THỰC HIỆN TỐT LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
VŨ THỊ HỒNG VÂN - Vụ 12 Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện Chỉ thị số 03/VKSTC-V9 ngày 16/4/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành Kiểm sát nhân dân; cán bộ, đảng viên trong toàn Ngành cần nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, về đạo đức cách mạng, về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; và đặc biệt là học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát nhân dân: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Từ khi mới vào ngành Kiểm sát nhân dân, chúng tôi đã được nghe về lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Song việc tìm hiểu việc Bác Hồ kính yêu có lời nói quý giá đó trong trường hợp nào và ai là người trong Ngành được trực tiếp lĩnh hội lời dạy của Bác thì ít có ai đề cập. Nghiên cứu về tài liệu lịch sử ngành và qua lời kể lại của đồng chí Huỳnh Lắm, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sinh năm 1912 mất ngày 20/11/2002) - một cán bộ lão thành của Ngành, một người Kiểm sát viên mẫu mực thì được biết: Khi được đồng chí Hoàng Quốc Việt giao cho nhiệm vụ cùng đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc xây dựng dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, sau khi xây dựng xong, đồng chí Hoàng Quốc Việt có giao cho đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc lên báo cáo với Hồ Chủ Tịch để xin ý kiến. Theo đồng chí Bùi Lâm kể lại khi nghe trình bày về dự thảo Luật tổ chức đầu tiên của Ngành, Bác Hồ suy nghĩ nhiều và yêu cầu được nghe báo cáo rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ hoạt động của ngành Kiểm sát, sau đó Bác đã đồng ý trên nguyên tắc, Người nói đại ý: Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, các chú phải có biện pháp cụ thể để thực hiện cho được chức năng, nhiệm vụ đó, đó cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho Viện kiểm sát nhân dân. Là cơ quan Kiểm sát, đi kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, ngành Kiểm sát hơn ai hết phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật. Chính vì vậy, trong khi dặn dò đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bác Hồ kính yêu đã giành cho Ngành ta mười chữ vàng, đó là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Từ đó, mười chữ vàng mà Bác Hồ đã dạy ngành Kiểm sát nhân dân được coi là phương châm rèn luyện đối với từng cán bộ Kiểm sát. Đội ngũ cán bộ Kiểm sát qua nhiều thế hệ thấm nhuần sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc những lời dạy của Bác, đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng nền tư pháp nước nhà, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ cán bộ Kiểm sát làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thực sự là đạo quân luôn đứng vững trên tuyến đầu đấu tranh chống các loại tội phạm, bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ Kiểm sát tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện các chủ trương của Đảng về cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp; trong đó trọng tâm là cải cách tổ chức và phương thức hoạt động của các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, các cơ quan bổ trợ tư pháp. Trước tình đó cũng như trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế cùng với việc Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO, các giao dịch kinh tế, thương mại, dịch vụ và đầu tư trong nước và quốc tế ngày càng tăng cao. Trong xu hướng đó, việc phát sinh các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại, dịch vụ và đầu tư cũng như sự gia tăng các loại tội phạm thuộc lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế là điều khó tránh khỏi.
Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy với ngành Kiểm sát nhân dân, chúng tôi thấy ý nghĩa thiết thực đối với công tác kiểm sát mà toàn Ngành cần phải học tập và áp dụng là hai chữ “khách quan”. Trong đời sống xã hội, khách quan được biểu hiện là những quá trình và những nhân tố không phụ thuộc vào ý chí và ý muốn của con người. Về mặt trách nhiệm pháp lý, khách quan là mặt bên ngoài của hành vi vi phạm, bao gồm những biểu hiện của hành vi vi phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.
Trong công tác kiểm sát, đặc biệt là kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại và các việc khác theo quy định của pháp luật; việc tuân thủ nguyên tắc khách quan thể hiện ở việc phải tôn trọng sự thật và những tình tiết khách quan của vụ án, đồng thời đối chiếu với những quy định của pháp luật để phát hiện những vi phạm của Toà án trong quá trình giải quyết các vụ án, từ đó kịp thời yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm khắc phục vi phạm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án chính xác, khách quan, nghiêm minh, đúng pháp luật. Trong thời gian qua, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án, nhất là vụ án kinh doanh, thương mại và lao động cũng như các vụ án hành chính trong ngành Kiểm sát đã đạt được những kết quả đáng kể do toàn ngành thực hiện tốt lời Bác Hồ đã dạy, cụ thể là:
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 thì Viện kiểm sát không tham gia 100% các phiên toà sơ thẩm, không kiểm sát việc lập hồ sơ của Toà án 100% như quy định của các Pháp lệnh trước đây, mà chỉ thực hiện kiểm sát thông qua việc tiếp nhận thông báo thụ lý, các quyết định, bản án của Toà án nên việc phát hiện vi phạm của Toà án là rất khó khăn. Hơn nữa, tình trạng nhiều Toà án lại thực hiện không nghiêm túc việc gửi thông báo, quyết định, bản án cho Viện kiểm sát, nhất là việc chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu, xem xét nên việc phát hiện vi phạm của Toà án để kháng nghị không đầy đủ, kịp thời, đặc biệt những vi phạm của Toà án về việc áp dụng Luật nội dung, việc thực hiện chức năng kiểm sát các loại án này càng gặp khó khăn hơn, không bảo đảm tính khách quan trong việc giải quyết án. Song nhìn chung Viện kiểm sát các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc kiểm sát thông báo thụ lý và các quyết định, bản án của Toà án, việc chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát, qua đó đã phát hiện được các vi phạm như: Đối với những vi phạm không nghiêm trọng thì Viện kiểm sát đã ban hành văn bản kiến nghị yêu cầu Toà án khắc phục kịp thời. Đối với vi phạm nghiêm trọng, Viện kiểm sát đã thực hiện quyền kháng nghị, hầu hết, các kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát đều được Toà án tiếp thu, khắc phục. Đối với những trường hợp tham gia phiên toà theo khoản 2 Điều 21 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì các Viện kiểm sát địa phương đều thực hiện nghiêm túc việc nghiên cứu kỹ hồ sơ và tham gia phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm nhằm bảo đảm tính khách quan trong các hoạt động nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, kết quả của hoạt động kiểm sát giải quyết án hành chính nhìn chung bảo đảm tính khách quan và đúng quy định của pháp luật. Những nơi có án, Viện kiểm sát đều kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ và tham gia phiên toà 100% theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002. Nhiều Viện kiểm sát địa phương đã phát hiện được vi phạm pháp luật của Toà án trong việc giải quyết án hành chính, đã kháng nghị và kiến nghị hoặc báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị kịp thời.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân còn bộc lộ một số khuyết điểm, tồn tại sau: Chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự để kiểm sát có hiệu quả đối với việc thông báo thụ lý, nhất là kiểm sát các quyết định, bản án của Toà án, vẫn còn một số Viện kiểm sát địa phương lúng túng trong phương pháp tiến hành phương thức kiểm sát đối với các quyết định, bản án của Toà án gửi sang. Nhìn chung, việc phát hiện vi phạm, nhất là vi phạm về nội dung trong các bản án, quyết định của Toà án kết quả còn nhiều hạn chế. Số kháng nghị phúc thẩm hoặc báo cáo kháng nghị giám đốc thẩm của các Viện kiểm sát địa phương năm qua rất ít. Có những Viện kiểm sát phát hiện được vi phạm của Toà án nhưng chưa kiến nghị hoặc kháng nghị bằng văn bản mà chỉ trao đổi, nhắc nhở, điều này thể hiện sự chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm. Chưa chủ động, tích cực trong việc nghiên cứu, đề xuất để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết án và đẩy nhanh tiến độ giải quyết án thuộc thẩm quyền…
Mặt khác, một số nơi, Toà án chưa coi trọng đúng mức việc nghiên cứu pháp luật về lao động cũng như việc áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự trong việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại và lao động. Do đó, chất lượng giải quyết các vụ án ở một số nơi chưa đạt yêu cầu. Trong một số vụ án lao động, đã có những sai sót về xác định quan hệ tranh chấp, như tranh chấp về kỷ luật sa thải thì lại xác định là tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 17 Bộ luật Lao động, tranh chấp về tiền lương lại xác định là tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động. Hoặc có một số loại tranh chấp mà Toà án đã thụ lý và giải quyết nhưng do chưa xác định được ranh giới giữa tranh chấp lao động và tranh chấp dân sự nên một số trường hợp Toà án chưa áp dụng đúng pháp luật nội dung để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Về mặt tố tụng thì đây không phải là vấn đề lớn mà vấn đề quan trọng là liên quan đến việc áp dụng pháp luật nội dung để giải quyết chính xác vụ tranh chấp…
Đối với hợp đồng mua bán hàng hoá thiết bị có tranh chấp, nhiều vụ án cả hai cấp Toà án sơ thẩm và phúc thẩm đã áp dụng sai luật nội dung, hoặc đối với hợp đồng cho thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hợp đồng tín dụng có tranh chấp nhưng Toà án do không khách quan và do nhiều lý do khác nên đã không xem xét những giao dịch có bảo đảm như các biện pháp thế chấp, bảo lãnh có hợp pháp không nên nhiều vụ án khi xem xét ở cấp giám đốc thẩm mới phát hiện vi phạm của Toà án trong khi đó hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm không phát hiện vi phạm. Các bản án này đều được Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị và đều được Toà án chấp nhận.
Một số Viện kiểm sát địa phương đã phát hiện việc đánh giá chứng cứ của một số Hội đồng xét xử không đúng, không khách quan, bỏ qua những chứng cứ có trong hồ sơ, dẫn đến việc xét xử không đúng, không bảo đảm được quyền và lợi ích cho đương sự. Đặc biệt có nơi, trong một vụ án mà bản án đã bị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị, Toà án cấp giám đốc thẩm đã xử huỷ bản án phúc thẩm để xét xử lại nhưng khi xét xử lại, Toà án vẫn giữ nguyên quan điểm, dẫn đến việc phải kháng nghị lần thứ hai. Một số vụ án, Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự, Toà án cấp phúc thẩm xét xử vượt quá phạm vi kháng cáo của đương sự. Có vụ án, tại phiên toà sơ thẩm, đương sự mới phản tố, yêu cầu phản tố không theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự nhưng Toà án vẫn chấp nhận để xét xử. Ngoài ra, một số vụ án, Toà án áp dụng pháp luật để giải quyết nội dung tranh chấp không đúng, hoặc có nhiều thiếu sót trong công tác soạn thảo bản án…
Để khắc phục những khuyết điểm, tồn tại và những khó khăn, vướng mắc trong khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại và lao động, nhằm thực hiện nghiêm túc những điều Bác Hồ đã dạy và thực hiện thành công Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, trước mắt ngành Kiểm sát cần phải có những giải pháp cụ thể sau:
Một là, đề nghị các Cấp uỷ Đảng phải lãnh đạo trực tiếp, toàn diện hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân. Có như vậy, mới bảo đảm cho mọi hoạt động của Ngành tuân thủ theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong tình hình hiện nay. Buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng sẽ dẫn đến những sai lầm, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng, nhất là đối với các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, vụ án tham nhũng và các vụ án có tổ chức... Trước đây, khi có những vụ án quan trọng, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng với các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tư pháp phải trực tiếp chỉ đạo và huy động rất nhiều các chuyên gia trong ngành Kiểm sát tham gia để có kết luận đúng đắn về vụ án đó, đề phòng tình trạng thiếu khách quan trong các hoạt động kiểm sát.
Hai là, Ban cán sự Đảng, Cấp uỷ Đảng, người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền của Viện kiểm sát các cấp phải có quyết tâm chính trị cao, nghĩa là phải đề ra những chương trình, kế hoạch hành động sát đúng với tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Ngành, công tác tổ chức, chỉ đạo phải được quan tâm đúng mức làm cho cuộc vận động đi vào thực chất. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, Đảng viên trong toàn ngành Kiểm sát phải tự giác phấn đấu với quyết tâm cao, phải gương mẫu đi đầu thực hiện tốt lời dạy của Bác. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát phải tự rèn luyện, phấn đấu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, dũng cảm tự phê bình và thật thà phê bình, tự soi rọi vào bản thân mỗi người để thấy những điểm yếu về đạo đức và lối sống mà quyết tâm phấn đấu, rèn luyện bền bỉ mới mang lại hiệu quả thiết thực.
Ba là, thước đo cao nhất để đánh giá kết quả của cải cách tư pháp và đổi mới hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân là hiệu quả của việc giải quyết án phải kịp thời, triệt để, nghiêm minh. Vì vậy, trong quá trình cải cách tư pháp, ngành Kiểm sát cần phải phê phán nghiêm khắc các khuynh hướng lệch lạc sau đây: Khuynh hướng “thà oan hơn lọt” hoặc “thà lọt hơn oan”, nghĩa là, để oan một người vô tội hoặc để lọt một kẻ phạm tội đều là sai lầm nghiêm trọng về quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; khuynh hướng “đánh án nửa vời”, ngại khó khăn gian khổ, thiếu kiên quyết trong tấn công những hành vi vi phạm và tội phạm. Thực tế, đã có nhiều vụ án do điều tra, truy tố, xét xử không triệt để, thiếu khách quan nên chưa được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Bốn là, xác định rõ vị trí, vai trò và phương hướng tiến hành kiểm sát việc giải quyết các loại án hình sự, dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại… trong tổng thể chung của hoạt động kiểm sát trong tình hình mới. Muốn vậy, phải tăng cường xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, tận tuỵ với Đảng, tận hiếu với dân, chí công vô tư, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Các Kiểm sát viên phải nhạy cảm sắc bén, đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn tấn công của bọn tội phạm. Trong tình hình hiện nay, nhiều kẻ phạm tội đang tìm đủ mọi thủ đoạn hiểm độc để tìm “ô dù” và một số cán bộ Kiểm sát cũng đã sa vào cạm bẫy, vì vậy cán bộ Kiểm sát viên càng cần phải học tập đúng đắn và nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ và noi theo tấm gương đạo đức của Người.;
Thực hiện nghiêm túc lời Bác Hồ dạy, các cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát cần phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và trau dồi kiến thức, đặc biệt là phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác với ngành Kiểm sát góp phần đưa Ngành ta thực sự trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đồng thời đưa sự nghiệp cải cách tư pháp đi đến thành công, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước.