CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

NGƯỜI CÁN BỘ KIỂM SÁT PHẢI CÓ BẢN LĨNH VÀ Ý CHÍ CHIẾN ĐẤU ĐỂ BẢO VỆ CÔNG LÝ VÀ PHÁP LUẬT

05/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

NGƯỜI CÁN BỘ KIỂM SÁT PHẢI CÓ BẢN LĨNH VÀ Ý CHÍ CHIẾN ĐẤU ĐỂ BẢO VỆ CÔNG LÝ VÀ PHÁP LUẬT

TRẦN QUYẾT - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Viện trưởng VKSNDTC

 

 

Theo tôi hiểu, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan chuyên môn của Quốc hội để giúp Quốc hội giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Từ khi thành lập Viện kiểm sát nhân dân đến nay, các Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều do Quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân. Với vị trí và vai trò như vậy, tôi cho rằng đã là cán bộ Kiểm sát thì điều quan trọng là phải giữ vững cán cân công lý, phải có thái độ kiên quyết và rất công bằng, người có tội thì trị tội, người bị oan thì phải tha, đấy là một việc mà tôi rất chú trọng khi làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tôi cũng mong muốn các cán bộ Kiểm sát chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, không chịu bất cứ một sự áp lực nào. Kinh nghiệm thời tôi làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao 5 năm thì rõ là như thế.

Làm công tác kiểm sát phải biết chọn những vấn đề gì nổi nhất trong Ngành để làm. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá VIII, tôi làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khi về Ngành, sau một thời gian quan sát, tôi biết lúc bấy giờ công tác kiểm sát chung được xác định là mũi nhọn số một, nên đã chỉ đạo tập trung đi vào kiểm sát các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của đất nước; kết quả là công tác này đã đem lại hiệu quả rất tốt, không những thu về cho Nhà nước những tài sản mà người ta hà lạm, đồng thời còn chỉ ra cho các ngành thấy rõ những vi phạm, thiếu sót của mình; đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có báo cáo Hội đồng Nhà nước về những việc sai phạm của các ngành đã được kiểm sát. Cho nên cán bộ ngành Kiểm sát phải có một ý chí kiên cường, phải công minh, chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật thôi, không chịu bất cứ một sự áp lực nào thì mới làm được đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Người Lãnh đạo Viện kiểm sát và Kiểm sát viên, khi mà gặp các trường hợp kêu là bị oan thì phải xác định xem có đúng oan hay không và khi đã xác định là oan rồi thì phải kiên quyết tha, trả lại tự do cho họ; còn nếu xác định là có tội thì tùy theo mức độ phạm tội mà xử lý. Tôi nghĩ đối với người cán bộ Kiểm sát cần có một ý chí như vậy và cần có một bản lĩnh như vậy; đó chính là sự công minh, là thái độ chính trực để giữ gìn công lý.

Thời gian tôi làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao 5 năm (theo nhiệm kỳ Quốc hội khoá VIII) thì các đồng chí cũng đã biết là tôi cùng với toàn Ngành đã làm được những gì. Tôi là người đã không làm thì thôi, mà làm thì phải làm đến nơi đến chốn, xuống tận nơi, xem tận chỗ, kết luận rõ ràng. Tôi nhớ khi làm mấy vụ án lớn, trong đó có vụ án kinh tế xảy ra ở Bộ Lâm nghiệp mà ông Thân Trung Hiếu làm Thứ trưởng. Đầu tiên nghe nói là ông Thân Trung Hiếu có hành vi xâm phạm tài sản Nhà nước tới 40 tỷ đồng. Khi chưa kiểm tra, tôi đinh ninh chắc ông Thân Trung Hiếu phải bị xử lý nghiêm khắc; thế nhưng sau khi có nhiều ý kiến cho rằng ông Thân Trung Hiếu bị oan, tôi đã mời anh Đỗ Đình Thư, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra Bộ Công an sang làm việc 2 ngày, yêu cầu anh Thư mang đủ hồ sơ sang, anh nói đến đâu tôi xem đến đấy và thế là 2 ngày làm việc với anh Thư, nghe anh trình bày rất kỹ thì xác định được tất cả những điều cáo buộc ông Thân Trung Hiếu là không đúng mà là việc của người khác. Tôi biết được những việc này trước đó ông Quang là Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp cũ đã từng cho thanh tra việc của ông Thân Trung Hiếu rồi. Đọc báo cáo thanh tra, tôi thấy không có vấn đề gì nặng, ông Thân Trung Hiếu chỉ bị đề nghị khiển trách vì chỉ có một vài sai sót nhỏ. Tôi cẩn thận, yêu cầu Bộ Lâm nghiệp trao đổi đề nghị Bộ Ngoại giao mời ông Quang về nước để tôi trực tiếp hỏi về những việc ở Bộ Lâm nghiệp. Sau khi gặp ông Quang thì ông Quang cũng nói thế thôi, tất cả những chuyện báo chí đã nêu về ông Thân Trung Hiếu không phải của ông ấy mà là của người khác. Tôi đã đưa ra tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo rõ lại vụ ông Thân Trung Hiếu là bị oan, đã oan thì bây giờ mình phải đình chỉ điều tra giải oan cho người ta, được tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát tối cao nhất trí, sau đó tôi lại đưa ra ba ngành Công an, Kiểm sát, Toà án báo cáo lại, các anh ấy đều nhất trí cả, rồi tôi mới đứng lên báo cáo ở trước Quốc hội. Về sau anh Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội khoá VIII nói là viết báo cáo đầy đủ rồi nhưng mà cần phải giải trình cho Quốc hội biết và tôi phải đứng hàng tiếng đồng hồ để giải trình, giải trình xong lại đứng một tiếng đồng hồ để chờ Quốc hội chất vấn. Tôi nói rất rõ là tôi biết ông ấy oan nên tôi phải quyết định đình chỉ, nếu Quốc hội tin thì chấp nhận mà nếu Quốc hội nghi là tôi có chuyện gì với ông Thân Trung Hiếu thì Quốc hội cứ cho Đoàn thanh tra đặc biệt kiểm tra, nếu mà thấy tôi sai thì cách chức Đại biểu Quốc hội, bãi miễn cả chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đi, tôi không có thắc mắc gì cả; sau đó thì tất cả các Đại biểu Quốc hội đều nhất trí với tôi. Thế cho nên tôi nghĩ rằng trước sinh mệnh chính trị của một con người, mình phải có thái độ rõ ràng như vậy, mặc dầu ông Thân Trung Hiếu lúc đó đã bị Thủ tướng Chính phủ cách chức Thứ trưởng; việc ấy là của Chính phủ, còn việc của tôi là đã thấy người ta bị oan thì phải giải oan.

Tôi thấy tình hình chấp hành pháp luật hiện nay phức tạp hơn thời kỳ tôi làm Viện trưởng. Sau khi có Nghị quyết Đại hội VI, chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, trong đó thành phần tư bản tư nhân, rồi nước ngoài đầu tư vào thì cái mặt tốt là đất nước ta khởi sắc, cái đó không ai không công nhận cả; nhưng bên cạnh đó thì mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động vào đội ngũ cán bộ ta ghê gớm lắm. Trong tình hình ấy mà cán bộ Kiểm sát không có dũng khí, không dám điều tra đến nơi đến chốn thì không làm đúng chức năng được; mà khi điều tra đúng rồi thì phải dám quyết định, người ta oan thì phải tha ra, người có tội thì đưa ra trị tội. Cho nên tôi cho là tình hình hiện nay đòi hỏi cán bộ ngành Kiểm sát phải có một khí thế trong tinh thần chiến đấu và nói khác đi là tinh thần của người cán bộ Kiểm sát nhưng đồng thời cũng nêu cao phẩm chất của người đảng viên Cộng sản, phải ngẩng cao đầu mà đi và chỉ vì công lý thôi, chỉ theo đường lối của Đảng chứ không sợ bất cứ một áp lực nào thì mới làm được; chứ nếu bây giờ mà cứ sợ áp lực thì không làm được. Đấy là những suy nghĩ của tôi hiểu trong tình hình hiện nay cần như vậy.

Tìm kiếm