Các trường hợp nêu trên thuộc trường hợp Nhà nước phải thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp theo điểm b và điểm c khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013.
Khoản 3 Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn như sau: “Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận... hoặc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước đây cùng với hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận, hồ sơ đăng ký biến động. Văn phòng đăng ký đất đai quản lý Giấy chứng nhận đã nộp sau khi kết thúc thủ tục cấp đổi, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất”.
Khoản 7 Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định: "Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều này mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không giao nộp Giấy chứng nhận thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định; lập danh sách Giấy chứng nhận đã bị hủy gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai để thông báo công khai trên trang thông tin điện tử”.
Từ các quy định nêu trên, Giấy chứng nhận quyền sở đất cũ mặc dù chưa thu hồi được nhưng không còn giá trị pháp lý, vì đã bị cơ quan có thẩm quyền hủy và đưa vào danh sách Giấy chứng nhận bị hủy, được thông báo công khai. Khi khởi kiện vụ án hành chính, người khởi kiện chỉ cần yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.