CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT

05/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh Quảng Ninh học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát

Lê Thị Kim Oanh - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh

 

Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát không chỉ là niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên mà còn là một biện pháp cơ bản, có ý nghĩa rất thiết thực, xuyên suốt quá trình xây dựng ngành Kiểm sát, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay khi mà chúng ta đang đứng trước bao khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.

Nhận thức sâu sắc vấn đề này, ngay từ những năm đầu đổi mới, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có Chương trình hành động và tổ chức phát động phong trào thi đua "Cán bộ Kiểm sát thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy'' nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh, coi đó là nội dung cốt lõi trong xây dựng Ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh có 255 cán bộ, Kiểm sát viên công tác tại 11 Phòng nghiệp vụ và 14 Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Quảng Ninh có môi trường công tác khá đa dạng, phức tạp nếu như ở các huyện miền núi, hải đảo, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, phong tục, tập quán lạc hậu, hạ tầng cơ sở còn yếu kém... thì ở các thị xã, thành phố, các khu công nghiệp của tỉnh tuy kinh tế phát triển nhưng cũng nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Quảng Ninh là tỉnh biên giới, có nhiều cửa khẩu thông thương với nước ngoài, có vùng biển rộng, chiều dài của tỉnh từ Đông sang Tây gần 300 km, điều kiện đi lại khó khăn... Những năm gần đây Quảng Ninh được coi là điểm nóng về nhiều loại án hình sự như: Buôn lậu qua biên giới, ma tuý. Tình hình trên cho thấy nếu không có những biện pháp đồng bộ, tích cực trong xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, nhất là công tác tư tưởng và tổ chức một cách hiệu quả thì ngành Kiểm sát Quảng Ninh khó có thể hoàn thành toàn diện được các nhiệm vụ được giao.

Ngày 22/01/1996, Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có Nghị quyết số 01 xác định những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, trong đó có nội dung yêu cầu cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện tốt lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát ''Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Đến ngày 05/01/1999, Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết này và triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 với chuyên đề là: Thi đua thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn'' nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 02, chúng tôi đã có chương trình hành động với nhiều biện pháp cụ thể, trong đó, điều quan tâm hàng đầu là làm sao cho mỗi cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung, yêu cầu của việc học tập; trên cơ sở đó tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy chế, quy định của Ngành trong thực thi nhiệm vụ cũng như trong sinh hoạt, học tập. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tổ chức thảo luận những nội dung về lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát; qua thảo luận đã làm cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức sâu sắc rằng 5 đức tính ''Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn'' của người cán bộ Kiểm sát là những đức tính rất cụ thể, thiết thực mà mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải học tập, làm theo bằng được.

Cũng qua thảo luận, chúng tôi đã có sự liên hệ, kiểm điểm sâu sắc đến từng đơn vị, từng đồng chí Kiểm sát viên, chuyên viên xem mình còn có những thiếu sót gì (thảo luận theo câu hỏi do Ban cán sự gợi ý). Sau khi thảo luận sâu về 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát, Ban Cán sự Đảng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có bản đăng ký thi đua gửi về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Quá trình thực hiện, chúng tôi luôn chú ý gắn việc học lập, làm theo lời Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát với việc thực hiện thắng lợi các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Sau khi triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02, chúng tôi đã quy định trong các báo cáo hàng quý, 6 tháng, các đơn vị đều phải có báo cáo đánh giá kết quả nội dung thi đua làm theo lời Bác. Hàng năm, từng đơn vị phải có kiểm điểm, đánh giá ưu khuyết điểm việc triển khai thực hiện Nghị quyết này. Đặc biệt, để tạo động lực cho việc học tập và làm theo lời dạy của Bác trong mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, chúng tôi rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Mở lớp hoặc cử cán bộ đi học các lớp về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị. Nếu như năm 1990 số cán bộ có trình độ Đại học, Cao đẳng mới chiếm 47% thì đến nay đã có gần 100% số Kiểm sát viên tốt nghiệp Cử nhân Luật và trung cấp chính trị trở lên. Để phát huy tinh thần rèn luyện, phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chủ trương gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với việc luân chuyển, sử dụng cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đối với 36 đồng chí là cán bộ lãnh đạo, quản lý, Kiểm sát viên ở các Phòng nghiệp vụ và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả đến nhận công tác ở các huyện biên giới, hải đảo có nhiều khó khăn như Cô Tô, Ba Chẽ, Tiên Yên... đồng thời rút một số Kiểm sát viên ở các đơn vị trên về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả để trực tiếp làm án hình sự. Sau khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm phấn đấu tốt lại trở về đơn vị cũ công tác. Do được tiến hành thận trọng, công khai, dân chủ, có kế hoạch chặt chẽ và có sự bàn bạc thống nhất trong tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện nên công tác luân chuyển cán bộ đã có nhiều thuận lợi và đạt kết quả tốt đẹp; 100% số cán bộ, Kiểm sát viên được luân chuyển đều yên tâm, phấn khởi lên đường làm nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, công tác luân chuyển cán bộ không chỉ tạo ra môi trường điều kiện mới để cán bộ trẻ có trình độ được tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành toàn diện, vững vàng hơn mà còn góp phần tạo nên sự đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ, đồng đều hơn về chất lượng, hiệu quả công việc ở các đơn vị.

Có thể nói, những năm qua đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân trong toàn tỉnh luôn có sự trưởng thành khá toàn diện, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, tuyệt đại đa số có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đạt 35%, nhiều năm liên tục Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh không có cán bộ, Kiểm sát viên vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng. Chất lượng, hiệu quả công tác được nâng lên rõ rệt; xứng đáng với niềm tin cậy, yêu mến của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần xây dựng ngành Kiểm sát ngày càng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt.

Qua thực tế triển khai việc học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, phải thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mỗi cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy; coi đó là tiêu chí phấn đấu, rèn luyện hàng đầu, là thước đo phẩm chất, năng lực của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình công tác. Điều quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục là phải làm sao nâng cao được tinh thần tự giác phấn đấu, ý thức trách nhiệm của mỗi người. Muốn vậy, phải coi trọng các hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt chính trị, nhất là sinh hoạt Đảng, các hội nghị giao ban... thông qua đó mà cổ vũ, động viên, khích lệ cán bộ, Kiểm sát viên không ngừng học tập, phấn đấu làm theo lời Bác, tạo nên một phong trào tự tu dưỡng rèn luyện của cán bộ, đảng viên, Kiểm sát viên, đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo đảm cho hoạt động của Ngành được khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.

Thứ hai, phải tăng cường sự lãnh đạo của Ban cán sự, Cấp uỷ Đảng và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc kiểm tra, đôn đốc, đấu tranh phê bình để xây dựng cho được đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ đảng viên, Kiểm sát viên. Đây là yếu tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định để việc học tập và làm theo lời Bác dạy thật sự trở thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi ở mỗi cơ quan, đơn vị. Thực tế cho thấy, ở đâu, lúc nào Cấp uỷ và người Thủ trưởng cơ quan quan tâm đến việc này thì ở đó phong trào sẽ đi vào chiều sâu, đạt chất lượng hiệu quả thiết thực. Nếu ngược lại, thì việc học tập, làm theo lời Bác dạy chỉ còn là hình thức. Theo tôi, trong tình hình hiện nay cần đặc biệt quan tâm hơn đến vai trò, trách nhiệm tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp phòng và Viện kiểm sát cấp huyện vì đây là đối tượng trực tiếp tác động đến việc học tập, tu dưỡng của các đồng chí cán bộ, Kiểm sát viên, nhân viên cơ quan.

Thứ ba, việc học tập và làm theo lời dạy của Bác phải được tiến hành thường xuyên, có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong từng thời kỳ, từng giai đoạn và các nội dung, cách thức tiến hành phù hợp với từng cơ quan, từng đối tượng. Trong thời điểm hiện nay cần gắn việc học tập làm theo lời Bác dạy cán bộ Kiểm sát với cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị số 06 của Bộ Chính trị cũng như gắn với các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, với cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khoá VIII) và cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng... Hàng năm cần tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Thứ tư,cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng cán bộ, cũng như đổi mới công tác thi đua khen thưởng, góp phần tạo động lực trực tiếp cho phong trào thi đua phấn đấu học tập và làm theo lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát.

Thứ năm, cần thường xuyên phối hợp với Cấp uỷ, chính quyền, nhất là Ban chi uỷ, tổ dân, khu phố nơi cán bộ, Kiểm sát viên, nhân viên cơ quan cư trú để nắm bắt diễn biến tư tưởng, quan hệ, lối sống, vai trò tiên phong gương mẫu của họ. Đối với các đảng viên, Kiểm sát viên, nhất là các đồng chí giữ cương vị lãnh đạo cần thường xuyên tổ chức cho quần chúng cơ quan tham gia đóng góp ý kiến. Đi liền với đó phải có quy chế hoạt động; chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật Đảng, kỷ luật Ngành; phê phán, đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực vi phạm phẩm chất đạo đức của người cán bộ Kiểm sát.

Tìm kiếm