Đất đai là tài nguyên quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân và thống nhất quản lý về đất đai. Trong thời gian qua,...
Đất đai là tài nguyên quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân và thống nhất quản lý về đất đai. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm công tác quản lý và sử dụng đất đai, đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê, rà soát, quản lý đất đai nhằm thống nhất quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này, do đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai còn xảy ra nhiều, hành vi vi phạm trong công tác quản lý sử dụng đất đai ngày càng phức tạp, có nhiều vụ việc với quy mô lớn và có biểu hiện lợi ích nhóm. Được sự tiếp tay, giúp sức của một số cán bộ có chức vụ, đã diễn ra việc mua bán, chuyển nhượng nhiều diện tích đất của Nhà nước (được coi là đất vàng) thành đất của cá nhân hoặc doanh nghiệp nhằm mục đích trục lợi tại các thành phố lớn như Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, hoặc vụ án quy hoạch đô thị khu vực Thủ Thiêm TP Hồ Chí Minh dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và của công dân, gây bức xúc trong nhân dân. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và phát hiện xử lý các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai luôn là vấn đề nóng, được dư luận xã hội quan tâm.
Riêng đối với thủ đô Hà Nội, từ năm 2013 đến nay, tình hình tội phạm về tham nhũng trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nhóm tội phạm về tham nhũng thì hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đất đai là một trong những hành vi phổ biến và phức tạp nhất, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu án hình sự về tham nhũng do VKSND hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử thời gian qua.
Thực tiễn cho thấy qua đánh giá số liệu tổng hợp công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội, một số hình thức vi phạm phổ biến của tội phạm tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:1. Sai phạm trong việc quy hoạch sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng:
Hành vi tham nhũng trong công tác quy hoạch sử dụng đất và bồi thường giải phóng mặt bằng xảy ra tương đối phổ biến do triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất của Nhà nước tại các địa phương phụ thuộc vào chính quyền cơ sở, nên tình trạng lạm dụng quyền hạn để biến đất công thành đất tư, hợp thức hóa việc bồi thường di dời không đúng đối tượng để trục lợi, nhận hối lộ để phê duyệt và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong những dự án kinh doanh bất động sản.
Trong đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị can trong vụ án là hợp thức cho rất nhiều hộ dân không thuộc diện bồi thường hỗ trợ tái định cư được nhận bồi thường trái quy định và lập khống phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân khác, lập khống danh sách các hộ dân được tiêu chuẩn đất giãn dân để xin phương án quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
2. Sai phạm, tham nhũng trong các hoạt động liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, cấp Giấy CNQSD đất:
Thực tế giải quyết cho thấy trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, bất cập về quy trình xảy ra khá phổ biến, do các quy định về chuyển đổi quyền sử dụng đất, cấp Giấy CNQSD đất còn nhiều bất cập, gây không ít phiền hà cho người dân. Người dân thường gặp khó khăn trong việc kê khai các giấy tờ cần thiết, các thủ tục hành chính về đất đai còn chưa rõ ràng, gây khó hiểu cho người dân, nên tình trạng một số cán bộ muốn trục lợi thông qua quy trình cấp Giấy CNQSD đất xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là việc cố ý làm sai lệch hồ sơ, xác nhận sai nguồn gốc sử dụng đất để cấp Giấy CNQSD đất trái quy định và hưởng lợi. Việc quản lý công tác cấp Giấy CNQSD đất tại một số địa phương còn lỏng lẻo, còn xảy ra tình trạng một số cán bộ cấp dưới tự ý thực hiện các quy trình, thủ tục, nhất là công tác xét duyệt cấp GCNQSD đất sau đó trình UBND cấp trên để cấp Giấy CNQSD đất không đúng đối tượng, đến nay, việc thu hồi diện tích đất cấp không đúng đối tượng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vụ việc không thể thu hồi được tài sản là đất đai do sau khi được cấp Giấy CNQSD đất, các đối tượng đã chuyển nhượng qua nhiều người, thủ tục chuyển nhượng cho bên thứ ba được thực hiện đúng quy định nên không thu hồi được.
3. Sai phạm liên quan đến việc chính quyền địa phương giao đất trái thẩm quyền giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, không đúng quy hoạch; sử dụng tiền thu từ quỹ đất công ích (5%) trái quy định của pháp luật:
Các vụ án có hành vi sai phạm trong công tác này chiếm tới trên 55% số vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đã thụ lý trong những năm qua. Dạng vi phạm pháp luật tập trung do hành vi của các cán bộ xã, thôn tại một số địa phương thường tổ chức bán đất, giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền tại các khu vực thuộc quỹ đất công, tổ chức san lấp các ao mương, bờ kè... để bán cho các hộ dân hoặc đấu thầu cho thuê đất lâu dài, hoặc mập mờ trong việc cho thuê quyền sử dụng với việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, đặc biệt có nhiều vụ việc có lợi ích của cá nhân người dân nên được người dân tại địa phương ủng hộ, các đối tượng thường để ngoài ngân sách số tiền thu được, sử dụng để xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương, chi tiêu cho công việc của xã, thôn.
4. Sai phạm trong công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới:
Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp là chủ trương, chính sách quan trọng của Nhà nước để tiến hành xây dựng nông thôn mới, quy hoạch lại quỹ đất sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện DĐĐT, Nhà nước khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau về việc chuyển đổi quyền, vị trí sử dụng đất nông nghiệp, UBND cấp xã lập phương án chuyển đổi quyền, vị trí sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã, phường, thị trấn trình UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt và đảm bảo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người dân về việc sử dụng đất, UBND xã có trách nhiệm phải thực hiện phương án dồn điền đổi thửa theo đúng phương án đã được UBND huyện phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều bị can là cán bộ cấp xã, thôn tại một số địa phương đã lợi dụng chủ trương, chính sách này để giao ruộng, thu tiền giao ruộng không đúng trình tự, không đúng phê duyệt của UBND cấp huyện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp tại một số địa phương.
Như vậy, qua những phân tích trên, có thể thấy đặc trưng hình sự phổ biến của tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực đất đai là:
- Chủ thể chủ yếu là cán bộ cấp xã như Chủ tịch xã, Phó chủ tịch xã, Cán bộ địa chính, Trưởng thôn. Một số vụ án có đối tượng phạm tội là cán bộ Phòng Tài nguyên và môi trường cấp huyện.
- Thời gian thực hiện hành vi phạm tội xẩy ra đã lâu, kéo dài, nhiều vụ việc do cán bộ thuộc các nhiệm kỳ trước, các cán bộ có hành vi sai phạm đã về hưu hoặc đã chuyển đổi công tác.
- Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý Nhà nước về đất đai xuất phát từ việc tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, công chức. Họ lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quản lý và nhận thức có phần hạn chế của một bộ phận quần chúng nhân dân để thực hiện hành vi mang động cơ vụ lợi cá nhân, lấy tiền để xây dựng công trình công cộng hoặc gây quỹ địa phương do mình quản lý nhưng gây thiệt hại chung cho Nhà nước và xã hội.
- Khách thể của tội phạm chủ yếu là đất ở các vùng nông thôn, đất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành Hà Nội bị các đối tượng giao đất, bán đất trái thẩm quyền, đặt ra các thủ tục trái quy định để nhận tiền.
* Hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai:
- Thứ nhất, hiện nay, số tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực đất đai đã thụ lý, giải quyết còn chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số tin báo về tội phạm nói chung. Việc thụ lý, giải quyết các vụ án này tập trung ở địa bàn các huyện ngoại thành, không có vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai nào được phát hiện tại các quận nội thành. Điều này cho thấy việc phát hiện, thụ lý tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng, chức vụ trong thời gian qua là chưa phản ánh đúng thực tế khách quan tình hình tội phạm tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực đất đai đang xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội trong nhiều năm qua.
- Thứ hai, hiện nay, nguồn thụ lý các vụ việc, vụ án về tham nhũng, chức vụ chủ yếu vẫn là từ đơn thư tố giác của công dân, số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua các hoạt động quản lý Nhà nước như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… không nhiều hoặc nếu phát hiện được cũng chỉ dứng ở mức sử lý hành chính. Theo thống kê thì số nguồn tin từ nguồn kiến nghị khởi tố của cơ quan Thanh tra chỉ chiếm 25,2% tổng số nguồn tin về tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đã thụ lý. Mặt khác, các vụ việc được thanh tra hầu hết đều xuất phát từ việc giải quyết đơn thư, khiếu kiện kéo dài của công dân tại các địa phương, sau khi được UBND các cấp thanh tra mới phát hiện sai phạm và chuyển sang CQĐT để kiến nghị khởi tố. Điều này cho thấy hoạt động thanh tra và phát hiện các sai phạm trong công tác quản lý đất đai qua thanh tra tại các địa phương chưa thực sự hiệu quả dẫn đến tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai tại các địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, việc chủ động tố cáo hành vi tham nhũng của người dân còn nhiều hạn chế do lo sợ bị trù dập, đe dọa hoặc mặc dù biết được hành vi nhũng nhiễu nhưng thiếu các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội. Người tố cáo tham nhũng ít khi được sự đồng thuận, động viên, chia sẽ của người thân trong gia đình và của cộng đồng xã hội nên họ thường đơn độc trong cuộc đấu tranh với tham nhũng.
- Thứ ba, chủ thể trong những vụ án này đa số là những cá nhân giữ vai trò lãnh đạo của cơ quan, tổ chức tại địa phương, có trình độ chuyên môn, quan hệ xã hội rộng. Vì vậy, việc xác minh hành vi phạm tội của các đối tượng này gặp nhiều khó khăn, các đối tượng thường không cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu phục vụ cho công tác xác minh hoặc hợp thức hóa tài liệu. Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý đất đai, hành vi tham nhũng “vặt” còn xảy ra phổ biến như nhũng nhiễu trong việc cấp Giấy CNQSD đất, xin cấp phép xây dựng, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng việc phát hiện để khởi tố, điều tra, truy tố đối với những hành vi này hầu như không có.
- Thứ tư, nhiều vụ án mà hành vi phạm tội của các đối tượng xảy ra từ cách đây 15 năm (năm 2003), phổ biến xảy ra từ những năm 2008-2010, sau đó đến các năm 2014, 2015 mới bị phát hiện, hành vi sai phạm các các bị can diễn ra trong nhiều năm, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo địa phương. Việc bàn giao, quản lý hồ sơ tài liệu, sổ sách lưu trữ không đúng quy định. Do đó, việc thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội như các Sổ Nghị quyết, Biên bản họp, Hợp đồng cho thuê đất, chứng từ thu, chi… gặp nhiều khó khăn do thời gian xảy ra đã lâu, qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo địa phương nên các tài liệu trên thường bị hư hỏng, thất lạc, không còn được lưu giữ.
Hệ thống hồ sơ địa chính, đặc biệt là bản đồ địa chính chính quy chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất, độ chính xác và tin cậy không cao, nhiều vấn đề lịch sử để lại chưa được giải quyết dứt điểm và kịp thời như việc xác định nguồn gốc, mốc giới, thời hạn, mục đích, người sử dụng đất… Do thiếu tài liệu dẫn đến việc đánh giá chứng cứ, mức độ vi phạm, xác định vai trò đồng phạm của các bị can còn gặp nhiều khó khăn.
- Thứ năm, một số quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành và các văn bản liên quan đến quản lý đất đai hiện nay còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, như:
+ Quy định về khái niệm “thi hành công vụ”, “chủ thể thi hành công vụ” và “thực hiện nhiệm vụ” vẫn chưa được rõ ràng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Bộ luật Hình sự, dẫn đến cách xác định tội danh cho các bị can là Trưởng, phó thôn có hành vi bán đất, giao đất trái thẩm quyền còn gặp nhiều vướng mắc.
+ Yếu tố xác định hành vi “chiếm đoạt” và hiểu khái niệm “vụ lợi” trong Bộ luật Hình sự cũng chưa có sự đánh giá thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đa số các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai từ năm 2013 đến nay thì các bị can chủ yếu là cán bộ xã, thôn có hành vi bán đất, giao đất trái thẩm quyền nhưng đều nhằm mục đích có thêm kinh phí để xây dựng các công trình phúc lợi, làm đường giao thông nội thôn, sửa chữa, tu bổ các công trình công cộng hoặc để quỹ của thôn sử dụng cho các công việc chung… Các bị can không tư lợi cá nhân, không có bất kỳ lợi ích gì kể cả lợi ích vật chất hoặc phi vật chất, vì vậy để xác định vai trò, trách nhiệm của các bị can này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đánh giá hết sức cẩn trọng để không làm oan người vô tội cũng như không bỏ lọt tội phạm.
+ Các quy định hiện nay cũng chưa có cơ chế, quy định cụ thể để xác định thiệt hại trong các vụ án liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, một số vụ án gặp vướng mắc trong việc xác định thiệt hại do các công trình thi công trong nhiều năm, chưa quyết toán, dẫn đến không thực hiện giám định được. Đây chính là nguyên nhân mà có rất ít các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được khởi tố để điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua.
- Thứ sáu, công tác thu hồi tài sản do hành vi phạm tội tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực đất đai gây ra cũng gặp nhiều hạn chế do các bị can khi thực hiện hành vi bán đất, giao đất trái thẩm quyền đưa ra họp bàn với nhân dân và nhận được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân tại địa phương, sau khi bán đất, giao đất các hộ dân hầu hết đã được cấp Giấy CNQSD đất hoặc xây dựng các công trình có giá trị lớn để ở và định cư ổn định, canh tác lâu dài trên đất được giao, nếu phải thu hồi sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người dân nên việc thu hồi diện tích đất bị giao, bán trái quy định tại nhiều địa phương không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, mục đích của các bị can là cán bộ của xã, thôn khi thực hiện hành vi giao đất, bán đất, cho thuê đất…hầu hết sử dụng tiền thu vào việc xây dựng các công trình phúc lợi của thôn, xã, phục vụ dân sinh; sau khi bị khởi tố các bị can cũng đã nộp tiền khắc phục nhưng đa số đều khó khăn về kinh tế, thu nhập chính đều từ canh tác nông nghiệp, nên việc thu hồi tài sản trong các vụ án này thường không cao, không đạt chỉ tiêu đã đề ra.
* Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng THQCT, kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực đất đai và giải quyết các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
- Một là, VKS các cấp cần tiếp tục triển khai các quy định của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng. Thông qua giải quyết khiếu nại của công dân để phát hiện hành vi phạm tội trong lĩnh vực đất đai, góp phần ngăn ngừa các tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này. Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo của Viện kiểm sát các cấp phải thực sự coi công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, tập trung chỉ đạo giải quyết tốt các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trên địa bàn.
- Hai là, VKS các cấp cần chủ động bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện công tác kiểm sát giải quyết nguồn tin báo và các vụ án tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực đất đai. Xác định yếu tố con người giữ một vai trò quan trọng để đảm bảo chất lượng hiệu quả của công tác. Qua đó, cần chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn liên quan đến công tác giải quyết vụ án, vụ việc tham nhũng trong lĩnh vực đất đai; quan tâm bố trí nhân sự phù hợp và có phân công mang tính chuyên trách đối với các cán bộ, Kiểm sát viên để thực hiện nhiệm vụ này, tránh phân công kiêm nhiệm quá nhiều khâu công tác làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc.
Thường xuyên tập huấn chuyên đề cho cán bộ, Kiểm sát viên về pháp luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành qua các thời kỳ, nắm chắc về nguồn gốc, quá trình quản lý sử đụng đất để nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng công tố trong lĩnh vực này.
- Ba là, đối với các cán bộ, Kiểm sát viên được phân công THQCT, KS việc giải quyết nguồn tin cũng như các vụ án tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực đất đai, cần phải tự trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp để đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chủ động phối hợp cùng Điều tra viên và Cơ quan điều tra họp bàn phân loại xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực đất đai.
- Bốn là, tiếp tục tăng cường trao đổi các thông tin với các cơ quan liên quan như Thanh tra, Thuế... để giải quyết tốt các thông tin về tội phạm, các kiến nghị khởi tố trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
*Một số đề xuất, kiến nghị:
- Đề nghị VKS cấp trên thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn chuyên sâu đối với cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nói chung và trong lĩnh vực đất đai nói riêng. Xây dựng các báo cáo tổng hợp kinh nghiệm, chỉ ra những khó khăn vướng mắc cụ thể của các địa phương, và phổ biến chung trong ngành để cùng rút kinh nghiệm, tránh mắc phải sai lầm, thiếu sót, trong giải quyết án về tội phạm tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch xây dựng, qua đó nâng cao được năng lực, chất lượng công tác THQCT, KS trong lĩnh vực này.
- Đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa trong công tác tiếp nhận và giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, đặc biệt là các vụ án liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng, quản lý, sử dụng đất; tăng cường hoạt động phối hợp liên ngành và chỉ đạo sát sao để giúp các Cơ quan tiến hành tố tụng hoạt động có hiệu quả, giải quyết tốt những khó khăn vướng mắc trong xử lý các tội phạm tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố.
- Để tăng cường vai trò của người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, mạnh dạn hơn trong việc tố cáo các hành vi tham nhũng, đề nghị cần phải thiết lập một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, có thể giao chức năng chủ trì, điều phối và chuyên trách bảo vệ người tố cáo cho cơ quan Công an cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan khác. Đồng thời, cần thể chế hóa những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bảo vệ người tố cáo, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Phòng, chống tham nhũng... để xây dựng một trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bảo vệ của người tố cáo; thẩm tra, xác minh yêu cầu của người tố cáo, đánh giá tình hình và giải quyết yêu cầu của người tố cáo, tạo thuận lợi cho công dân thực hiện việc tố cáo các hành vi tham nhũng hiện nay. Bên cạnh đó, cần có chính sách khen thưởng, động viên những người tố cáo tham nhũng đã tố cáo đúng và giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, xử lý được các hành vi tham nhũng để khuyến khích tinh thần đấu tranh với mọi biểu hiện tiêu cực của người dân.
- Đề nghị các cơ quan trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý sử đụng đất đai, cũng như các quy định để xử lý hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Có cơ chế tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Thanh tra Nhà nước trong quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai; kiến nghị các cơ quan Thanh tra cần tổ chức các cuộc thanh tra theo kế hoạch để thanh tra toàn diện về vấn đề sử dụng bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý và sử dụng đất đai tại các địa phương để từ đó nâng cao kết quả phát hiện tham nhũng, lãng phí để kiến nghị khởi tố. Đồng thời, cần có quy định đồng bộ theo quy định của pháp luật về cơ chế, chính sách tăng cường địa vị pháp lý, trách nhiệm của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án trong lĩnh vực này./.
Lã Thị Anh Hoa – Phòng 5, VKSND thành phố Hà Nội
(Trang thông tin điện tử VKSND thành phố Hà Nội)