CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

THỦ TỤC TÁI THẨM TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC

13/04/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

THỦ TỤC TÁI THẨM TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC
 
                                                                                                         Phạm Hoàng Diệu Linh
Viện khoa học kiểm sát - VKSNDTC
 
Hệ thống toà án của Cộng hoà liên bang Đức bao gồm các toà án liên bang và toà án các bang, ngoài Toà án bảo hiến, các toà án khác được tổ chức thành năm ngạch: ngạch toà án thông thường, ngạch toà án hành chính, ngạch toà án về thuế, ngạch toà án về các vấn đề xã hội và ngạch toà án lao động. Mỗi ngạch toà án đều có trật tự thứ bậc rõ ràng, ngạch toà án thông thường được tổ chức thành bốn cấp, các toà án hành chính, xã hội và lao động gồm ba cấp, riêng hệ thống toà án tài chính chỉ được cơ cấu thành hai cấp vì cơ quan quản lý hành chính trong lĩnh vực này là cấp xem xét, giải quyết đầu tiên trước khi vụ việc được đưa ra xét xử tại toà.
Toà án thông thường là ngạch toà án có thẩm quyền xét xử trong lĩnh vực dân sự và hình sự. ở cấp liên bang chỉ có Toà án tối cao liên bang, còn mỗi bang là một chủ thể tự quản có hệ thống toà án được tổ chức từ cấp trung ương đến cấp địa phương của bang, gồm Toà án cấp cao, Toà án cấp vùng và Toà án khu vực. Hệ thống toà án ở các bang có thể không giống nhau bởi mỗi bang có quyền xây dựng các quy định pháp luật về tổ chức toà án của riêng mình trên cơ sở Luật tổ chức Toà án (được coi là "luật mẫu") do liên bang ban hành. Tuy nằm trong một hệ thống tư pháp thống nhất nhưng Toà án tối cao liên bang và toà án ở các bang tương đối độc lập. Đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp cấp bang do Bộ Tư pháp của các bang tuyển chọn và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc thăng cấp, các thẩm phán cấp liên bang do hai Viện của Liên bang bổ nhiệm, tuy nhiên số lượng không lớn.
Thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của các toà án được xác định trên cơ sở tính chất của tội phạm là trọng tội hay khinh tội và mức hình phạt có thể áp dụng. Thủ tục xét xử sơ thẩm có thể được tiến hành tại Toà án khu vực, Toà án vùng, Toà án cấp cao của bang, thậm chí ở Toà án tối cao liên bang trong một số trường hợp. Việc xét xử phúc thẩm thường do Toà án cấp trên trực tiếp của Toà án đã xét xử sơ thẩm tiến hành. Thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm thuộc về Toà án cấp cao của bang hoặc Toà án tối cao liên bang. Bên cạnh hoạt động xét xử, xây dựng án lệ, Toà án tối cao liên bang còn có nhiệm vụ giám sát việc tôn trọng pháp luật liên bang của toà án các bang.
Là quốc gia theo truyền thống luật Châu Âu lục địa, Cộng hoà liên bang Đức cũng áp dụng nguyên tắc xét xử hai cấp. Sau khi xét xử lần đầu (sơ thẩm), nếu không đồng ý với phán quyết của Toà án, bị cáo (người bào chữa của bị cáo, người đại diện theo pháp luật của bị cáo), người bị hại, Viện công tố có quyền kháng cáo, kháng nghị để Toà án có thẩm quyền xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Lý do khởi động trình tự tố tụng phúc thẩm có thể xuất phát từ các tình tiết của vụ án, việc áp dụng pháp luật trong các bản án của toà hay thủ tục tiến hành giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm. Sau khi đã xét xử phúc thẩm, phán quyết của toà án là chung thẩm, có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án có thể được xét lại theo một thủ tục đặc biệt nhằm hạn chế tối đa những phán quyết sai lầm. Thủ tục này là thủ tục tái thẩm, được quy định tại Phần 4 Bộ luật tố tụng hình sự Cộng hoà liên bang Đức (BLTTHS Đức).
Thuật ngữ "thủ tục tái thẩm" trong BLTTHS Đức (bản tiếng Việt) là thuật ngữ dịch, không đồng nghĩa với thủ tục tái thẩm trong Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam. Chính xác là nó dùng để chỉ thủ tục xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án và đây cũng là thủ tục duy nhất, khác với pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, xây dựng hai thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật là giám đốc thẩm và tái thẩm, khác nhau chủ yếu về căn cứ kháng nghị, thời hạn kháng nghị.
Quy định về thủ tục tái thẩm theo quy định của BLTTHS Đức có một số nội dung đáng chú ý sau đây:
1. Về căn cứ kháng cáo, kháng nghị tái thẩm
Dựa vào lợi ích của người bị kết án, BLTTHS Đức có sự phân biệt rõ ràng căn cứ kháng cáo, kháng nghị tái thẩm theo hai trường hợp. Theo Điều 359, Toà án tiến hành tái thẩm vì lợi ích của người bị kết án khi có một trong những căn cứ sau đây:
- Nếu tài liệu gốc bất lợi cho người bị kết án tại phiên xét xử là sai lầm hoặc bị làm giả;
- Nếu nhân chứng hoặc chuyên gia giám định, khi đưa ra lời khai hoặc quan điểm bất lợi cho người bị kết án, có lỗi do cố tình hoặc sơ ý vi phạm trách nhiệm của lời tuyên thệ, hoặc cố tình tạo ra một tuyên bố sai, không được tuyên thệ;
- Nếu thẩm phán hoặc hội thẩm tham gia soạn thảo phán quyết có lỗi về một vi phạm trách nhiệm công vụ liên quan đến vụ án, trừ khi vi phạm do chính người bị kết án gây ra;
- Nếu một phán quyết của toà án dân sự làm căn cứ cho phán quyết hình sự bị huỷ bởi một phán quyết khác có hiệu lực;
- Nếu các tình tiết hoặc chứng cứ được tạo ra một cách độc lập hoặc có liên quan đến chứng cứ đã thu thập trước đây có chiều hướng hỗ trợ sự vô tội của bị cáo hoặc cho thấy việc cần áp dụng một chuẩn mực pháp lý hình sự ít nghiêm khắc hơn, một hình phạt nhẹ hơn hoặc một quyết định khác khác một cách cơ bản về biện pháp cải tạo và ngăn chặn;
- Nếu Toà án Châu Âu về nhân quyền phát hiện có vi phạm công ước hoặc các nghị định thư của Châu Âu về bảo vệ nhân quyền và quyền tự do cơ bản và nếu phán quyết được dựa trên vi phạm này.
Theo Điều 362, tái thẩm do sự thiệt hại của người bị kết án được tiến hành khi có một trong những căn cứ sau đây:
- Nếu tài liệu gốc liên quan tới lợi ích của người bị kết án được xuất trình tại phiên xét xử là sai lầm hoặc bị làm giả;
- Nếu nhân chứng hoặc chuyên gia giám định, khi đưa ra lời khai hoặc quan điểm bất lợi cho người bị kết án, có lỗi do cố tình hoặc sơ ý vi phạm trách nhiệm của lời tuyên thệ, hoặc cố tình tạo ra một tuyên bố sai, không được tuyên thệ;
- Nếu thẩm phán hoặc hội thẩm tham gia soạn thảo phán quyết có lỗi về một vi phạm trách nhiệm công vụ liên quan đến vụ án, trừ khi vi phạm do chính người bị kết án gây ra;
- Người được tuyên vô tội đưa ra lời thú tội đáng tin cậy, tại hoặc bên ngoài trụ sở toà án, là mình thực hiện tội phạm.
Như vậy, với tính chất là một thủ tục đặc biệt, trình tự tái thẩm không được tiến hành một cách đương nhiên bởi sự xuất hiện của kháng cáo, kháng nghị như đối với thủ tục phúc thẩm. Thủ tục này đòi hỏi phải chỉ ra được những căn cứ do luật định để chứng minh phán quyết của Toà án đã có hiệu lực pháp luật là sai lầm, cần phải huỷ phán quyết đó để bảo đảm tính đúng đắn. Bên cạnh đó, BLTTHS Đức cũng khẳng định mục đích tối cao của thủ tục tái thẩm ở nước này là vì lợi ích của người bị kết án. Việc quy định hai trường hợp tái thẩm khi người bị kết án có thiệt hại hay không có thiệt hại cũng không nằm ngoài mục đích trên.
BLTTHS Đức không quy định căn cứ để Toà án tái thẩm huỷ phán quyết nên có thể hiểu những căn cứ kháng cáo, kháng nghị tái thẩm nêu trên cũng chính là cơ sở cho Toà án xem xét, quyết định phán quyết có cần huỷ bỏ hay không. Khác với Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam phân biệt căn cứ mở thủ tục giám đốc thẩm là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án, căn cứ mở thủ tục tái thẩm là những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà toà án không biết được khi ra bản án, quyết định đó, BLTTHS Đức, bởi chỉ xây dựng một thủ tục xét lại phán quyết đã có hiệu lực pháp luật nên không có sự phân biệt như vậy. Các căn cứ mở thủ tục tái thẩm mà BLTTHS Đức quy định bao hàm cả lý do xuất phát từ sai lầm trong việc áp dụng pháp luật và các tình tiết mới được biết đến sau khi đã có phán quyết có hiệu lực, tác động đến tình trạng pháp lý của người bị kết án theo chiều hướng có lợi và phù hợp với mục đích của việc tái thẩm đã nêu ở trên.
2. Về yêu cầu mở thủ tục tái thẩm
Chủ thể có thẩm quyền đưa ra yêu cầu mở thủ tục tái thẩm, theo Điều 365, là những người có quyền kháng án phúc thẩm được quy định tại chương "Những quy định chung". Như vậy, BLTTHS Đức công nhận quyền kháng cáo tái thẩm của người bị kết án và quyền kháng nghị tái thẩm của cơ quan công tố, khác với BLTTHS Việt Nam chỉ quy định quyền kháng nghị của Viện kiểm sát (đối với thủ tục tái thẩm) và cả Toà án (đối với thủ tục giám đốc thẩm). Tuy nhiên, vì tái thẩm có mục đích xuất phát từ lợi ích của người bị kết án nên BLTTHS Đức không quy định quyền kháng cáo tái thẩm của bên bị hại. Người bào chữa của người bị kết án có thể thay mặt họ thực hiện quyền kháng cáo, nhưng không được trái với ý chí của người bị kết án. Người đại diện theo pháp luật của người bị kết án cũng có thể sử dụng quyền kháng cáo độc lập trong phạm vi thời hiệu, với biện pháp và thủ tục được áp dụng như trong trường hợp người bị kết án kháng cáo. Cơ quan công tố cũng chỉ được kháng nghị tái thẩm để bảo vệ lợi ích của người bị kết án mà thôi và kháng nghị này không được phép huỷ bỏ nếu không có sự đồng ý của người bị kết án.
Thủ tục tái thẩm có thể được mở để bảo vệ lợi ích cho người bị kết án ngay cả khi người bị kết án đã chết. Trong trường hợp này, người thân (vợ chồng, anh, chị, em) của người chết có quyền đưa ra yêu cầu mở thủ tục tái thẩm (Điều 361).
Yêu cầu mở thủ tục tái thẩm không là lý do ngăn cản việc thi hành phán quyết đã có hiệu lực pháp luật (Điều 360 Khoản 1).
Về hình thức, yêu cầu mở thủ tục tái thẩm có thể được trình bày bằng văn bản hoặc bằng lời (Điều 366 Khoản 2). Kháng nghị tái thẩm của cơ quan công tố phải làm thành văn bản. Người bị kết án và người thân của người bị kết án đã chết nếu kháng cáo tái thẩm có thể nộp đơn theo mẫu, có chữ ký của luật sư hoặc người bào chữa, nếu họ kháng cáo bằng lời thì thư ký toà án phải ghi âm lại. Người bị kết án đang bị giam mà kháng cáo bằng lời thì thư ký toà tiểu hình phải đến tận nơi giam bị cáo để tiến hành việc ghi âm trong phạm vi thời hiệu kháng cáo.
Yêu cầu mở thủ tục tái thẩm phải nêu rõ được các căn cứ pháp luật để mở thủ tục tái thẩm và các tài liệu, chứng cứ có liên quan nhằm làm rõ các căn cứ đó. Đây là nội dung bắt buộc phải có đối với mọi kháng cáo, kháng nghị. Những kháng cáo, kháng nghị không bảo đảm về hình thức và nội dung cơ bản nêu trên sẽ bị bác bỏ.
3. Về thẩm quyền của Toà án trong thủ tục tái thẩm
3.1 Trong quá trình xem xét yêu cầu mở thủ tục tái thẩm, Toà án có thể ra lệnh hoãn hoặc tạm đình chỉ việc thi hành phán quyết đã có hiệu lực pháp luật nếu nhận thấy khả năng phán quyết này sẽ bị huỷ hoặc sửa, việc thi hành sẽ khiến cho việc tái thẩm không đạt được mục đích bảo vệ lợi ích cho người bị kết án (Điều 360).
3.2 Yêu cầu mở thủ tục tái thẩm có thể được gửi tới hoặc được trình bày tại Toà án đã ra phán quyết bị khiếu nại và được Toà án này chuyển tới Toà án có thẩm quyền tái thẩm (Điều 367). Để quyết định việc mở thủ tục tái thẩm, Toà án sẽ tiến hành xem xét kháng cáo, kháng nghị mà không cần thông qua một phiên toà sơ bộ. Những kháng cáo, kháng nghị bảo đảm các yêu cầu của pháp luật về nội dung, hình thức, mục đích sẽ được Toà án tống đạt cho bên đối tụng cùng với thời hạn xác định để bên đối tụng đưa ra ý kiến phản hồi, đồng thời, Toà án ban hành quyết định mở thủ tục tái thẩm và chuẩn bị cho phiên xét xử chính thức. Kháng cáo, kháng nghị sẽ không được Toà án chấp nhận nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về hình thức, không viện dẫn được căn cứ mở thủ tục tái thẩm hoặc không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho căn cứ đưa ra (Điều 368 khoản 1);
- Tài liệu, chứng cứ, lý lẽ viện dẫn không đủ để chứng minh cho căn cứ đưa ra hoặc việc chứng minh cho các hành vi quy định tại Điều 359 điểm 1, 2 và Điều 362 điểm 1, 2 bị cản trở (Điều 370 khoản 1); 
- Đề nghị tái thẩm nhằm mục đích áp dụng một hình phạt khác dựa trên quy phạm pháp luật hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt để giảm bớt trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật hình sự (Điều 363), các yêu cầu khác không dựa trên cơ sở lợi ích của người bị kết án.
Đối với yêu cầu mở thủ tục tái thẩm dựa trên giả định về một hành vi phạm tội, Toà án chỉ chấp nhận nếu bản án cuối cùng được áp dụng đối với tội phạm này không thể thực hiện được hoặc thủ tục tố tụng không thể tiến hành được vì mọi lý do, ngoại trừ lý do thiếu chứng cứ. Tuy nhiên, trong trường hợp có các tình tiết hoặc chứng cứ được tạo ra một cách độc lập hoặc có liên quan đến chứng cứ đã thu thập trước đây có chiều hướng hỗ trợ sự vô tội của bị cáo hoặc cho thấy việc cần áp dụng một chuẩn mực pháp lý hình sự ít nghiêm khắc hơn, một hình phạt nhẹ hơn hoặc một quyết định khác khác một cách cơ bản về biện pháp cải tạo và ngăn chặn thì Toà án vẫn chấp nhận yêu cầu tái thẩm (Điều 364).
3.3 Trên cơ sở yêu cầu mở thủ tục tái thẩm của người bị kết án, Toà án sẽ quyết định việc chỉ định luật sư bào chữa tham gia vào thủ tục tái thẩm, nếu họ không có luật sư bào chữa. Luật sư được chỉ định chịu trách nhiệm đại diện cho người bị kết án, đồng thời chuẩn bị các thủ tục tố tụng để mở lại phiên toà trong các trường hợp sau đây (các điều 364a, b):
- Các tình tiết thực tế chỉ ra rằng việc điều tra sẽ đem lại kết quả hoặc các chứng cứ đưa ra là đủ cơ sở chứng minh, nhờ đó, yêu cầu mở thủ tục tái thẩm chắc chắn được chấp nhận;
- Vì sự phức tạp của tình tiết thực tế và quan điểm pháp luật, việc tham gia của người bào chữa tại phiên toà là cần thiết;
- Người bị kết án không có khả năng thuê luật sư bào chữa vì điều kiện kinh tế khó khăn, chi phí thuê luật sư sẽ tác động lớn đến cuộc sống gia đình họ.
3.4 Trong trường hợp yêu cầu mở thủ tục tái thẩm được chấp nhận, nếu thấy cần thiết, Toà án sẽ giao cho thẩm phán tiến hành việc thu thập chứng cứ viện dẫn. Toà án tự mình quyết định việc thẩm tra người làm chứng, người giám định, sau khi nghiên cứu các chứng cứ đã có. Cơ quan công tố, người bị kết án, người bào chữa sẽ được Toà án thông báo về phiên thẩm tra, tuy nhiên, sự có mặt của những người này là không bắt buộc. Thẩm phán có thể yêu cầu người bị kết án rời khỏi phòng nếu việc có mặt của người này ảnh hưởng đến mục đích thẩm tra hoặc có lý do để tin rằng người làm chứng sẽ không nói sự thật. Nếu việc thông báo có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc thẩm tra thì Toà án không cần phải thông báo, khi cuộc thẩm tra kết thúc, biên bản sẽ được chuyển tới cơ quan công tố và luật sư bào chữa của người bị kết án. Người bị kết án đang bị giam chỉ được có mặt tại phiên thẩm tra nếu phiên thẩm tra diễn ra tại nơi giam người đó và sự có mặt của người này là cần thiết để giải thích các vấn đề chưa được thể hiện rõ ràng qua chứng cứ.
Toà án sẽ chính thức triệu tập cơ quan công tố và người bị kết án để nghe lời trình bày bổ sung, sau khi kết thúc việc thẩm tra.
3.5 Sau khi ban hành quyết định mở thủ tục tái thẩm, Toà án bắt đầu phiên xét xử chính thức. Tại phiên toà này, Toà án sẽ ra quyết định về việc giữ nguyên hoặc huỷ bỏ bản án đã có hiệu lực pháp luật trên cơ sở đánh giá tác động của chứng cứ đến nội dung vụ án. Đối với vụ tái thẩm mà người bị kết án đã chết thì Toà án tuyên bố không có tội ngay khi có đủ chứng cứ chứng minh việc đó mà không nhất thiết phải mở phiên toà chính thức. Người bị kết án sẽ được trả tự do ngay sau khi Toà án tuyên huỷ bỏ bản án đã có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu thủ tục tái thẩm được mở trên cơ sở kháng nghị tái thẩm của cơ quan công tố thì việc trả tự do cho người bị kết án cần được sự chấp nhận từ phía cơ quan công tố. Người được trả tự do có quyền yêu cầu Toà án công bố công khai việc huỷ bỏ bản án trên công báo liên bang nhưng quyền quyết định thuộc về Toà án. Toà án cũng toàn quyền quyết định có đăng công khai việc huỷ bỏ bản án trên báo hay không.
Như vậy, vì lợi ích của người bị kết án, quyết định tái thẩm không thể làm xấu đi tình trạng của người này. Toà án ra quyết định tái thẩm có thể quyết định cả việc đưa người bị kết án vào bệnh viện tâm thần hoặc cơ sở tập trung cai nghiện. Chỉ một trường hợp duy nhất được chấp nhận khi quyết định tái thẩm làm xấu đi tình trạng của người bị kết án đó là sự xuất hiện của các tình tiết mới hoặc chứng cứ đưa ra, dù có liên quan hay không liên quan đến các chứng cứ trước đây, chứng minh được người bị kết án đã phạm một tội nghiêm trọng.
Tìm kiếm