CÁN BỘ THANH TRA NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN HƯỞNG ỨNG CUỘC VẬN ĐỘNG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH "CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN"
DƯƠNG VĂN TIU - Trưởng ban Thanh tra VKSNDTC
Hàng năm, vào ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26 tháng 7), mỗi cán bộ Kiểm sát chúng ta ôn lại truyền thống của Ngành và tự hào vì đã có phần đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Năm nay, kỷ niệm 47 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân đúng vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân đang triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây chính là dịp để mỗi cán bộ Kiểm sát học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả lời dạy của Bác Hồ với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc, tháng 10/1947, Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Từ quan điểm trên của Người, đạo đức nghề nghiệp được hiểu là phẩm chất tốt đẹp nhất, là gốc của các vấn đề trong cuộc sống, là nền tảng hình thành pháp luật, là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ của người cán bộ mà phạm trù pháp luật không điều chỉnh được.
Là người cầm cân, nảy mực xác định đúng sai khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, có liên quan đến sinh mạng, chính trị con người; vì vậy, người cán bộ Kiểm sát phải có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định, tinh thông nghiệp vụ, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Cán bộ Kiểm sát phải đề cao lương tâm và trách nhiệm, phong cách làm việc phải sâu sát, khi xem xét kết luận các vụ việc phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, trung thực, thận trọng; không rập khuôn máy móc, không phiến diện một chiều, không xuê xoa dễ dãi. Đạo đức của người cán bộ Kiểm sát phải trong sáng như pha lê, chỉ có duy nhất một chất đó là chất cách mạng, chất cộng sản, có lối sống lành mạnh, không vì sự cám dỗ của vật chất mà làm trái pháp luật, hoặc giảm ý chí đấu tranh bảo vệ công lý. Đảng, Nhà nước, nhân dân trao cho người cán bộ Kiểm sát quyền năng pháp lý rất quan trọng và là niềm vinh dự to lớn, do đó cán bộ Kiểm sát phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính khiêm tốn trong khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống, sinh hoạt; không tự cao tự đại, kiêu ngạo, hách dịch, cửa quyền, luôn luôn cho mình là duy nhất đúng và là người đứng trên để phán xét một cách chủ quan duy ý chí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Mỗi đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta: “Phải học, học thêm, học mãi”. Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”. Điều đó đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải không ngừng học tập, trau dồi lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có sự am hiểu thực tế phong phú của cuộc sống.
Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân là một khâu công tác quan trọng trong công tác xây dựng Ngành, công tác Thanh tra giúp cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp quản lý tình hình chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quyết định, Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; góp phần tích cực vào việc giữ vững trật tự, kỷ cương, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn người làm công tác thanh tra: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”; “cán bộ Thanh tra là tai mắt của Đảng và Chính phủ, tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”. Cán bộ Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân đã và đang tích cực hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Tính công minh, chính trực đối với người cán bộ Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân thể hiện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và lương tâm, trách nhiệm để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, ngay thẳng, sáng suốt, không thiên vị, không mờ ám. Cán bộ Thanh tra phải cư xử, hành động đúng pháp luật, đúng các quy định của Ngành, không được để oan, sai. Tính công minh, chính trực đòi hỏi người cán bộ Thanh tra phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn thể hiện là người trung thực thẳng thắn, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng con người, khi giải quyết công việc nếu đã có đủ căn cứ khoa học để kết luận vấn đề (đúng, sai) thì phải dám quyết đoán và dám chịu trách nhiệm, không hữu khuynh né tránh. Để đảm bảo tính công minh, chính trực phải chống chủ nghĩa cá nhân, không nể nang, cảm tình với bạn bè, không được đặt tình cảm cá nhân lên trên lý trí, không vì tư lợi cá nhân, sợ mất quyền lợi, địa vị, bị sức ép từ phía này hay phía khác mà không dám đấu tranh bảo vệ chân lý, không dám nhận khuyết điểm sai lầm để sửa chữa hoặc vì tự ái cá nhân mà lạm quyền làm thiệt hại đối với những người dám đấu tranh với những sai trái, hoặc gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, tìm cách để xử lý nặng khi họ có thái độ không đúng với mình.
Tính khách quan là phương pháp tư tưởng duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, khi xem xét giải quyết một vụ việc phải căn cứ từ thực tế, phải nhìn nhận một cách toàn diện, không dừng lại ở hiện tượng mà phải hiểu rõ bản chất, sự thật của từng vụ việc; biết phân tích từng nội dung cụ thể, đi sâu vào bản chất mới có đủ căn cứ khoa học để kết luận đúng sự thực khách quan. Đối tượng công tác thanh tra là cán bộ trong ngành Kiểm sát, kết quả thanh tra sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những cán bộ mà hầu hết là cán bộ có chức vụ, quyền hạn trong Ngành. Nhiều trường hợp người tố cáo cũng là cán bộ trong cùng đơn vị với người bị tố cáo nên quá trình xác minh thu thập các thông tin, tài liệu phải thực sự khách quan, từ các nguồn và các tài liệu khác nhau. Phải xem xét, đánh giá toàn diện, từ nhiều góc độ, trong từng sự việc, hoàn cảnh cụ thể, làm rõ đúng, sai để kết luận được khách quan, toàn diện và chính xác; kiến nghị xử lý nghiêm minh, giúp cho người bị tố cáo và người tố cáo đều “tâm phục, khẩu phục”. Do vậy, cán bộ làm công tác thanh tra ngành Kiểm sát phải là người có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, khách quan, công tâm, trung thực, đảm bảo cho “lý lẽ phân minh, nghĩa tình đầy đủ”, giải quyết công việc “có lý, có tình”; không máy móc, xa rời thực tế, không thành kiến, định kiến, không suy diễn “không có lửa, sao có khói”, không chủ quan, phiến diện, không vụ lợi, không hững hờ vô cảm đối với quyền lợi, danh dự của người khác.
Thận trọng là một trong những yêu cầu quan trọng đối với cán bộ làm công tác thanh tra. Tính thận trọng thể hiện khi xem xét một sự việc, một con người phải rất cẩn thận, phải nhìn nhận một cách toàn diện, sâu sắc; điềm tĩnh, lắng nghe, suy tính, cân nhắc thật kỹ lưỡng và khoan dung; phải phân tích theo quan điểm lịch sử cụ thể, thực tiễn và toàn diện; phải biết đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh của đối tượng thanh tra để cân nhắc. Tính thận trọng là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và ý thức tổ chức kỷ luật, vì mỗi sự việc xảy ra thường có quan hệ giữa quá khứ và hiện tại trong một hoàn cảnh cụ thể, đòi hỏi người cán bộ Thanh tra phải đi sâu nghiên cứu, xác minh thật chu đáo, chặt chẽ, có đầy đủ cơ sở khoa học giúp cho việc nhận xét, đánh giá, kết luận, xử lý được chính xác, đúng đường lối, chính sách và pháp luật. Để đảm bảo tính thận trọng phải chống bệnh đại khái, tuỳ tiện, giản đơn, ngại khó, tắc trách, chủ quan nóng vội, không xem xét thấu đáo đã vội vàng kết luận, xử lý dẫn đến oan, sai. Thận trọng nhưng không chần chừ do dự để không kéo dài thời gian giải quyết vụ việc.
Khiêm tốn là một trong những đức tính không thể thiếu của người cán bộ Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân và có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động thực tiễn. Tính khiêm tốn là thể hiện đúng mức, nhũn nhặn, không tự cao, tự đại, không quan liêu, hống hách; khiêm tốn chứa đựng nội dung trung thực, tính có nguyên tắc. Đức tính khiêm tốn đòi hỏi người cán bộ Thanh tra phải biết gần gũi với những người xung quanh khi tìm hiểu nghe ngóng dư luận xã hội tại những nơi đang tiến hành thanh tra. Đức tính khiêm tốn còn giúp người cán bộ Thanh tra sống thanh thản, trong sáng, lành mạnh và loại bỏ được những dằn vặt tạo nên bởi những thói tham lam, ích kỷ, đố kỵ, ghen ghét; nó thực sự là động lực giúp cho người cán bộ Thanh tra vươn lên không ngừng trong học tập, công tác và quan hệ xã hội. Cán bộ Thanh tra phải khiêm tốn mới được quần chúng tin cậy, cung cấp những thông tin quan trọng, cần thiết có liên quan đến công tác thanh tra; đồng thời, còn tạo điều kiện thuận lợi giúp cán bộ Thanh tra có quan hệ phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị hữu quan để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”; cán bộ ngành Kiểm sát nói chung, cán bộ Thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng phải tăng cường hơn nữa việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách theo tấm gương và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” nhằm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh, góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới của đất nước làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.