CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

MỘT SỐ ĐIỂM ĐÁNG LƯU Ý LIÊN QUAN ĐẾN TỐ TỤNG TẠI CẤP SƠ THẨM THEO BLTTHS CHLB ĐỨC

13/04/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

MỘT SỐ ĐIỂM ĐÁNG LƯU Ý LIÊN QUAN ĐẾN TỐ TỤNG TẠI CẤP SƠ THẨM THEO BLTTHS CHLB ĐỨC
 
           
            Tố tụng ở cấp sơ thẩm được quy định tại Phần hai CPC, từ Điều 151 đến Điều 295, bao gồm các quy định về điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm.
            Hoạt động điều tra và mối quan hệ giữa Văn phòng công tố và Cảnh sát:
            Ngay sau khi biết được tin có hành vi phạm tội, Văn phòng công tố phải tiến hành điều tra các tình tiết thực tế để quyết định việc buộc tội (khoản 1 Điều 160 CPC), có thể tự mình tiến hành điều tra hoặc thông qua các đơn vị và nhân viên trong lực lượng Cảnh sát. Các nhân viên Cảnh sát có nghĩa vụ tuân thủ các yêu cầu hoặc lệnh của Văn phòng công tố (Điều 161 CPC).
            Cảnh sát cũng có trách nhiệm điều tra tội phạm. Trong phạm vi trách nhiệm này, Cảnh sát có thể tiến hành tất cả các biện pháp để ngăn chặn việc che dấu chứng cứ (khoản 1 Điều 163 CPC).
            Liên quan đến việc phân công nhiệm vụ giữa Văn phòng công tố và Cảnh sát, khoản 1 Điều 158 quy định thông tin tội phạm hoặc đơn yêu cầu khởi tố tội phạm có thể gửi đến cơ quan Cảnh sát, Văn phòng công tố hoặc Toà án địa phương. Trên thực tế, Cảnh sát tiến hành khởi tố, điều tra và làm rõ tình tiết khách quan của hầu hết các vụ án (khoảng 80 phần trăm) . Tuy nhiên sau đó họ phải chuyển giao ngay toàn bộ hồ sơ, tài liệu điều tra cho Văn phòng công tố (khoản 2 Điều 163 CPC).
            Như vậy, Cảnh sát có quyền tiến hành các biện pháp điều tra ban đầu (thu giữ, khám xét, tạm giam, xét nghiệm DNA v.v…); tuy vậy, mặt khác, lại có nghĩa vụ tuân thủ các yêu cầu và lệnh của văn phòng công tố và chuyển giao ngay hồ sơ điều tra cho văn phòng công tố.
            The Eberhard Siegismund thì “không có sự chia tách giữa tố tụng của Cảnh sát và tố tụng của Văn phòng công tố. Văn phòng công tố có trách nhiệm chỉ đạo điều tra; và tiến hành các hoạt động tố tụng ở giai đoạn này. Do đó, Cơ quan điều tra tội phạm của Cảnh sát chỉ là một bộ phận điều tra của Văn phòng công tố. Về nguyên tắc, Văn phòng công tố có trách nhiệm chỉ đạo trên thực tế hoạt động điều tra của Cảnh sát. Nó có một sự kiểm soát về mặt pháp lý và chịu trách nhiệm cơ bản về việc thu thập một cách phù hợp và tính tin cậy của chứng cứ được yêu cầu trong tố tụng hình sự. Vì vậy không có quyền điều tra độc lập của Cảnh sát hoặc tố tụng điều tra không thuộc sự kiểm soát của Văn phòng công tố.”
            Nếu hoạt động điều tra cung cấp đủ lý do để buộc tội, Văn phòng công tố nộp bản cáo trạng cho toà án có thẩm quyền (khoản 1 Điều 170 CPC). Trong tất cả những trường hợp khác nó huỷ bỏ tố tụng (đoạn 1 khoản 2 Điều 170 CPC).
            Các Bộ tư pháp cấp Bang tại Đức đã tổng kết và ban hành hướng dẫn chi tiết về tố tụng hình sự đối với công việc của Văn phòng công tố như sau :
            Trong những trường hợp tương đối quan trọng hoặc khó khăn về thực tế hoặc luật pháp, Công tố viên có thể tự mình làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án ngay từ đầu, cụ thể là tự mình khám nghiệm hiện trường và thẩm vấn bị can và những nhân chứng quan trọng nhất. Những kết quả sau đó của tội phạm cũng có thể mang tính quan trọng đối với quyết định về việc liệu có tự mình thẩm vấn người bị hại với tư cách là nhân chứng hay không.
            …[Trong các trường hợp khác,]
            Cho dù Công tố viên không tự mình làm rõ các tình tiết của vụ án mà thay vào đó giao nhiệm vụ cho các trợ lý, cho các cơ quan hoặc nhân viên trong lực lượng Cảnh sát hoặc các cơ quan khác, thì vẫn phải chỉ đạo điều tra hoặc ít ra là quyết định phạm vi và định hướng điều tra. Qua đó có thể đưa ra những chỉ đạo cụ thể mang tính cá nhân về cách thức tiến hành các hoạt động điều tra.
            Trên thực tế, Cảnh sát là người thực hiện hầu hết các hoạt động điều tra độc lập với các yêu cầu và quyết định của Văn phòng công tố, họ thường tự mình điều tra mà không có sự chỉ đạo của Văn phòng công tố cho đến thời điểm ra quyết định. Có một cách giải thích khá đơn giản cho điều này. Tội phạm hình sự phần lớn được thông báo cho Cảnh sát. Hơn nữa, Cảnh sát thường ý thức được những nghi ngờ ban đầu trong quá trình hoạt động của các nhân viên và hành động trên cơ sở này.
            Trong những trường hợp này, Điều 163 CPC trao cho Cảnh sát thẩm quyền tự mình điều tra các tình tiết khách quan và tiến hành các biện pháp khi không nên có sự trì hoãn.            Nói cách khác: Chính Cảnh sát là người chủ động quyết định việc có hay không và làm cách nào để giải thích nguyên tắc truy tố bắt buộc trên thực tế.
            Nguyên tắc truy tố bắt buộc:
            Tố tụng hình sự không phải là tố tụng giữa các bên như tố tụng dân sự, do các bên tự định đoạt và quyết định được tuyên trên cơ sở sự thật phụ thuộc vào chứng cứ do các bên cung cấp. Trong tố tụng hình sự Văn phòng công tố – và Cảnh sát – bị trói buộc bởi nguyên tắc truy tố bắt buộc có nghĩa là buộc phải hành động trong trường hợp có thể truy tố khi có đủ các tình tiết khách quan (Điều 152 CPC).
            Chỉ có duy nhất một ngoại lệ đối với nguyên tắc truy tố bắt buộc là “nguyên tắc tuỳ nghi truy tố”, thực chất là việc luật pháp cho phép không truy tố đối với những vụ án liên quan đến những tội phạm ít hoặc không nghiêm trọng, chỉ xâm phạm đến lợi ích cá nhân hoặc do lỗi vô ý (Điều 153 CPC).
            Tuy nhiên, căn cứ vào cách thức thu thập thông tin về tội phạm; việc phân loại mang tính lựa chọn trong quá trình hoạt động của lực lượng Cảnh sát; và sự cấp bách của hoạt động điều tra; Cảnh sát có quyền tự định đoạt việc có hay không và làm thế nào để tiến hành điều tra một vấn đề, nói cách khác, có hay không và làm thế nào để diễn giải nguyên tắc truy tố bắt buộc trên thực tế. Vì Cảnh sát không có cách nào để giới hạn điều này, do đó nguyên tắc tuỳ nghi truy tố đã chi phối hoàn toàn trên thực tế.
            Cũng theo Eberhard Siegismund, có thể minh hoạ vị trí của Cảnh sát trong tố tụng hình sự qua ví dụ sau:
            “Một tên cướp đột nhập vào Ngân hàng và bắt giữ con tin. Trong khi Công tố viên ngay lập tức có mặt tại hiện trường và có thể ra lệnh cho các chiến sỹ Cảnh sát bắt giữ nghi can và bảo vệ chứng cứ tại hiện trường tội phạm, thì người này không thể ra lệnh cho họ trả tự do cho con tin bằng cách bắn thủ phạm. Vì hành động này [theo luật Đức] không phải là một biện pháp truy tố hình sự mà thực ra là một biện pháp bảo đảm an ninh công cộng.”
            Câu hỏi được đặt ra là ai có thẩm quyền tối cao tại hiện trường tội phạm trong vụ án bắt giữ con tin kể trên: Công tố viên trưởng hay Cảnh sát trưởng. Hướng dẫn về tố tụng hình sự có một điều khoản về điều này như sau:
            Trong trường hợp mà trách nhiệm truy tố hình sự và trách nhiệm ngăn chặn nguy hiểm xuất phát đồng thời và trực tiếp từ một tình huống giống nhau, Văn phòng công tố và Cảnh sát có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.
            Trong vụ án như vậy, việc hợp tác chặt chẽ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa Văn phòng công tố và Cảnh sát là đặc biệt cần thiết. Hợp tác trên tinh thần đối tác cho thấy rằng trong khi hoàn thành nhiệm vụ của mình thì mỗi cơ quan cũng xem xét đến những ảnh hưởng đối với việc thực hiện của cơ quan kia có thể phát sinh từ tình huống. Nếu có sự tham gia của Văn phòng công tố, Công tố viên và Cảnh sát phải cùng đồng ý hành động trong mọi khả năng. Điều này cũng áp dụng trong trường hợp mà tình hình không cho phép đồng thời hoàn thành cả hai nhiệm vụ. Trong trường hợp này nó phải được quyết định bằng việc cân nhắc lợi ích của nhiệm vụ và pháp luật liên quan, liệu việc truy tố tội phạm hay ngăn chặn nguy hiểm là quan trọng hơn theo tình huống cụ thể.
            Câu hỏi tiếp theo là liệu Cảnh sát có thể dựa trên chính trách nhiệm của mình bắn gục kẻ bắt cóc con tin hay là thay vào đó là phải đợi Công tố viên ra chỉ thị. Cũng theo Hướng dẫn nói trên thì câu trả lời là:
            Nếu tình huống yêu cầu một quyết định liên quan đến việc sử dụng trực tiếp sức mạnh và không đạt được thoả thuận – thậm chí sau khi đã hỏi ý kiến cấp trên – là trách nhiệm nào được ưu tiên trong những tình huống cụ thể, Cảnh sát phải tự quyết định.
            Xét xử sơ thẩm:
            Giai đoạn xét xử sơ thẩm (hay còn gọi là giai đoạn tố tụng chính - sau đây gọi là xét xử) bắt đầu khi công tố viên chuyển sang Toà án bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và đơn đề nghị đưa vụ án ra xét xử (Điều 199 CPC). Sau đó Toà án có thẩm quyền sẽ quyết định liệu có đưa vụ án ra xét xử hay tạm thời đình chỉ (từ chối xét xử). Về nguyên tắc Toà án sẽ quyết định xét xử vụ án khi thấy có đủ lý do để nghi ngờ bị can bị truy tố đã thực hiện tội phạm (Điều 203 CPC). Tất nhiên điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào các nhận định, đánh giá của Toà án trên cơ sở chứng cứ do các bên đưa ra trong giai đoạn chuẩn bị cho việc mở phiên toà (các căn cứ thực tế). Toà án không có nghĩa vụ bắt buộc phải hành động theo đơn của công tố viên trong việc đưa ra các quyết định của mình (Điều 206 CPC). Tuy nhiên, Luật quy định cụ thể các căn cứ để Toà án tạm thời đình chỉ tố tụng (các căn cứ pháp lý) đó là khi vắng mặt bị can bị truy tố hoặc khi có cản trở mang tính cá nhân khác ngăn cản việc đưa vụ án ra xét xử trong một thời hạn đáng kể (Điều 205 CPC). Trong quy định này có một số điểm mập mờ, khó hiểu đối với các khái niệm “cản trở mang tính cá nhân” và “trong một thời hạn đáng kể”. Luật không giải thích rõ mà chỉ đưa ra một quy định chung chung là thẩm phán phải đảm bảo cung cấp đủ các chứng cứ cần thiết cho điều này (Điều 205 CPC). Cũng thuộc các căn cứ pháp lý để đình chỉ tố tụng (phân biệt với tạm thời đình chỉ và cũng có nghĩa là từ chối xét xử) đó là khi có một cản trở mang tính thủ tục phát sinh sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử; khi một chuẩn mực hình sự áp dụng vào thời điểm thực hiện tội phạm được sửa đổi trước khi ra quyết định; và nếu tố tụng đang bị tạm hoãn tại toà án hình sự liên quan đến một tội phạm bị xử phạt theo luật cũ nhưng không bị xử phạt theo luật mới. Có thể hiểu là việc sửa đổi luật diễn ra trong thời gian tạm hoãn tố tụng. Do đó khi có căn cứ thì Toà án phải ra lệnh đình chỉ tố tụng. Các quyết định đình chỉ tố tụng này đều có thể bị khiếu nại trong thời hạn ngắn nhất (Các điều 206a và 206b CPC). Trường hợp sau khi có quyết định từ chối xét xử mà phát hiện các tình tiết hoặc chứng cứ mới thì có thể phục hồi tố tụng (Điều 211 CPC).
            Điều 207 CPC quy định trong lệnh đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải chỉ rõ là chấp nhận lời buộc tội nào và những thay đổi (nếu có) để lời buộc tội đó được chấp nhận nếu:
            - Lời buộc tội được đưa ra liên quan đến nhiều tội danh và trong số đó có tội danh bị từ chối;
            - Theo Điều 154a, việc truy tố chỉ giới hạn trong các phần đơn lẻ của một tội danh, hoặc các phần này tiếp tục được đưa trở lại tố tụng;
            - Hành vi được đánh giá khác với cáo trạng một cách hợp pháp;
            - Theo Điều 154a, việc truy tố được giới hạn trong một số vi phạm pháp luật được thực hiện bởi cùng một tội phạm, hoặc những vi phạm pháp luật này được tiếp tục đưa trở lại tố tụng.
            Trong hai trường hợp đầu, Văn phòng công tố phải nộp một bản cáo trạng mới tương ứng với lệnh đưa vụ án ra xét xử. Trong cáo trạng mới này có thể không cần trình bày các kết quả điều tra liên quan.
            Sau khi hoàn tất các thủ tục để đưa vụ án ra xét xử, tố tụng bước vào giai đoạn chuẩn bị cho phiên xét xử. Trong giai đoạn này Toà án phải tiến hành triệu tập bị cáo, người bào chữa, nhân chứng, giám định viên (các điều 214, 216, 218 CPC). Nếu bị cáo thấy cần thiết triệu tập nhân chứng, giám định viên hoặc xuất trình thêm chứng cứ thì có thể làm đơn yêu cầu thẩm phán tiến hành (Điều 220 CPC). Thẩm phán cũng có thể ra lệnh cung cấp thêm các đồ vật làm chứng cứ (Điều 221 CPC). Toà án phải thông báo cho Văn phòng công tố và bị cáo tên và nơi ở của nhân chứng và giám định viên; nếu do Văn phòng công tố triệu tập thì Văn phòng công tố thông báo; nếu do bị cáo triệu tập thì bị cáo thông báo (Điều 222 CPC).
            Về nguyên tắc, phiên xét xử phải diễn ra với sự có mặt liên tục, không gián đoạn của những người được triệu tập đến toà để ra phán quyết, công tố viên và thư kí toà (Điều 226 CPC). Bị cáo có trách nhiệm phải có mặt, nếu không có lý do chính đáng cho việc vắng mặt thì có thể bị áp giải hoặc bắt (Điều 230 CPC). Để đảm bảo sự có mặt của bị cáo thẩm phán có thể tiến hành các biện pháp phù hợp để ngăn không cho người này trốn hoặc ra lệnh tạm giam bị cáo trong thời gian tạm hoãn phiên toà. Nếu, mặc dù vậy, bị cáo vẫn vắng mặt hoặc không trình diện khi tiếp tục phiên xét xử bị tạm hoãn, thì phiên toà có thể kết thúc vắng mặt người này nếu họ đã nghe cáo trạng và toà án thấy sự có mặt của họ là không cần thiết (Điều 231 CPC). Nếu bị cáo cố tình hoặc do sơ suất đặt mình vào tình trạng không đủ sức khoẻ để tham dự phiên toà, và do đó, đã ngăn cản một cách có ý thức việc tiến hành phù hợp hoặc tiếp tục phiên toà với sự có mặt của họ, thì phải tiếp tục hoặc tiến hành phiên toà vắng mặt họ, trong trường hợp họ vẫn chưa nghe lời buộc tội, trừ khi toà án thấy không thể không có mặt họ. Tuy nhiên, thủ tục này chỉ áp dụng nếu bị cáo, sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, đã có cơ hội để đưa ra các tuyên bố liên quan đến những lời buộc tội trước toà án hoặc một thẩm phán có chức vụ. Ngay khi bị cáo lại có đủ sức khoẻ để tham dự phiên toà, thẩm phán chủ toạ phải thông báo cho người này về các nội dung cần thiết liên quan đến quá trình tố tụng diễn ra khi vắng mặt họ trừ khi đã bắt đầu việc tuyên án. Toà án chỉ quyết định xét xử vắng mặt bị cáo sau khi đã hỏi ý kiến chuyên gia sức khoẻ. Quyết định có thể được đưa ra trước khi bắt đầu phiên toà. Quyết định này có thể bị khiếu nại với hiệu lực tạm hoãn tố tụng. Phiên toà đã tiến hành phải bị tạm hoãn cho đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại; việc tạm hoãn có thể kéo dài đến 30 ngày. Phải chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo nếu bị cáo không có người bào chữa khi có thể xét xử vắng mặt bị cáo (Điều 231a CPC). Cũng có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp bị cáo bị đuổi khỏi phòng xử án do có hành vi gây mất trật tự hoặc bị đưa vào trại giam do lo sợ là sự có mặt của bị cáo sẽ làm phá hoại nghiêm trọng quá trình xét xử (Điều 231b CPC). Liên quan đến việc xét xử nhiều bị cáo, Toà án có thể ra lệnh cho phép cá nhân các bị cáo và người bào chữa trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa vắng mặt trong từng phần xét xử nhất định trừ khi họ bị tác động bởi những phần xét xử này (Điều 231c CPC). Nhìn chung đối với các vi phạm có mức xử phạt nhẹ, ví dụ như phạt tù đến 6 tháng, phạt tiền tối đa 180 ngày lương tối thiểu hoặc tước giấy phép lái xe, thì được phép xét xử vắng mặt bị cáo (Điều 232 CPC). Điều này cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm phải có mặt của bị cáo được rỡ bỏ (Điều 233 CPC). Trong những trường hợp xét xử vắng mặt này, bị cáo được phép uỷ quyền bằng văn bản cho người bào chữa làm đại diện tham gia tố tụng (Điều 234 CPC).
            Thẩm phán chủ toạ phiên toà tiến hành xét xử, thẩm tra bị cáo và thu thập chứng cứ (Điều 238 CPC). Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải cho phép các bên tiến hành thủ tục thẩm tra chéo tức là Viện công tố và bên bị cáo được quyền thẩm tra nhân chứng và giám định viên của mình và của phía bên kia với thứ tự ưu tiên được trao cho bên nào đưa ra nhân chứng và giám định viên trước. Sau khi thẩm tra bị cáo, Toà án bắt đầu quá trình thu thập chứng cứ. Quá trình này diễn ra thông qua việc các bên làm đơn yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ. Nhằm tìm ra sự thật, Toà án có quyền, tuỳ nghi , thu thập tất cả các tình tiết và phương pháp chứng minh liên quan đến việc ra quyết định. Đơn đề nghị thu thập chứng cứ bị từ chối nếu việc thu thập chứng cứ đó là không được phép. Trong các trường hợp khác, đơn đề nghị thu thập chứng cứ chỉ bị từ chối nếu việc thu thập chứng cứ đó là thừa do vấn đề thuộc phạm vi hiểu biết thông thường, nếu tình tiết cần được chứng minh không liên quan đến quyết định hoặc đã được chứng minh, nếu chứng cứ hoàn toàn không phù hợp hoặc không thể thu thập được, nếu đơn được làm nhằm mục đích kéo dài tố tụng, hoặc nếu một lời buộc tội quan trọng nhằm cung cấp bằng chứng giảm nhẹ cho bị cáo có thể được coi là tình tiết bị cáo buộc đó là đúng. Trừ khi có quy định khác, đơn đề nghị thu thập chứng cứ bằng việc thẩm tra giám định viên (chuyên gia) cũng có thể bị từ chối nếu toà án tự mình có được kiến thức chuyên ngành cần thiết. Các đơn đề nghị này thường được Toà án chấp nhận. Toà án chỉ từ chối khi xét thấy không thật cần thiết hoặc không thể thu thập được, ví dụ như nhân chứng đang ở nước ngoài (Điều 244 CPC). Toà án không được phép từ chối thu thập chứng cứ trên cơ sở là chứng cứ hoặc tình tiết cần chứng minh được nộp quá muộn (Điều 246 CPC).
            Việc xét xử kết thúc bằng việc ra bản án sau khi nghị án. Đối với các quyết định liên quan đến việc xác định có tội hay vô tội và hậu quả pháp lý của tội phạm thì cần phải đạt được 2/3 (hai phần ba) số phiếu của các thành viên trong Hội đồng xét xử bao gồm thẩm phán chủ toạ, các thẩm phán trợ lý và các hội thẩm (các điều 222a và 263 CPC). Nếu có lệnh cấm đảm nhiệm một công việc nhất định thì bản án phải chỉ rõ nghề nghiệp, chức vụ hoặc công việc buôn bán hoặc chi nhánh liên quan, việc hành nghề bị cấm. Bản án phải ghi rõ việc đình chỉ tố tụng nếu có vướng mắc về thủ tục. Các điều khoản mang tính quy phạm của bản án phải chỉ ra thiết kế pháp lý của tội phạm mà bị cáo bị kết tội. Nếu tội phạm có tên gọi điều luật thì phải được sử dụng cho thiết kế pháp lý của tội phạm. Nếu hình phạt tiền được ấn định thì số lượng và khối lượng các đơn vị tính theo ngày phải được bao gồm trong các điều khoản mang tính quy phạm của bản án. Nếu cho hưởng án treo, hoặc nếu bị cáo đã được cảnh báo về hình phạt có thể bị áp dụng, hoặc nếu việc ấn định hình phạt bị từ bỏ, thì phải được chỉ rõ trong các điều khoản mang tính quy phạm của bản án. Từ ngữ của các điều khoản mang tính quy phạm của bản án do Toà án tự quyết định. Tiếp sau các điều khoản mang tính quy phạm của bản án, các điều khoản được áp dụng phải được liệt kê theo điều, khoản, điểm và ký tự cùng với thiết kế của đạo luật. Nếu, trong trường hợp việc kết án ấn định một hình phạt tù hoặc một tổng hợp hình phạt tù không vượt quá 2 năm, tội phạm, hoặc, khi có nhiều hơn một tội phạm, tội phạm chủ yếu, liên quan đến mức độ trầm trọng của chúng, được thực hiện trên cơ sở nghiện ma tuý, thì phải dẫn chiếu đến điều 17 khoản (2) của Đạo luật Đăng ký Tội phạm Trung ương Liên bang./.
Tìm kiếm