp được miễn án phí, trong đó có “người cao tuổi”.
Theo Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 quy định: “Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326 quy định những trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí: “…người cao tuổi…”. Khoản 1 Điều 14 Nghị quyết 326 quy định: “Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm”.
Theo các quy định nêu trên thì đương sự là người từ đủ 60 tuổi trở lên (người cao tuổi) có đơn đề nghị nộp cho Tòa án thì được xem xét miễn nộp tạm ứng án phí, án phí. Vấn đề đặt ra, đương sự là người cao tuổi không có đơn đề nghị miễn án phí thì có được miễn án phí không? Thực tiễn xét xử trong thời gian qua cho thấy nhiều Thẩm phán có quan điểm khác nhau trong vấn đề áp dụng pháp luật về án phí đối với trường hợp người cao tuổi không có đơn đề nghị miễn án phí. Do đó, khi giải quyết về phần án phí thì mỗi Thẩm phán có cách giải quyết khác nhau.
- Quan điểm thứ nhất: Đương sự là người cao tuổi không có đơn đề nghị miễn án phí, phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Điển hình vụ án “Tranh chấp đòi tài sản và bồi thường thành quả lao động” giữa nguyên đơn là ông Trần H. H, sinh năm 1950 và bị đơn là ông Trần V. M, sinh năm 1929. Theo đơn khởi kiện, ông H yêu cầu ông M trả cho ông 100.000.000 đồng. Nguyên đơn, bị đơn là người cao tuổi không có đơn đề nghị miễn án phí. Bản án số 39/2019/DS-ST ngày 15 tháng 5 năm 2019, tuyên xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông H, buộc ông H chịu án phí có giá ngạch là 5.000.000 đồng.
- Quan điểm thứ hai: Đương sự là người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn án phí nên đương nhiên được miễn án phí theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết 326.
Cụ thể vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính” giữa người khởi kiện là ông Phạm N. M, sinh năm 1949, người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phong Lạc. Ông M khởi kiện yêu cầu hủy quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Ông M là người cao tuổi, không có đơn xin miễn án phí và tại phiên đối thoại, phiên tòa không trình bày ý kiến về xin miễn án phí. Tòa án xét xử: Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông M, đồng thời miễn án phí cho ông M.
- Quan điểm thứ ba: Đương sự là người cao tuổi không có đơn đề nghị miễn án phí nhưng tại phiên đối thoại, hòa giải hoặc phiên tòa, đương sự đề nghị miễn án phí thì vẫn được miễn án phí theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị quyết 326.
Điển hình vụ án tranh chấp “Quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Đặng C. D, sinh năm 1932; Trần T. K, sinh năm 1940 và bị đơn là bà Dương T. Q, sinh năm 1947. Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả phần đất vườn diện tích 441,5m2 và công nhận phần đất ruộng diện tích 1.703,9m2 thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn. Nguyên đơn, bị đơn là người cao tuổi, không có đơn đề nghị miễn án phí; tại phiên tòa nguyên đơn, bị đơn đề nghị HĐXX miễn án phí. Tòa án xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận phần đất diện tích đất ruộng thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn; không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn trả diện tích đất vườn. Đồng thời, miễn toàn bộ án phí cho nguyên đơn và bị đơn.
Theo quan điểm chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ ba vì: Đương sự là người cao tuổi, mặc dù không có đơn đề nghị miễn án phí nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự có trình bày ý kiến xin được miễn án phí, ý kiến này được ghi nhận vào văn bản lưu vào hồ sơ vụ án thì cũng được xem là đương sự có đơn đề nghị miễn án phí theo quy định Điều 14 Nghị quyết 326. Do đó, việc miễn án phí trong trường hợp này là phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Còn đối với quan điểm thứ nhất - bắt buộc đương sự là người cao tuổi phải có đơn nộp cho Tòa án thì mới được miễn án phí, không có đơn thì không được miễn án phí; quan điểm này quá cứng ngắt và nguyên tắc theo quy định của Luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự. Quan điểm thứ hai - đương nhiên miễn án phí cho đương sự, vô tình làm cho quy định tại Điều 14 không có ý nghĩa, mặt khác đương sự là người cao tuổi nhưng có điều kiện kinh tế và họ không cần miễn án phí thì việc Tòa án miễn án phí cho họ là không cần thiết, làm ảnh hưởng đến khoản thu ngân sách của Nhà nước.
Qua kiểm sát nhận thấy, nhiều vụ án có đương sự là người cao tuổi nhưng Tòa án không xem xét miễn án phí cho đương sự. Hồ sơ vụ án không có đơn đề nghị miễn án phí, không có văn bản thể hiện ý kiến của đương sự về việc xin miễn án phí. Trong khi đó, Luật không có quy định trách nhiệm Tòa án giải thích cho đương sự biết về việc họ thuộc trường hợp miễn án phí. Do đó, Tòa án có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau. Để thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về việc miễn án phí cho người cao tuổi theo quy định của Nghị quyết 326. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn hoặc giải pháp đối với vướng mắc nêu trên nhằm áp dụng thống nhất trong thời gian tới./.
Phạm Huỳnh Trang - VKSND tỉnh Càu Mau
(kiemsat.vn)