CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TƯ CÁCH NGƯỜI CÁN BỘ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

05/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TƯ CÁCH NGƯỜI CÁN BỘ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

LƯƠNG VĂN THÀNH - Viện trưởng VKSND thành phố Hải Phòng

 

Trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta cũng như trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước, Hồ Chí Minh lúc nào cũng quan tâm đặc biệt tới vấn đề cán bộ. Theo Người “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”…, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(1).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ cách mạng được đề cập trong nhiều bài nói, bài viết của Người. Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc (tháng 2 năm 1948), Người đã đề ra những yêu cầu chuẩn mực về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác tư pháp trong chính quyền mới là: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên, các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”(2).

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được ra đời xuất phát từ yêu cầu khách quan của việc xây dựng bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa, từ yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Gần 50 năm qua, các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân đã, đang và sẽ mãi mãi ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và nói rất nhiều về đạo đức, tác phong của người cán bộ cách mạng. Người cho rằng điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm; đó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Cả cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn nhắc nhở, căn dặn người cán bộ cách mạng phải trau dồi đạo đức, Người khẳng định “người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vấn đề xây dựng bản lĩnh chính trị, bản chất giai cấp là mấu chốt của người cán bộ cách mạng. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị của người cán bộ Kiểm sát không thể tách rời bản lĩnh chung của người cán bộ cách mạng, người cán bộ Kiểm sát còn phải có bản lĩnh chính trị riêng được biểu hiện với 5 đức tính “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Năm đức tính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ Kiểm sát là một chuẩn mực cơ bản bao trùm nhất về phẩm chất, đạo đức, tư cách của người cán bộ Kiểm sát. Người cán bộ Kiểm sát phải công bình, sáng suốt trong quá trình giải quyết công việc để đảm bảo sự bình đẳng của mọi người; luôn ngay thẳng, trong từng việc nhỏ đến việc lớn phải biết được phải, trái, đúng, sai để xác định cho mình một quan điểm, một lập trường, một thái độ đúng đắn, khách quan khi giải quyết công việc, xử lý đúng pháp luật. Người cán bộ Kiểm sát phải cẩn thận khi giải quyết công việc, không được cẩu thả, phải nghiên cứu xem xét một cách đầy đủ, không được qua loa, đại khái dễ dẫn đến sai sót. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn, khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ cách mạng phải thật sự hiểu biết về phẩm chất, đạo đức, lối sống; phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng, đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải thật thà ngay thẳng, nghiêm túc tự phê bình và phê bình; phải khiêm tốn thực sự cầu thị, không chủ quan kiêu ngạo, có ý thức lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, nói đi đôi với làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, xem đó là kẻ địch hết sức nguy hiểm, Người chỉ ra chủ nghĩa cá nhân sinh ra trăm thứ bệnh như quan liêu, hách dịch, tham ô, lãng phí…

Nghiên cứu về 5 đức tính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ Kiểm sát, chúng ta thấy những lời dạy của Bác đều xuất phát từ những phẩm chất, đạo đức, tác phong, lối sống của người cán bộ cách mạng. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đã không ngừng phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng nhân cách theo lời dạy của Người đối với cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Trong tình thương yêu bao la với non sông, đất nước, với quân, dân cả nước nói chung, Bác Hồ kính yêu đã dành cho đồng bào, cán bộ chiến sỹ Hải Phòng một tình cảm sâu đậm, khó quên qua 9 lần người về thăm Hải Phòng.

Lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hải Phòng vào chiều ngày 20/10/1946, đây là lần đầu tiên quân và dân Hải Phòng được gặp Bác, vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, sau một năm Cách mạng tháng Tám thành công, ngay trước ngày Hải Phòng kháng chiến vừa đúng 01 tháng (20/11/1946). Ngày 23/01/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hải Phòng lần thứ chín, Bác thăm các thầy thuốc, công nhân viên chức Bệnh viện Việt Tiệp, đây là lần cuối cùng quân và dân thành phố Hải Phòng được đón Bác. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh gần gũi, thân thương và lời dạy ân cần của Bác vẫn còn in đậm trong trái tim khối óc của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ Hải Phòng. Đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, khích lệ Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, chung sức đồng lòng quyết tâm phấn đấu giành được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng phát triển thành phố.

Để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ thành phố Hải Phòng, đặc biệt là lời dạy của Bác đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân; trong suốt quá trình xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát, cán bộ, công chức ngành Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tích cực tham gia thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, giữ vững phẩm chất cách mạng, thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều tập thể, cá nhân đã khắc phục gian khổ, vượt qua những khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chất lượng công tác kiểm sát năm sau cao hơn năm trước. Nhiều tập thể và cá nhân đã giành được những thành tích quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Ngành, địa phương trao tặng những phần thưởng cao quý, cụ thể như: 06 đơn vị Viện kiểm sát quận, huyện, thị xã và các Phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát thành phố được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, ngành Kiểm sát Hải Phòng 2 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (1968, 1974), năm 1985 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai, năm 1996 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, 03 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc (1990, 1996, 2002), hàng trăm cán bộ, Kiểm sát viên được khen thưởng với nhiều hình thức. Những tập thể, cá nhân có thành tích được khen thưởng là những điển hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị, cơ quan, cá nhân cán bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng cần tích cực thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm thiết thực để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho Viện kiểm sát nhân dân. Thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công chức ngành Kiểm sát Hải Phòng hiểu rõ và đầy đủ hơn về tấm gương đạo đức của Người để xác định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn của người cán bộ Kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành Kiểm sát thông qua các biện pháp cụ thể như sau:

- Thường xuyên quán triệt, học tập các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm túc các quy định về những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ công chức, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong Ngành. Đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, chấp hành đúng quy định “những điều Đảng viên không được làm”.

- Đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đảm bảo việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động và các việc khác theo qui định của pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm sát thi hành án, tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của Ngành và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp.

- Tăng cường công tác củng cố đội ngũ cán bộ, quan tâm chú trọng đến nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Mỗi cán bộ, công chức trong Ngành phải không ngừng rèn luyện về phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ, trên cơ sở thấu suốt đường lối, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước, để nhanh chóng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm theo lời dạy của Bác là trách nhiệm to lớn của mỗi người chúng ta. Toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát Hải Phòng đã và đang ra sức thi đua thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tích cực thực hiện các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng Ngành luôn luôn trong sạch, vững mạnh, để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

__________________________

 

[1] Sách Hồ Chí Minh, trang 197.

2 Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.

3 Sách Hồ Chí Minh, trang 73.

Tìm kiếm