VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
CỤC THỐNG KÊ TỘI PHẠM VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
––––––––––––
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày tháng 11 năm 2012
|
(DỰ THẢO)
BẢN THUYẾT MINH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BIỂU MẪU THỐNG KÊ NGÀNH KSND
Ngày 17/7/2012, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-VKSTC-TKTP về việc xây dựng và hoàn thiện chế độ báo cáo thống kê Ngành Kiểm sát nhân dân. Sau thời gian nghiên cứu và tiến hành hội thảo với các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin đã hoàn thiện Dự thảo Hệ thống biểu mẫu thống kê và thuyết minh các vấn đề liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hệ thống biểu mẫu này.
1. Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hệ thống biểu mẫu thống kê
1.1. Ngày 03/12/2008, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 758, 759 ban hành biểu mẫu thống kê ngành KSND và tổ chức thực hiện từ ngày 01/01/2009. Về cơ bản, hệ thống biểu mẫu thống kê hiện hành đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng các loại báo cáo sơ kết, tổng kết, báo cáo Quốc hội, báo cáo Hội đồng nhân dân và các báo cáo khác của các cơ quan Đảng và Nhà nước cũng như yêu cầu của công tác quản lý chỉ đạo điều hành của lãnh đạo VKSND các cấp. Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện, hệ thống biểu mẫu thống kê đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Hệ thống biểu mẫu thống kê đang áp dụng còn thiếu phần thống kê kiểm sát giải quyết tin báo tố giác tội phạm, phần thống kê giải quyết vụ án hình sự của cơ quan điều tra VKSND. Một số chỉ tiêu biểu mẫu phần kiểm sát tạm giữ còn trùng lắp với phần kiểm sát các biện pháp ngăn chặn của biểu mẫu kiểm sát điều tra; một số chỉ tiêu thừa không phản ánh hoạt động công tác nghiệp vụ như các chỉ tiêu thuộc số cũ biểu thống kê kiểm sát án hình sự, số bị can đã hết thời hiệu truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự, số vụ và bị cáo tòa án tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm....; một số chỉ tiêu khó hiểu, hướng dẫn chưa rõ ràng như chỉ tiêu số kháng nghị phúc thẩm hình sự và dân sự, số thụ lý kháng nghị giám đốc thẩm hình sự và dân sự... Điều này sẽ gây khó khăn cho các cán bộ làm công tác thống kê cơ sở.
1.2. Thời gian vừa qua một số luật, bộ luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng Hành chính; Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án hình sự..., trong đó có sửa đổi bổ sung về chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND. Biểu mẫu thống kê hiện hành của Ngành do được ban hành trước nên chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện hoạt động công tác kiểm sát theo quy định mới của pháp luật.
1.3. Trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, ngành Kiểm sát nhân dân được giao thực hiện 2 chỉ tiêu là “sỐ vỤ, sỐ bỊ can khỞi tỐ và sỐ vỤ, sỐ bỊ can truy tỐ” được phân tổ theo điều luật, địa bàn, độ tuổi và giới tính. Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống ma tuý ngành Kiểm sát nhân dân vừa ký ban hành các chỉ tiêu thu thập số liệu về kiểm sát giải quyết án ma tuý để thực hiện trong toàn ngành; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 107/QĐ-VKSTC-TKTP ngày 22/3/2012 “Về việc bổ sung chỉ tiêu thống kê về thiệt hại do án tham nhũng đã được Viện kiểm sát nhân dân đề nghị thu hồi, tạm giữ, phong toả”. Hệ thống biểu mẫu hiện hành không đáp ứng được các nội dung này, do vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
2. Quan điểm sửa đổi, bổ sung
2.1. Việc sửa đổi, bổ sung biểu mẫu thống kê phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản, những yêu cầu của pháp luật thống kê hiện hành và thông lệ thống kê quốc tế.
2.2. Đáp ứng kịp thời các yêu cầu cung cấp thông tin thống kê về kết quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo chức năng nhiệm vụ của Ngành, đảm bảo đầy đủ về nội dung, toàn diện về phạm vi, tin cậy về số liệu nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các báo cáo sơ kết, tổng kết của ngành, báo cáo Quốc hội, báo cáo Hội đồng nhân dân, báo cáo đột xuất và định kỳ của các cơ quan Đảng và Nhà nước; phục vụ cho lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; đáp ứng nhu thông tin thống kê của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài Ngành.
2.3. Sửa đổi, bổ sung biểu mẫu thống kê theo hướng thiết thực, dễ làm phù hợp với tổ chức bộ máy, trình độ cán bộ làm công tác thống kê, phù hợp với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở vật chất phục vụ công tác thống kê của Ngành. Việc sửa đổi, bổ sung lần này theo hướng giảm tải cho các Viện kiểm sát địa phương, đặc biệt là bộ phận thống kê cơ sở. Những thông tin cần thiết cho hoạt động quản lý của mỗi cấp, mỗi bộ phận thì cần theo dõi trong sổ sách nhưng nếu không cần thống kê để báo cáo thì không đưa vào chỉ tiêu thống kê.
3. Những nội dung sửa đổi, bổ sung
3.1. Dự thảo Hệ thống biểu mẫu thống kê ngành Kiểm sát nhân dân được tổng hợp và phân chia thành 22 biểu để phù hợp với nhiệm vụ thống kê của các đơn vị. Các biểu được đánh mã liên tục để tiện quản lý bằng phần mềm (mỗi tiêu chí được thể hiện bằng một mã dòng để tránh nhầm lẫn). Giữa các biểu để trống một số mã dòng để tiện cho việc bổ sung các chỉ tiêu khi cần thiết.
3.2. Bỏ biểu thống kê 6 tháng và 12 tháng; kỳ báo cáo thống kê 12 tháng sẽ sử dụng cùng với mẫu thống kê tháng (cả phần hình sự và dân sự). Do bỏ biểu mẫu thống kê 12 tháng nên biểu thống kê tháng sẽ bổ sung một số dạng tranh chấp phổ biến.
Do thời điểm lấy số liệu báo cáo thống kê 12 tháng trong báo cáo Quốc hội và tổng kết Ngành khác nhau nên báo cáo thống kê 12 tháng chỉ đáp ứng số liệu để xây dựng báo cáo tổng kết của Ngành còn báo cáo Quốc hội sẽ tổng hợp số liệu của từng tháng. Vì vậy, các đơn vị cần nâng cao chất lượng các báo cáo thống kê tháng.
3.3. Bổ sung thêm 2 biểu mẫu thống kê kết quả kiểm sát giải quyết tin báo tố giác tội phạm(gồm 7 chỉ tiêu)và thống kê giải quyết vụ án hình sự của cơ quan điều tra VKSND (gồm 31 chỉ tiêu)còn thiếu ở hệ thống biểu mẫu thống kê cũ.
3.4. Tách biểu thống kê kết quả kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính ra khỏi biểu thống kê kết quả kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh – thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật vì có những tiêu chí thống kê khác nhau.
3.5. Bỏ toàn bộ các cột chia theo nhóm tội ở tất cả các tiêu chí ở biểu mẫu thống kê tháng vì đã có thống kê theo điều luật. Riêng 3 tiêu chí khởi tố, truy tố, xét xử vẫn được chia theo chương, nhóm tội cụ thể. Những tiêu chí không phản ánh và đánh giá khối lượng và chất lượng hoạt động nghiệp vụ của Ngành, các tiêu chí không có cơ sở vững chắc để thống kê mà chỉ số lượng số liệu của các cơ quan khác hoặc các tiêu chí trùng lắp đều bị loại bỏ.
3.6. Sắp xếp các tiêu chí, các biểu thống kê theo logic, đúng trình tự tố tụng quy định. Sửa các khái niệm, tiêu chí để phù hợp với chỉ tiêu thống kê Ngành, tránh nhầm lẫn, ví dụ : “Tổng số vụ, bị can CQĐT phải điều tra” sửa lại là “Tổng số vụ, bị can Viện kiểm sát thụ lý kiểm sát điều tra”; “Số vụ, bị cáo Toà án đã xét xử sơ thẩm” sửa lại là “ Số vụ, bị cáo VKS đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm”...
3.7. Thay đổi lại cấu trúc một số biểu thống kê. Đối với biểu thống kê kiểm sát tạm giữ, tạm giam chỉ theo dõi các tiêu chí phản ánh hoạt động kiểm sát tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam. Những tiêu chí phản ánh hoạt động kiểm sát các biện pháp ngăn chặn của biểu này sẽ chuyển toàn bộ vào phần kiểm sát các biện pháp ngăn chặn của biểu thống kê hoạt động THQCT và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự. Những tiêu chí phản ánh hoạt động kiểm sát thi hành án hình sự thuộc biểu thống kê kiểm sát tạm giữ, tạm giam cũ sẽ được sửa đổi và chuyển vào biểu thống kê kiểm sát thi hành án hình sự. Biểu thống kê kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được thay đổi các phần, gồm phần B và C cho phù hợp.
3.8. Đối với các phụ lục ban hành kèm theo biểu mẫu thống kê, chỉ giữ lại để theo dõi 3 phụ lục: Cơ quan điều tra đình chỉ không tội, Viện kiểm sát đình chỉ không tội, Toà án tuyên không phạm tội. Riêng đối với phụ lục Tòa sơ thẩm tuyên không phạm tội sẽ cập nhật liên tục và đầy đủ kết quả xử lý qua các giai đoạn đến ngày báo cáo. Bổ sung phụ lục thống kê án tử hình để các địa phương theo dõi, báo cáo.
4. Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau
4.1. Biểu thống kê 6 tháng, 12 tháng
Có ý kiến đề nghị giữ lại biểu thống kê 6 tháng và 12 tháng để đảm bảo số liệu chính xác để xây dựng các báo cáo.
Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin cho rằng để đảm bảo số liệu chính xác, các đơn vị cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, rút kinh nghiệm... Nếu giữ lại biểu thống kê 6 tháng, 12 tháng như hiện hành sẽ gây khó khăn cho các đơn vị, nhất là bộ phận thống kê cơ sở vì sẽ phải thực hiện hai báo cáo thống kê 6 tháng (phụ lục báo cáo Quốc hội và sơ kết) và hai báo cáo thống kê 12 tháng (phụ lục báo cáo Quốc hội và tổng kết). Dự thảo xây dựng theo hướng này.
4.2. Báo cáo thống kê án tử hình
Có ý kiến đề nghị cần giữ nguyên như hiện hành, các địa phương chỉ gửi báo cáo cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp chứ không theo dõi án tử hình ở địa phương mình.
Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin cho rằng, trên thực tế các địa phương vẫn phải theo dõi án tử hình trên địa bàn nên sẽ báo cáo luôn toàn bộ danh sách án tử hình và sẽ không phải báo cáo các nội dung thay đổi như quy định hiện hành. Dự thảo xây dựng theo hướng này.
4.3. Thời điểm tính thụ lý giám đốc thẩm, tái thẩm
Có ý kiến đề nghị giữ nguyên thời điểm thụ lý giám đốc thẩm, tái thẩm là từ khi nhận được hồ sơ vụ án vì khi đó đã phải nghiên cứu, giải quyết.
Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin cho rằng, chỉ có một tỉ lệ nhỏ trong số vụ rút hồ sơ là có thể kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Vì vậy, chỉ khi có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc khi nhận được kháng nghị của Tòa án mới được coi là thụ lý giám đốc thẩm, tái thẩm, còn từ khi nhận đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ tính vào thụ lý giải quyết đơn.
4.4. Phân loại tranh chấp dân sự, kinh doanh - thương mại, lao động...
Có ý kiến đề nghị giữ nguyên các phân loại tranh chấp như biểu thống kê 12 tháng hiện hành hoặc ít ra cũng phải phân loại ở kết quả giải quyết, số còn lại chưa giải quyết, số thụ lý mới ở trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm.
Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin cho rằng phân loại tranh chấp chỉ có giá trị đánh giá tình hình tranh chấp dân sư, kinh doanh - thương mại, lao động... Vì vậy, chỉ cần phân loại ở số thụ lý mới của trình tự sơ thẩm là đủ. Quy định cho cả các trình tự khác hoặc cho các số liệu khác sẽ gây khó khăn cho địa phương mà hầu như không sử dụng cho các báo cáo thống kê. Dự thảo xây dựng theo hướng này.
CỤC TRƯỞNG
Trần Văn Trung