CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi VKSND tối cao Trung Quốc

06/01/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Văn bản số 38/HD-VKSTC gửi một số đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao; Viện kiểm sát quân sự trung ương; các VKSND cấp cao...

Hướng dẫn lập yêu cầu tương trợ tư pháp

về hình sự gửi VKSND tối cao Trung Quốc

 

Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Văn bản số 38/HD-VKSTC gửi một số đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao; Viện kiểm sát quân sự trung ương; các VKSND cấp cao; VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự (TTTPHS) gửi VKSND tối cao Trung Quốc.

Thực tiễn hoạt động TTTP giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua cho thấy, nhiều yêu cầu tương trợ của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng Việt Nam gửi đi Trung Quốc bị VKSND tối cao Trung Quốc từ chối thực hiện hoặc đề nghị bổ sung thông tin để thực hiện, làm kéo dài thời gian thực hiện tương trợ, ảnh hưởng tới tiến độ và thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của Việt Nam. 

Trên cơ sở kết quả Hội nghị Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 2 tổ chức từ ngày 27 đến 29/11/2019 tại Quảng Ninh, để việc thực hiện tương trợ được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, VKSND tối cao hướng dẫn việc lập yêu cầu TTTPHS gửi Trung Quốc.

Yêu cầu TTTPHS gửi Trung Quốc tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 18, 19 Luật TTTP năm 2007, Mẫu số 01 và 02 do VKSND tối cao ban hành, trong đó cần lưu ý một số điểm sau:

Mục đích ủy thác tư pháp: Nêu cụ thể, chi tiết mục đích ủy thác theo từng nội dung yêu cầu phía Trung Quốc thực hiện để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tương trợ phía Trung Quốc đánh giá đầy đủ tính cần thiết của việc thực hiện tương trợ cho phía Việt Nam. Ví dụ: Yêu cầu phía Trung Quốc hỗ trợ xác minh lý lịch tư pháp, tiền án tiền sự của công dân Trung Quốc nhằm mục đích gì hay dùng để làm gì. 

Nội dung vụ án và các tình tiết liên quan: Nêu cụ thể, chi tiết nội dung của vụ án, đặc biệt là hành vi và quá trình phạm tội; vai trò của từng đồng phạm tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội (nếu có); nêu rõ ràng họ tên, địa chỉ bằng tiếng Trung Quốc và các thông tin nhân thân khác của bị can và đối tượng liên quan đến việc thực hiện nội dung tương trợ; tiến trình tố tụng và giai đoạn tố tụng của vụ án mà phía Việt Nam đang giải quyết, tư cách tố tụng của các cá nhân được yêu cầu lấy lời khai, bị can có đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nào không; đối với yêu cầu tương trợ có liên quan đến việc xác minh tài khoản ngân hàng, cần cung cấp đầy đủ thông tin về tài khoản ngân hàng cần xác minh. 

Trích dẫn điều luật có thể áp dụng: Trích dẫn đầy đủ toàn bộ nội dung của điều luật quy định về tội danh và hình phạt có thể áp dụng trong vụ án hình sự mà phía Việt Nam đang giải quyết. 

Nội dung yêu cầu: Nêu rõ ràng từng nội dung yêu cầu phía Trung Quốc thực hiện, tránh tình trạng nêu nội dung yêu cầu quá nhiều, phạm vi dàn trải nhưng không cung cấp đủ thông tin chi tiết để phía Trung Quốc thực hiện yêu cầu tương trợ cho phía Việt Nam. 

Tài liệu kèm theo yêu cầu: Cung cấp bản sao Hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ khác thể hiện thông tin nhân thân của cá nhân liên quan đến yêu cầu. Trong trường hợp không thu thập được những giấy tờ đó, cần nêu rõ trong văn bản Yêu cầu tương trợ để tránh việc phía Trung Quốc yêu cầu bổ sung những tài liệu này. Ví dụ: Cơ quan điều tra của Việt Nam không thu thập được Hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ khác của đối tượng liên quan đến yêu cầu. 

Ngôn ngữ: Yêu cầu TTTP gửi Trung Quốc và các tài liệu đính kèm là văn bản do cơ quan, tổ chức Việt Nam ban hành bằng tiếng Việt cần được dịch sang tiếng Trung Quốc (phổ thông, giản thể) có công chứng, bảo đảm chất lượng dịch thuật để các cơ quan có thẩm quyền phía Trung Quốc có thể hiểu được nội dung yêu cầu của phía Việt Nam và tổ chức thực hiện. 

Thời hạn mong muốn thực hiện yêu cầu: Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong nước lập yêu cầu tương trợ sớm và đề ra thời hạn hợp lý để phía Trung Quốc có thể thực hiện được; tránh tình trạng sắp hết thời hạn điều tra vụ án hình sự mới lập yêu cầu TTTP gửi đi và đề nghị phía Trung Quốc thực hiện và cung cấp kết quả trong thời hạn quá ngắn. 

Bên cạnh đó,Hướng dẫn đề nghị các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thuộc VKSND tối cao và Viện kiểm sát các cấp phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp tổ chức thực hiện thống nhất nhằm nâng cao chất lượng công tác TTTPHS giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hải Dương (tổng hợp)

 

File đính kèm
Tìm kiếm