CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH KÍNH MẾN

05/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH KÍNH MẾN

HỒ THANH LONG - Viện trưởng VKSND thành phố Cần Thơ

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ thiên tài, một danh nhân văn hoá thế giới; cả cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho nhân dân ta noi theo để phấn đấu, học tập. Học tập và làm theo gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm vinh dự, sự tự hào cho mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ Kiểm sát còn vinh dự được học tập và thực hiện lời dạy của Bác Hồ là "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn''.

"Công minh, chính mực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn'' là một trong những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc; chính Chủ tịch Hồ Chí Minh với chính bản thân mình Người luôn tu dưỡng, rèn luyện và nêu tấm gương mẫu mực để chúng ta theo đó mà phấn đấu học tập. Trong gần nửa thập kỷ qua, Viện kiểm sát các cấp toàn Ngành và trong từng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố, phong trào thi đua thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành và học tập, làm theo lời dạy của Bác đã và đang có hiệu quả thiết thực.

Làm theo lời Bác dạy, ngành Kiểm sát nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho; Viện kiểm sát nhân dân đã góp phần làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; nhất là tội phạm tham nhũng và đã đạt được kết quả nhất định.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng có nhiều việc phải phấn đấu rèn luyện hơn nữa mới đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, vẫn còn có Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự đã để xảy ra sai sót, xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố sau đó Toà án xét xử tuyên không phạm tội mà nguyên nhân chính là do Kiểm sát viên chủ quan và chưa thận trọng trong việc kiểm sát việc khởi tố, khám nghiệm, thu thập, đánh giá chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ vụ án... Ở một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng Hình sự; có Kiểm sát viên do không giữ gìn phẩm chất đạo đức nên đã bị "mua chuộc", "cám dỗ", "tiêu cực" trong khi xử lý vụ án. Chính vì thế, việc rèn luyện học tập theo 5 đức tính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ Kiểm sát ''Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn'' là điều rất cần thiết.

Người cán bộ Kiểm sát phải luôn công minh, nghĩa là phải công bằng và sáng suốt, không thiên vị, phải nhất quán trong suy nghĩ và hành động là bất cứ ai vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật và bình đẳng trước pháp luật. Tính công minh sẽ giúp Kiểm sát viên giải quyết các vụ án được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Luôn ngay thẳng, dám đấu tranh vì sự thật, vì công lý, không vì lợi ích cá nhân, tiền tài, vật chất hoặc một sức ép rào mà "bẻ cong" cán cân công lý; đó chính là sự chính trực của người cán bộ Kiểm sát.

Đối với cán bộ ngành Kiểm sát khi được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; ngay từ khi kiểm sát điều tra việc khởi tố vụ án cho đến khi truy tố, tham gia xét xử các vụ án hình sự, một yêu cầu quan trọng là không được chủ quan mà phải thật khách quan từ những kết quả khám nghiệm, thu thập và đánh giá chứng cứ, những chứng cứ buộc tội, gỡ tội... tính khách quan sẽ giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên khắc phục được tính chủ quan, "duy ý chí". Thực tế qua một số vụ án phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung hoặc các vụ án Viện kiểm sát truy tố sau đó Toà án tuyên không phạm tội cho thấy, Kiểm sát viên thường bằng lòng về việc nhận tội của bị can nên không thu thập thêm lời khai của các nhân chứng hoặc không làm rõ, hoặc không phúc cung mặc dù lời nhận tội của bị can và nhân chứng, người bị hại có điểm mâu thuẫn (về thời gian, địa điểm, thủ đoạn, phương thức thực hiện tội phạm...). Đến khi tham gia xét xử các vụ án hình sự còn có trường hợp Kiểm sát viên chủ quan không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nên tại phiên toà bị cáo, nhân chứng... phản cung thì tỏ ra lúng túng, không tranh luận được với Luật sư…

Chúng tôi cho rằng, Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ của mình phải có sự suy nghĩ kỹ càng để tránh được những sai sót như làm oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm hay giải quyết những vụ việc không chính xác theo cảm tính cá nhân. Người cán bộ Kiểm sát phải giao tiếp với nhiều cơ quan, nhiều cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ; do vậy cần có ý thức và thái độ đúng mức trong nghề nghiệp, biết đánh giá bản thân, không tự cao, tự mãn, tự kiêu, không cho mình là hơn người khác mà biết lắng nghe ý kiến của người khác, chịu khó học hỏi để tiến bộ, có đức tính khiêm tốn sẽ loại bỏ được tính kiêu ngạo, tự cao, tự đại.

Để thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn'' bản thân mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải tự rèn luyện, tu dưỡng, học tập, cương quyết không tham nhũng và phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây chính là đạo lý của cán bộ ngành Kiểm nhân dân, của những người thực thi pháp luật khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Muốn cho cán bộ ngành Kiểm sát rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt thì mỗi Viện kiểm sát địa phương có thể áp dụng nhiều giải pháp khác nhau như: Kiện toàn đội ngũ Lãnh đạo, cán bộ quản lý và Kiểm sát viên; xử lý nghiêm minh những cán bộ suy thoái về đạo đức, thoái hoá biến chất; chú trọng việc rèn luyện, giáo dục đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên của các đơn vị... Trong những giải pháp này, giải pháp mà chúng tôi tâm đắc nhất là phải rèn luyện đạo đức phẩm chất cách mạng cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của toàn Ngành, chú trọng và thường xuyên làm trong sạch đội ngũ cán bộ Kiểm sát.

Để làm trong sạch đội ngũ cán bộ Kiểm sát, các Cấp uỷ Đảng trong ngành Kiểm sát nhân và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát vừa ''hồng'' vừa "chuyên'' vì cán bộ là nhân tố quyết định trong việc thành bại của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Không có đội ngũ cán bộ tốt thì các Chỉ thị, Kế hoạch công tác của Ngành sẽ không thực hiện tốt được. Trong thời gian qua, công tác cán bộ tại Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã có những bước chuyển biến rõ rệt, đã tập trung xây dựng được đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ở hai cấp, trước hết là cán bộ quản lý cấp Phòng và lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện đủ năng lực làm việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao, công tác cán bộ vẫn còn điểm yếu kém, bất cập; nhất là việc giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, Kiểm sát viên vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; nên còn để xảy ra trường hợp cán bộ vi phạm về đạo đức, lối sống đang là điều quan tâm của ngành Kiểm sát và Viện kiểm sát thành phố Cần Thơ nói riêng.

Chúng tôi cho rằng nguyên nhân của việc cán bộ suy thoái về đạo đức hoặc tham ô, hối lộ (qua một số vụ việc báo chí đăng tải về cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân) là do ý thức trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên trước nhiệm vụ được phân công chưa cao, việc xử lý cán bộ chưa nghiêm, trong công tác tổ chức việc đánh giá cán bộ có lúc, có nơi chưa chuẩn xác; lề lối và tác phong làm việc chưa đổi mới có khi còn gia trưởng, độc đoán, ngại suy nghĩ, học tập, nặng hưởng thụ, chỉ biết lo lợi ích cá nhân... Để khắc phục tình trạng này biện pháp khắc phục hàng đầu là giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ chặt chẽ, phải đặt ra những tiêu chuẩn về đạo đức của cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành, phải là những tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Trưởng phòng, Phó phòng, Kiểm sát viên và xây dựng các quy định về Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên trong hoạt động nghiệp vụ... để mỗi cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức và tu dưỡng, rèn luyện theo những tiêu chuẩn đó.

Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã có kế hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng Chương trình hành động, đề ra các biện pháp cụ thể trong từng giai đoạn để mỗi cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã giao cho các Trưởng phòng, Phó phòng nhiệm vụ quản lý chặt số cán bộ, chuyên viên, Kiểm sát viên của phòng mình, phải báo cáo ngay với Lãnh đạo Viện khi có dư luận về mặt đạo đức, phẩm chất của cán bộ, Kiểm sát viên để có biện pháp xử lý phù hợp. Trường hợp có cán bộ, Kiểm sát viên vi phạm mà không báo cáo thì Trưởng phòng, Phó phòng phải chịu trách nhiệm. Cùng với việc phân cấp trách nhiệm như trên, Lãnh đạo Viện phải là người luôn nêu tấm gương sáng về đạo đức và trách nhiệm cho cán bộ cấp dưới noi theo; trường hợp để xảy ra việc cán bộ, Kiểm sát viên tham ô, hối lộ suy thoái đạo đức, phẩm chất thì với chức vụ là người đứng đầu cơ quan, Viện trưởng Viện kiểm sát hai cấp phải chịu trách nhiệm.

Để xử lý cán bộ có vi phạm được nghiêm minh và chính xác, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã giao cho Ban Thanh tra công chức có trách nhiệm phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ xác minh, làm rõ những trường hợp cán bộ sai phạm và cùng phối hợp với Uỷ ban kiểm tra của Đảng uỷ cơ quan để xác minh, thống nhất nhận xét về mức độ của từng trường hợp sai phạm, từ đó tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố xử lý chính xác.

Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã phối hợp với Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan thực hiện phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt của các Chi bộ 6 tháng một lần, báo cáo Đảng bộ để họp đánh giá kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh của đảng viên, Kiểm sát viên; trên cơ sở đóng góp nhận xét của quần chúng và của địa phương (nơi đảng viên cư trú); để từ đó kịp thời phát hiện những sai phạm, khuyết điểm của cán bộ, Kiểm sát viên để xử lý hoặc có biện pháp giáo dục cho phù hợp, Lãnh đạo Viện sẽ khen thưởng, biểu dương những cán bộ, Kiểm sát viên có thành tích phấn đấu rèn luyện tốt.

Việc bổ nhiệm Kiểm sát viên, đề bạt chức vụ Trưởng phòng, Phó phòng, Lãnh đạo Viện phải dựa vào các tiêu chuẩn theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Pháp lệnh Kiểm sát viên; cương quyết không đề nghị bổ nhiệm, đề bạt những cán bộ cơ hội, chạy chức, chạy quyền. Việc quy hoạch cán bộ phải công khai, chú trọng lấy đạo đức làm gốc vì nếu có tài mà không có đức thì sẽ không làm tốt vai trò của người lãnh đạo, quản lý; hàng năm có nhận xét, đánh giá đối với cán bộ thuộc diện quy hoạch.

Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, người công chức có ý thức kỷ luật lao động và ý thức trách nhiệm trong công việc rất cao, họ sẵn sàng xin từ chức khi thấy không làm tròn nhiệm vụ hoặc để nhân viên do họ quản lý có vi phạm pháp luật hoặc có dư luận không tốt về mình. Song ở nước ta điều này chưa thành tiền lệ thông thường và dĩ nhiên trong ngành Kiểm sát cũng vậy; cán bộ, Kiểm sát viên có vi phạm pháp luật nhưng chưa thấy ai tự nguyện xin từ chức.

Cùng với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập và làm theo lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát, chúng tôi xin nêu một số đề xuất việc bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đề ra các tiêu chuẩn cụ thể cho từng cấp, tiến tới có thể tổ chức kỳ thi tuyển Kiểm sát viên thay cho quy trình bổ nhiệm như hiện nay để nâng cao trình độ của Kiểm sát viên được tuyển chọn. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu để Kiểm sát viên ở Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới có thể dự thi tuyển vào chức danh Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Về quy trình bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh không chỉ lấy phiếu tín nhiệm của Kiểm sát viên cấp tỉnh và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện như hiện nay mà nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức cơ quan, và sau khi bỏ phiếu tín nhiệm thì cần công bố kết quả bỏ phiếu cho cán bộ, công chức biết. Vì thiết nghĩ càng có nhiều cán bộ công chức tham gia việc bỏ phiếu tín nhiệm thì càng thể hiện tính dân chủ hơn, công khai hơn.

Tìm kiếm