1. Sự cần thiết phải nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang về ma túy
Bắt người phạm tội quả tang là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 109 BLTTHS năm 2015. Việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang được tiến hành một cách khách quan, đúng quy định của BLTTHS, phản ánh đầy đủ các nội dung theo quy định sẽ góp phần quan trọng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, không bỏ lọt tội phạm.
Biên bản bắt người phạm tội quả tang là một trong những tài liệu, chứng cứ vô cùng quan trọng, là căn cứ để tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết; đấu tranh, khai thác, điều tra mở rộng đường dây phạm tội. Chính vì vậy việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đòi hỏi phải tuân thủ đúng quy định của BLTTHS. VKSND phải thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với các cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đảm bảo các biên bản bắt người phạm tội quả tang có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra sai sót, vi phạm tố tụng, không để xảy ra việc sau khi lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, tạm giữ người bị bắt, phải trả tự do vì không đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Việc nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang về ma túy, là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình tiến hành tố tụng, được quy định trong BLTTHS.
1.1. Thực trạng tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong những năm vừa qua
Trong rất nhiều năm nay, Điện Biên vẫn được đánh giá là một trong những điạ phương nóng về tội phạm ma túy, do điều kiện về địa lý, ma túy được vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng”, qua các tỉnh bắc Lào vào Điện Biên, từ Điện Biên ma túy lại tiếp tục được vận chuyển đi các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn rồi bán sang Trung Quốc. Ma túy thẩm lậu vào Điện Biên chủ yếu là Heroin, thuốc phiện, Methamphetamine (ma túy dạng viên), năm 2018 xuất hiện thêm ma túy dạng đá (Methamphetamine).Tội phạm ma túy trong thời gian gần đây hoạt động hết sức táo bạo, liều lĩnh, nhiều vụ vận chuyển số lượng đặc biệt lớn, điển hình như vụ Vừ A Xìa sinh năm 1974 và vợ là Mùa Thị Đớ sinh năm 1979 trú tại bản Con Cang, xã Na Ư, huyện Điện Biên dùng hai xe máy vận chuyển 183 túi bột Heroin tổng khối lượng 128,96 kg, bị Công an tỉnh Điện Biên bắt quả tang vào ngày 02/01/2018.
Bình quân hàng năm trên địa bàn tỉnh phát hiện khoảng 600 vụ án ma túy, chiếm tỷ lệ 67% tổng số án hình sự. Do tội phạm về ma túy là loại tội phạm hoạt động hết sức bí mật, việc trao đổi, mua bán thường diễn ra tại các địa điểm hẻo lánh, không có người qua lại. Khi phát hiện, bắt giữ các đối tượng này đòi hỏi phải thu giữ được ma túy thì mới có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự. Để đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm về ma túy, không có cách nào khác là phải lập chuyên án, theo dõi đối tượng, tổ chức mai phục để bắt quả tang khi đối tượng đang vận chuyển hoặc đang trao đổi mua bán. Trong tổng số 600 vụ án hàng năm, số vụ bắt quả tang chiếm khoảng 95%, số còn lại thông qua phát hiện đối tượng sử dụng chất ma túy, căn cứ lời khai các đối tượng này để khám xét khẩn cấp đối tượng bán ma túy.
Việc bắt người phạm tội quả tang về ma túy tập trung chủ yếu là lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Cơ quan Công an, Bộ đội biên phòng, một số ít vụ việc do cán bộ Công an xã bắt.
1.2. Kinh nghiệm nhận diện một số dạng vi phạm của Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
Thực tiễn trong một số năm trước đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên khi tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang còn để xảy ra một số vi phạm, thiếu sót, như:
- Có trường hợp sử dụng không đúng biểu mẫu tố tụng theo quy định, khi phát hiện người phạm tội quả tang không sử dụng mẫu biên bản bắt người phạm tội quả tang, mà sử dụng mẫu “Biên bản phạm pháp quả tang”, việc sử dụng mẫu biên bản phạm pháp quả tang không thể hiện được việc bắt người, do đó không có căn cứ để tiến hành tạm giữ đối với người phạm tội được.
- Khi tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang không cử người phiên dịch cho người dân tộc thiểu số và người nước ngoài (người Lào) không biết tiếng phổ thông. Do người lập biên bản là người biết tiếng dân tộc hoặc biết tiếng Lào, nên nhận thức là mình và người bị bắt nói, nghe, hiểu được tiếng của nhau, nên không cử người phiên dịch, hoặc có trường hợp sử dụng chính người bị bắt phiên dịch cho người bị bắt cùng.
- Khi lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, mời người chứng kiến việc lập biên bản, nhưng lại ghi tư cách “người làm chứng”, trong khi đó người này hoàn toàn không biết đến hành vi phạm tội của người bị bắt.
- Trong phần thành phần tham gia lập biên bản bắt người phạm tội quả tang không ghi tên người chứng kiến hoặc người phiên dịch, nhưng phần chữ ký lại có tên những người này.
- Khi tiến hành bắt người phạm tội quả tang, có người chỉ đi cùng không biết người kia có ma túy trong người, nhưng vì hai người có mối quan hệ nhất định với nhau, dùng xe máy chở người có ma túy, hoặc cùng một tốp người đi từ khu vực biên giới về, lực lượng bắt giữ tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội đối với cả người không thực hiện hành vi phạm tội, dẫn tới việc phải trả tự do cho người bị bắt, giữ.
- Có trường hợp khi phát hiện người đang sử dụng chất ma túy, không thu giữ được ma túy, nhưng lại tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (xảy ra sau khi Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 bãi bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy).
- Khi thu giữ vật chứng đối với trường hợp có số lượng lớn ma túy, cất giấu ở nhiều vị trí khác nhau, biên bản bắt người phạm tội quả tang không mô tả chi tiết, đầy đủ đặc điểm, màu sắc, kích thước của từng loại vật chứng, nơi cất giấu vật chứng; hoặc hình dáng, kích thước vật chứa đựng ma túy, tài sản… mà những đồ vật, tài sản đó có thể là những đầu mối quan trọng cho việc điều tra mở rộng vụ án.
- Có trường hợp trong biên bản bắt người phạm tội quả tang ghi thu giữ “tang vật”, BLTTHS chỉ quy định là “vật chứng”, không có quy định nào là tang vật.
Những dạng vi phạm, thiếu sót nêu trên nếu không được phát hiên để khắc phục kịp thời, có thể sẽ dẫn đến hậu quả bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng không thể khắc phục được, hoặc có thể dẫn tới oan, sai, khởi tố người vô tội. Chính vì thế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
2. Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang về ma túy
Để làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, đòi hỏi Kiểm sát viên phải nâng cao kỹ năng, mà trước hết là phải nắm vững các quy định của pháp luật về bắt người phạm tội quả tang, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.
Điều 111 BLTTHS năm 2015 quy định về bắt người phạm tội quả tang:
“1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo cáo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.”
Bắt người phạm tội quả tang là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 109 BLTTHS năm 2015.
Việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang phải tuân thủ theo đúng quy định tại Điều 115 và Điều 133 BLTTHS:
Thứ nhất: Phải lập theo mẫu thống nhất (Mẫu số: 54 ban hành theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA, ngày 14/12/2017 của Bộ Công an).
Khi tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang phải mời người chứng kiến việc lập biên bản, người này phải có đủ năng lực hành vi, phải có trình độ văn hóa nhất định. Cử người phiên dịch có trình độ hiểu biết, thành thạo tiếng nói dân tộc hoặc người nước ngoài, trong trường hợp không có người phiên dịch tiếng nước ngoài thì có thể mời người phiên dịch là người cùng dân tộc có sự tương đồng về ngôn ngữ với người nước ngoài, ví dụ người Mông, người xá, người Thái… với điều kiện nói nghe, hiểu được tiếng của nhau.
Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản, thành phần tham gia bắt, thành phần tham gia lập biên bản bắt người phạm tội quả tang; những việc đã làm, tình hình, diễn biến trong khi thi hành việc bắt, tài liệu, đồ vật bị tạm giữ, tình trạng sức khỏe và ý kiến, khiếu nại của người bị bắt, thời gian kết thúc việc lập biên bản.
Thứ hai: Biên bản bắt người phạm tội quả tang phải được đọc cho người bị bắt và người chứng kiến nghe. Người bị bắt người thi hành việc bắt và người chứng kiến cùng nhau ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên. Những điểm sửa chữa, thêm bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ. Trường hợp người bị bắt quả tang không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản.
Trường hợp người bị bắt, không biết tiếng phổ thông thì phải cử người phiên dịch tiếng phổ thông ra tiếng cho họ. Trường hợp người bị bắt không biết chữ thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người bị bắt và chữ ký của người chứng kiến.
Trường hợp người bị bắt có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì người lập biên bản đọc cho họ nghe với sự chứng kiến và những người tham gia khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến.
Một nội dung hết sức quan trọng khi lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đó là: Tóm tắt nội dung sự việc, hành vi phạm tội quả tang và diễn biến quá trình bắt.
Nội dung này phải ghi rõ thời gian giờ, phút, ngày, tháng, năm, địa điểm nơi xảy ra sự việc phạm tội, ai là người phát hiện người phạm tội hoặc những ai, tên, tuổi, địa chỉ người thực hiện hành vi phạm tội, phạm tội gì, phạm tội như thế nào? Khi tiến hành bắt giữ, người hoặc những người bị bắt phản ứng như thế nào (chống trả, bỏ chạy, vứt vật chứng…). Trường hợp đối tượng chống trả người bắt giữ, thì nêu rõ chống trả như thế nào, có dùng hung khí hay không, loại hung khí gì, cầm tay nào, hướng của hung khí ra sao, lực lượng bắt giữ dùng vũ lực để tước vũ khí như thế nào? Trong trường hợp người bị bắt vứt, tẩu tán vật chứng thì phải mô tả cụ thể đối tượng dùng tay nào vứt vật chứng cách người bao nhiêu mét, lý do xác định người bị bắt vứt vật chứng, ai là người nhìn thấy vứt, vứt tại vị trí nào, mô tả tình trạng vật chứng khi tìm thấy. Vật chứng nghi là ma túy phát hiện gồm những gì, bao nhiêu loại, cất giấu ở những vị trí nào (trong túi quần, túi áo đang mặc trên người; trong phương tiện, đồ vật gì, cách vị trí người bị bắt bao xa, cần thiết thì vẽ sơ đồ mô tả vị trí…), mô tả rõ đặc điểm, màu sắc, kích thước (dạng bánh, dạng bột, dạng viên, dạng đá, dạng hạt tinh thể, dạng lỏng hay chất dẻo…) từng vật chứng cụ thể, nếu số lượng ma túy nhiều thì đánh số thứ tự từng loại. Trong một số trường hợp phải tiến hành chụp ảnh từng loại vật chứng kèm theo biên bản. Đối với các loại ma túy như quả thuốc phiện, phải mô tả chính xác tình trạng, nếu bằng mắt thường xác định được đó là quả thuốc phiện tươi thì mô tả rõ đặc điểm, màu sắc và nhận định là quả thuốc phiện tươi, chụp ảnh kèm theo, vì quả thuốc phiện nếu không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp rất nhanh bị phân hủy làm thay đổi hiện trạng dẫn tới việc giám định không thể xác định được là quả tươi hay quả khô. Khi kết luận giám định không trả lời được quả thuốc phiện tươi hay khô sẽ rất khó khăn cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị bắt.
Ngoài những vật chứng được phát hiện, thu giữ, còn thu giữ những tài sản, đồ vật, phương tiện gì, mô tả đặc điểm, màu sắc, chủng loại, nhãn hiệu, tình trạng. Chú ý không được bỏ sót bất kỳ vật chứng, tài sản, đồ vật, phương tiện gì, bởi có thể những tài sản, đồ vật, phương tiện, vật chứa đựng vật chứng chính là những đầu mối có ý nghĩa quan trọng trong việc điều tra, xác minh mở rộng vụ án. Biên bản bắt người phạm tội quả tang cũng cần thể hiện rõ những vật chứng, tài sản, đồ vật gì được lập biên bản thu giữ và biên bản niêm phong riêng; sơ đồ hiện trường và bản ảnh (nếu có) kèm theo.
Lưu ý: Trường hợp số lượng ma túy ít, nếu nghi ngờ không đủ khối lượng để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, thì phải sử dụng loại cân điện tử đã được cơ quan kiểm định chất lượng để cân vật chứng ngay, kết hợp với việc lấy lời khai người bị bắt quả tang để xem xát hành vi của họ cấu thành vào tội gì, nếu đủ yếu tố cấu thành tội mua bán trái phép chất ma túy thì mới tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang; trường hợp hành vi của họ chỉ là vận chuyển hoặc tàng trữ thì không lập biên bản bắt người phạm tội quả tang mà lập biên bản vi phạm hành chính. Tránh tình trạng khi đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, sau đó phải trả tự do vì không cấu thành tội phạm.
Phần ghi lời khai người bị bắt:
Đây là nội dung hết sức quan trọng, có giá trị chứng minh người thực hiện hành vi có phạm tội hay không, phạm vào tội gì: Mua bán, tàng trữ hay vận chuyển, giúp cho quá trình điều tra vụ án có hướng đi đúng đắn, xác định đúng sự thật khách quan của vụ án.
Nếu bắt cùng lúc nhiều người thì tiến hành ghi lời khai của từng người (lưu ý cách ly, không để các đối tượng ở cùng nhau). Lơi khai phải thể hiện được, những vật chứng bị phát hiện là loại vật chứng gì, nguồn gốc do đâu mà có, của ai hoặc của những ai, mua bán, trao đổi, mua bán như thế nào, giá của từng loại là bao nhiêu, đã thanh toán hay hứa hẹn thanh toán như thế nào. Việc giao nhận, mua bán tại đâu, thời gian nào, yêu cầu mô tả nhân dạng, địa chỉ cụ thể của người bán hoặc giao ma túy. Đem đi bán cho ai ở đâu, tên tuổi địa chỉ cụ thể hoặc đang giao dịch mua bán với ai, đã trao đổi, thỏa thuận như thế nào? Tại sao khi bị phát hiện lại bỏ chạy, lại vứt vật chứng đi…
Trong trường hợp đối tượng bị bắt không hợp tác, quanh co không thừa nhận hoặc không khai báo thì phải đặt các câu hỏi thật cụ thể và phải ghi rõ người bị bắt im lặng không trả lời, hay trả lời là không phải số vật chứng là của họ, không biết vật chứng đó là thứ gì… để có các biện pháp điều tra, xác minh phù hợp sau này.
Tóm lại việc ghi lời khai ban đầu của người bị bắt quả tang càng chi tiết, cụ thể, đầy đủ càng tạo thuận lợi cho công tác điều tra mở rộng vụ án.
Sau khi ghi lời khai người bị bắt, thì tiến hành ghi lời khai người chứng kiến để họ trình bày việc chứng kiến quá trình lập biên bản có khách quan không, những đồ vật, tài sản, phương tiện, vật chứng thu giữ đã được ghi đầy đủ vào biên bản hay chưa, lời khai của người hoặc những người bị bắt như thế nào.
Kết thúc việc lập biên bản phải ghi việc ghi biên bản kết thúc vào hồi giờ, phút, ngày, tháng năm và phải đọc lại cho những người có tên trong thành phần lập biên bản, người bị bắt, người chứng kiến, người phiên dịch cùng nghe. Nếu có ý kiến nào bổ sung thêm hoặc không nhất trí nội dung nào thì phải được ghi rõ vào phần cuối biên bản. Phần chữ nào bị gach bỏ, bị tảy xóa thì phải có chữ ký xác nhận của người bị bắt, người chứng kiến và người ghi biên bản. Tất cả các thành phần tham gia đều cùng ký và ghi rõ họ tên vào biên bản.
Đồng thời, với việc kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc lập biên bản thu giữ vật chứng, đồ vật, tài sản, phương tiện; Biên bản niêm phong vật chứng, mặc dù các biên bản này được lập thành các biên bản độc lập, nhưng có sự liên quan mật thiết với nhau trong việc bắt người phạm tội quả tang và là những chứng cứ quan trọng để xác định sự thật khách quan của vụ án. Khi kiểm sát các biên bản thu giữ, niêm phong vật chứng phải đối chiếu với biên bản bắt người phạm tội quả tang xem các biên bản đó có mô tả khớp với nhau hay không và đã ghi đầy đủ hay chưa, liệu có biên bản nào ghi thiếu đồ vật, tài sản, vật chứng gì không. Các biên bản đã có đủ chữ ký của các thành viên tham gia chưa.
Sau khi kiểm sát các biên bản nói trên, nếu phát hiện có vi phạm, thiếu sót gì thì phải kịp thời trao đổi để cơ quan bắt giữ khắc phục ngay. Trường hợp cần thiết Kiểm sát viên tham gia hoặc trực tiếp lấy lời khai của người bị bắt để làm rõ những nội dung cần thiết nhằm phục vụ cho quá trình điều tra và kiểm tra về hành vi của những người bắt giữ, lập biên bản xem có đảm bảo tính khách quan không, nhất là các trường hợp cố tình không thừa nhận hành vi phạm tội.
3. Kết quả đạt được từ kinh nghiệm thực tiễn
Từ ngày 01/01/2018, thực hiện BLTTHS năm 2015, toàn ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã chú trọng, nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang về ma túy với tổng số 540 vụ án về ma túy. Do Kiểm sát viên được quán triệt đầy đủ và chấp hành nghiêm túc chức năng, nghiệp vụ và được trau dồi kỹ năng, nên không để xảy ra sai sót, vi phạm trong việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang của Cơ quan điều tra và cơ quan được giao tiến hành một số nhiệm vụ điều tra. Việc kiểm sát chặt chẽ hoạt động này đã góp phần nâng cao hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án ma túy, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về ma túy đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và oan người vô tội. Không có trường hợp nào phải trả tự do sau khi lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, không vụ án ma túy nào bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, không có trường hợp nào phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội. Không có trường hợp nào Tòa án tuyên không phạm tội.
4. Một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang
Một là: Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành để từng cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác chống oan, sai trong tố tụng hình sự. Phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành nhằm tăng cường vai trò vị thế của ngành Kiểm sát trong công tác thực thi pháp luật, đảm bảo Pháp chế thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hai là: Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, chú trọng đến đào tạo tại chỗ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá thực chất năng lực trình độ, sở trường công tác của từng cán bộ để có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng và bố trí sắp xếp, phát huy sở trường, năng lực của mỗi người để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Ba là: Tăng cuờng mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiền hành tố tụng như Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nhằm đảm bảo việc cung cấp thông tin, chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc bắt người phạm tội quả tang đến VKSND đúng thời gian quy định, để Viện kiểm sát kịp thời kiểm sát hoạt động bắt và việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Trường hợp các Đồn biên phòng ở xa trung tâm, không chuyển kịp hồ sơ, tài liệu theo đúng thời gian quy định, thì trao đổi trước bằng điện thoại về những nội dung cơ bản liên quan đến việc bắt người phạm tội quả tang, sau đó chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến Viện kiểm sát. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành lấy lời khai của người bị bắt quả tang. Để có sự tiếp cận ngay từ đầu của Kiểm sát viên, thì giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có sự phối kết hợp chặt chẽ trên cơ sở các Quy chế phối hợp đã được ký kết, chính vì vậy tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng là một giải pháp nhằm hạn chế những tồn tại trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Bốn là: Tăng cường công tác kiểm sát trong kiểm sát áp dụng biện pháp ngăn chặn, chú trọng kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.
Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát điều tra cần nắm vững quy định của BLTTHS quy định về các biện pháp ngăn chặn, căn cứ bắt người phạm tội quả tang, quy định về việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, thu giữ vật chứng.
Năm là: Thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm và có hướng dẫn kịp thời những điểm chưa rõ ràng, còn có nhận thức chưa thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về các biện pháp ngăn chặn để vận dụng vào thực tiễn đuợc chính xác. Nâng cao kỹ năng nhận diện những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động lập biên bản bắt người phạm tội quả tang của cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Sáu là: Tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để cho cán bộ, Kiểm sát viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Nguyễn Hữu Sơn