CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN PHẢI LUÔN CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHIÊM TỐN
NGUYỄN MẠNH HÙNG - Phó Vụ trưởng Vụ 10 Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển tư tưởng phương Đông về nhiều mặt, trong đó có cấu trúc nhân cách “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Người đã cụ thể hoá những điều đó đối với nhân cách người cán bộ nói chung và đối với cán bộ ngành Kiểm sát thì Người dạy cần phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Hướng ứng cuộc vận động: “Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát”, chúng ta quán triệt sâu sắc lời dạy của Người.
Trải qua 47 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ Kiểm sát viên các cấp đã góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, xây dựng xã hội công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, bên cạnh tuyệt đại đa số Kiểm sát viên các cấp trong ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức đấu tranh bảo vệ pháp chế, có tinh thần khắc phục khó khăn, giữ vững phát huy đạo đức cách mạng, lối sống giản dị thì cũng còn một số Kiểm sát viên, cán bộ có biểu hiện giảm sút ý chí phấn đấu, thoái hoá, biến chất về đạo đức lối sống, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, buôn lậu, vi phạm pháp luật và kỷ luật nghiệp vụ của Ngành.
Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều nhưng tập trung chủ yếu là do một số cán bộ, Kiểm sát viên không chịu tu dưỡng rèn luyện, bị cám dỗ bằng lối sống thực dụng của cơ chế thị trường. Một số cán bộ lãnh đạo các cấp còn buông lỏng công tác lãnh đạo, quản lý và giáo dục đối với cán bộ.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là tiếp tục quán triệt sâu sắc lời dạy của Người, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên ra sức tu dưỡng phẩm chất đạo đức đảm bảo tính “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Vụ kiểm sát thi hành án là một trong những đơn vị nghiệp vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Từ năm 2002 trở về trước, bộ máy các đơn vị làm công tác kiểm sát thi hành án ở hai cấp Trung ương và tỉnh, thành phố mới chỉ ở con số trên 30 đơn vị, đến nay đã có 64 đơn vị thuộc hai cấp, ở cấp tỉnh đã có 63 Phòng kiểm sát thi hành án độc lập, ở cấp huyện đã có Kiểm sát viên chuyên trách theo dõi công tác kiểm sát thi hành án, với số lượng Kiểm sát viên, cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm sát thi hành án trong toàn Ngành là trên 1.200 người.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới cùng với sự phát triển về số lượng, yêu cầu chất lượng cán bộ càng phải tinh thông nghiệp vụ, thấm nhuần lời dạy của Bác: “công minh”, “chính trực” hai nội dung này Bác đặt lên hàng đầu, thường gắn liền với nhau. Người cán bộ Kiểm sát phải tu dưỡng, rèn luyện bản thân phải có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và lương tâm trách nhiệm về công việc được phân công. Nhờ có sự quán triệt sâu sắc đó, đã chuyển hoá thành hành động trong thực thi công vụ, như thông qua việc giải quyết đơn khiếu nại về thi hành án của bà Vũ Kiều Trinh tại Sa Pa, Lào Cai; Vụ kiểm sát thi hành án đã khẳng định một số vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành quyết định công nhận sự thoả thuận số 03/QĐ-HGT ngày 28/02/1999 của Toà án nhân dân huyện Sa Pa, qua đó làm căn cứ vững chắc để Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự tham mưu cho Lãnh đạo Viện ban hành kháng nghị với Chánh án Toà án nhân dân tối cao về hai tội “Không chấp hành án” và tội “Vi phạm niêm phong tài sản kê biên” của Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai; Toà án nhân dân tối cao đã xét xử và bà Trinh đã được minh oan và bồi thường sau 24 tháng tù giam.
Chính nhờ có đức tính “công minh”, “chính trực” trong suốt quá trình hoạt động chỉ đạo giải quyết vụ án EPCO - Minh Phụng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phát hiện một số vi phạm của cán bộ, Chấp hành viên thuộc cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh. Vụ việc được dư luận, báo chí quan tâm và đang được điều tra, kết luận. Quá trình tham gia Ban chỉ đạo, cán bộ Kiểm sát đã kiên quyết từ chối “phong bì” để làm sáng tỏ vụ việc đảm bảo tính khách quan, công minh.
Trên cơ sở pháp luật, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành nhiều kháng nghị về việc ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án trái pháp luật, nhiều kháng nghị của Viện kiểm sát được ngành bạn tiếp thu khắc phục, tuy nhiên cũng có nơi kháng nghị không được tiếp thu, Viện kiểm sát cấp trên, thậm chí Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải có ý kiến với Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị mới được tiếp thu, khắc phục như việc ra Quyết định hoãn thi hành án phạt tù số 12 ngày 09/7/2004 đối với Mai Thị Hường của Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá; Quyết định hoãn thi hành án phạt tù số 04/2004 ngày 10/11/2006 đối với Nguyễn Thị Ngọc Hoa của Toà án nhân dân huyện Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Việc làm trên một lần nữa nó khẳng định tính “chính trực” của cán bộ Kiểm sát làm công tác kiểm sát thi hành án.
Tính “công minh”, “chính trực” được thể hiện ở chỗ khi xử lý hành vi, vi phạm pháp luật phải đúng người, đúng tội lỗi của họ. Không cho phép oan, sai, không được bỏ lọt tội phạm, đảm bảo kỷ cương pháp chế. Là người “cầm cân, nẩy mực” giữ gìn cán cân công lý, quyết không thể vì tiền tài vật chất, vì lợi ích riêng tư mà thiên lệch, đi ngược lại lợi ích của tập thể, mưu toan lợi ích cá nhân. Nói không với tham nhũng là đạo lý của người cán bộ Kiểm sát. Phải kiên quyết loại trừ ra khỏi ngành những người có hành vi tham nhũng.
Nói về đức tính khiêm tốn: Xét về mặt ngữ nghĩa có thể hiểu là đức khiêm nhường, từ tốn của con người. Nó có hàm ý răn dạy người cán bộ không tự cao, tự đại, quan liêu, hống hách biết nghe ý kiến của người khác, có tinh thần và thái độ nhã nhặn, gần gũi quần chúng, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm. Qua đó họ cung cấp những thông tin quý giá, đồng thời cũng giúp cho cán bộ nhận ra khuyết điểm để từ đó sửa chữa, tiến bộ.
Với thực tế hơn 1.200 cán bộ làm công tác kiểm sát thi hành án trong cả nước thì có đến gần 70% cán bộ mới được chuyển từ khâu công tác kiểm sát tuân theo pháp luật và các khâu công tác khác; số cán bộ có kinh nghiệm trên 10 năm làm công tác kiểm sát thi hành án không nhiều, bởi vậy một đòi hỏi rất lớn là phải tự học tập, từ công tác thực tiễn tự đúc rút để có phương pháp và hiệu quả công tác tốt nhất, đồng thời với việc khiêm tốn học hỏi những người đi trước, người có kinh nghiệm cho dù người đó được phân công ở vị trí nào, học hỏi không chỉ trong nội bộ cơ quan đơn vị mình đang công tác, học cấp trên, mà còn học ngay ở những việc làm hay những sáng kiến, kinh nghiệm của đối tượng mình đang kiểm sát, hoặc thông qua hoạt động kiểm sát phát hiện những vi phạm của đối tượng được kiểm sát để tránh lặp lại những vi phạm đó. Từ việc khiêm tốn học tập, tự rèn luyện, cán bộ làm công tác kiểm sát thi hành án đã dần vươn lên nâng cao trình độ nghiệp vụ. Kết quả công tác kiểm sát thi hành án hàng năm được Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp ghi nhận. Vụ kiểm sát thi hành án thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 2 năm liền (2005 - 2006) được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Ngành.
Trong năm 2006 và 2007, Vụ Kiểm sát thi hành án đã tổ chức kiểm sát được hai đơn vị có số lượng việc thi hành án lớn, phức tạp nhất cả nước là Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh và Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, Vụ đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện ban hành được hai kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao việc thi hành án có mức dưới 500.000 đồng cho Uỷ ban nhân dân xã, phường và việc thực hiện hai Nghị định số 60/CP, 61/CP của Chính phủ về án treo, cải tạo không giam giữ. Ban hành các kiến nghị với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Chánh án Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về việc khắc phục tình trạng chậm chuyển các bản án, quyết định và các tài liệu, vật chứng, tài sản có liên quan cho Cơ quan thi hành án. Tại các Viện kiểm sát địa phương, công tác kiểm sát thi hành án cũng dần được khẳng định, nhiều phòng kiểm sát thi hành án đạt danh hiệu đơn vị Lao động xuất sắc, nhiều cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Bác Hồ và đạo đức của Người là tấm gương sáng để chúng ta soi dọi, tự chiếu vào mỗi người, bằng hành động thiết thực, bằng công việc cụ thể, mỗi cán bộ Kiểm sát trong đó có những cán bộ làm công tác kiểm sát thi hành án luôn khiêm nhường học hỏi để có năng lực nghiệp vụ vững chắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được phân công, góp phần bảo vệ sự công minh của pháp luật.