CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Nghĩa vụ của đương sự trong việc sao gửi tài liệu, chứng cứ hoặc thông báo về tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác

Người gửi: Đỗ Khắc Sơn

Khoản 5 Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của đương sự phải sao gửi tài liệu, chứng cứ hoặc thông báo về tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác. Vậy, nếu đương sự không thực hiện thì xử lý như thế nào?

Câu trả lời

Quy định tại khoản 9 Điều 70 và khoản 5 Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 24 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử “đương sự... có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp”, nhằm bảo đảm các đương sự đều được tiếp cận chứng cứ để thực hiện quyền tranh tụng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 không quy định chế tài xử lý đối với đương sự không thực hiện nghĩa vụ gửi, thông báo tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác. Do đó, khi Tòa án thông báo về việc thụ lý vụ án, cần giải thích, hướng dẫn ngay cho đương sự thực hiện nghĩa vụ này, nếu nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án hỗ trợ trong việc gửi tài liệu, chứng cứ thì Tòa án thực hiện theo khoản 3 Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong trường hợp vì lý do chính đáng mà không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác và có yêu cầu (đoạn 2 khoản 9 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015). Trường hợp đương sự không thực hiện nghĩa vụ gửi, thông báo tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác mà cũng không yêu cầu Tòa án hỗ trợ thì Tòa án bảo đảm cho các đương sự được tiếp cận với đầy đủ tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Ban Biên tập