CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

THỰC HIỆN LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT TRONG CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA ÁN HÌNH SỰ VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI

06/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

THỰC HIỆN LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT TRONG CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA ÁN HÌNH SỰ VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI

NGUYỄN THỊ THUỶ - Vụ 1A Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, với cương vị là Chủ tịch nước, Bác Hồ đã luôn căn dặn mọi người phải chăm lo đời sống nhân dân, kiên quyết đấu tranh với bệnh quan liêu hách dịch của cán bộ, đảng viên, đấu tranh loại bỏ các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm ra khỏi đời sống xã hội. Tư tưởng về đấu tranh phòng, chống tội phạm của Người được thể hiện trong tư tưởng xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Người nhận thấy rõ vai trò quan trọng của pháp luật trong đời sống xã hội, coi pháp luật là phương tiện để duy trì sức mạnh của Nhà nước và tất yếu Nhà nước phải sử dụng pháp luật để điều hành xã hội. Bác Hồ khẳng định: Pháp luật của chúng ta bảo vệ quyền tự do dân chủ của nhân dân lao động, đồng thời nó đấu tranh loại bỏ áp bức bất công. Đối với những hành vi phạm tội, Bác Hồ có thái độ chỉ đạo xử lý rất rõ ràng: “Nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị”. Xuất phát từ đòi hỏi rất nghiêm khắc về việc tuân thủ pháp luật, Người đã yêu cầu mọi tổ chức Đảng, chính quyền, quân đội, đoàn thể… phải triệt để chấp hành pháp luật, bất kể người nào vi phạm cũng phải được xử lý nghiêm minh.

Trong tư tưởng đấu tranh phòng, chống tội phạm của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai yếu tố “pháp trị” và “đức trị”. Có thể hiểu tư tưởng đức trị là lấy đức độ để khuyên răn mọi người nên làm điều lành, tránh điều ác, hướng mọi người làm những việc hợp với đạo lý. Tư tưởng pháp trị là dùng pháp luật để xử phạt, răn đe, ngăn ngừa, buộc người ta phải tránh không làm những việc sai pháp luật. Trong đấu tranh chống tội phạm thì Người rất nghiêm khắc, không bao che và đòi hỏi phải xử lý bình đẳng trước pháp luật đối với mọi tội phạm. Có thể nói rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề cơ bản, chủ yếu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Xét xử là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn. Quan điểm, tư tưởng đó của Người đặt nền móng cho việc hình thành phương châm lấy giáo dục, thuyết phục làm chính và luôn coi trọng hoạt động phòng, ngừa trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm của Đảng và Nhà nước ta.

Ngày nay Bác Hồ đã đi xa nhưng hình ảnh, tâm hồn trong sáng, tư tưởng cao đẹp... của Người vẫn luôn gần gũi và toả sáng trên từng bước đi, nhịp sống của từng người dân yêu nước. Chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc hơn lời dạy của Người, từng tổ chức Đảng và đảng viên, cán bộ tự nghiên cứu xác định rõ nội dung phải phấn đấu, rèn luyện, gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của ngành mình và chức trách đảm nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi pháp luật là cơ sở để nhân dân làm chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là được làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Pháp luật tạo cho xã hội có trật tự kỷ cương; ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực của một số cơ quan và cán bộ, công chức; ngăn chặn một bộ phận công dân này xâm phạm quyền, lợi ích của một bộ phận công dân khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng bảo đảm tính nghiêm minh; hiệu lực và điều kiện thực hiện pháp luật. Người chỉ rõ: pháp luật của ta là pháp luật dân chủ nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân, mọi công dân đều bình đẳng và có quyền lợi, nghĩa vụ trước pháp luật, ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm khắc dù ở vị trí nào, muốn vậy pháp luật phải có các điều kiện: Pháp luật phải đúng và đủ, là chân lý, phù hợp với lợi ích của dân, phải đến được với dân, đi vào cuộc sống của người dân...

Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, kể từ khi thành lập cho đến nay, vấn đề rèn luyện phẩm chất đạo đức và trau dồi kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Kiểm sát luôn được các thế hệ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước (khi ngành Kiểm sát mới được thành lập), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đội ngũ cán bộ Kiểm sát phải thực hiện 5 đức tính: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Trải qua 47 năm xây dựng và trưởng thành, dù đã có những thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát cho phù hợp với quá trình phát triển của đất nước qua các thời kỳ, nhưng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong bối cảnh công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta đang được tiến hành thì việc học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát cần phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục đối với mỗi cán bộ, công chức của ngành Kiểm sát.

Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội của Viện kiểm sát các cấp những năm qua có thể thấy rằng: đối với đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ được phân công thực hiện khâu công tác này, việc vận dụng đúng và thực hiện đầy đủ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về 5 đức tính của cán bộ Kiểm sát, đặc biệt là các đức tính “khách quan”, “thận trọng” có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án, góp phần bảo đảm việc xử lý vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, đồng thời không bỏ lọt tội phạm. Thực tế hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội của Viện kiểm sát các cấp những năm qua đã cho thấy: Nhìn chung, lĩnh vực công tác này của Viện kiểm sát các cấp về cơ bản đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội có căn cứ và đúng pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì thực tế cũng đã cho thấy có những trường hợp do Viện kiểm sát, mà trước hết là Kiểm sát viên thụ lý vụ án đã chưa thực sự vận dụng đúng và thực hiện đầy đủ nội dung lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án, đã chưa thực sự “khách quan”, “thận trọng” trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ, đã “quá tin” vào kết quả điều tra của Cơ quan điều tra mà thiếu sự kiểm tra nên đã dẫn đến hậu quả là để xảy ra oan sai, phải đình chỉ vụ án do bị can không phạm tội hoặc do đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Tính “khách quan”, “thận trọng” của đội ngũ cán bộ Kiểm sát làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự nói chung, án trật tự xã hội nói riêng cần được thể hiện trong toàn bộ quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công, mà cụ thể là ngay từ khâu kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến toàn bộ quá trình điều tra và xem xét, quyết định việc truy tố. Việc kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu cùng với đức tính “khách quan”, “thận trọng” của Kiểm sát viên thụ lý vụ án sẽ hạn chế đến mức tối đa việc bỏ lọt tội phạm cũng như việc làm oan người vô tội, đồng thời giúp cho quá trình giải quyết các giai đoạn tiếp theo của vụ án được thuận lợi. Để bảo đảm tính “khách quan”, “thận trọng”, Kiểm sát viên thụ lý vụ án không được có định kiến trước về bản chất của vụ án đang được giải quyết. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ của vụ án cần phải được Kiểm sát viên tiến hành một cách tỉ mỉ, không bỏ sót bất cứ chi tiết nào, cần tránh việc nghiên cứu về các tình tiết của vụ án một cách qua loa, đại khái hoặc nghiên cứu một cách chủ quan, mang tính suy diễn. Thực tế đã cho thấy, chỉ cần một sơ suất nhỏ của Kiểm sát viên thụ lý vụ án cũng có thể ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Kể từ khi thành lập đến nay, ngành Kiểm sát nhân dân luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Viện kiểm sát các cấp đã có nhiều biện pháp quản lý việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra. Tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự. Ngành Kiểm sát đã tăng cường cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực, trình độ cho các bộ phận làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ đạo giải quyết nhiều vụ án trọng điểm... đã phát hiện và kiến nghị khắc phục các vi phạm trong hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, Toà án, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại vi phạm và tội phạm, khắc phục cơ bản tình trạng án oan, sai trong điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật...

Là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội, Vụ 1A có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với các cơ quan hữu quan để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật. Trong quá tình thực hiện nhiệm vụ, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan. Khi đã xảy ra oan, sai phải dũng cảm nhận sai lầm và bồi thường thiệt hại cho người bị oan và tổ chức xin lỗi người bị oan theo quy định của pháp luật... chủ động tham mưu cho các Cấp uỷ Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật... tạo được sự chủ động, hiệu quả cho công tác của đơn vị.

Học tập và noi theo tấm gương “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Bác Hồ kính yêu mà theo Bác là phẩm chất cần phải có đối với mỗi đảng viên của Đảng. Phẩm chất ấy phải được thể hiện qua hoạt động thực tiễn, trong đời sống, trong sinh hoạt và trong công việc cũng như học tập và thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải công minh, nghĩa là trong công việc phải luôn công bằng và sáng suốt, phải luôn rõ ràng và minh bạch. Cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Là người được giao “cầm cân nảy mực” giữ gìn cán cân công lý, quyết không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà bẻ cong cán cân công lý, mà đi ngược lại lợi ích tập thể để mưu lợi cá nhân... Do đó, người cán bộ Kiểm sát phải có bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Khi có một người bị bắt giam oan, truy tố oan, còn phải trăn trở. Đúng như cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ rõ: “Không có cơ quan Nhà nước nào có thể thay thế ngành Kiểm sát sử dụng quyền công tố, bắt, giam, tha, điều tra, truy tố, xét xử có đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không, điều đó chính là Viện kiểm sát phải trông nom bảo đảm làm tốt”, cũng như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng từng nói: “Một người bị tội oan, chẳng những người ấy đau khổ, mà gia đình, con cái họ càng đau khổ hơn, làm điều oan cho một người nào đó thì chúng ta không còn lẽ sống nữa, bởi chúng ta là người cộng sản”.

Tìm kiếm