Biên bản điều tra là văn bản tố tụng được lập theo Điều 133, Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS). Đây là loại văn bản ghi nhận, mô tả lại quá trình tiến hành và kết quả các hoạt động điều tra nhất định đã tiến hành như khám nghiệm hiện trường, hỏi cung bị can, thực nghiệm điều tra... Biên bản điều tra là một trong những nguồn chứng cứ, những tình tiết được ghi trong biên bản điều tra được tiến hành theo quy định của BLTTHS 2015 có thể được coi là chứng cứ.
Biên bản điều tra là văn bản tố tụng được lập theo Điều 133, Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đây là loại văn bản ghi nhận, mô tả lại quá trình tiến hành và kết quả các hoạt động điều tra nhất định đã tiến hành như khám nghiệm hiện trường, hỏi cung bị can, thực nghiệm điều tra... Biên bản điều tra là một trong những nguồn chứng cứ, những tình tiết được ghi trong biên bản điều tra (và biên bản về các hoạt động tố tụng khác) được tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có thể được coi là chứng cứ.
Thực tiễn kiểm sát các hoạt động điều tra, hoạt động thiết lập biên bản điều tra của Cơ quan điều tra (CQĐT) gặp một số bất cập, vướng mắc xuất phát từ chính quy định của pháp luật tố tụng hình sự, làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Trong bài viết, tác giả nêu ra một số kỹ năng kiểm sát biên bản điều tra theo Điều 133, Điều 178 BLTTHS năm 2015; những vướng mắc, bất cập khi áp dụng vào thực tiễn và có một số đề xuất, kiến nghị cụ thể để hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến biên bản điều tra, góp phần nâng cao giá trị chứng minh của chứng cứ khi sử dụng những biên bản này.
1. Kỹ năng kiểm sát biên bản điều tra
Hiện nay, hoạt động kiểm sát biên bản điều tra theo các điều 133, 178 BLTTHS năm 2015 có hai trường hợp là kiểm sát gián tiếp (thông qua các văn bản ghi nhận, mô tả lại quá trình tiến hành và kết quả các hoạt động điều tra nhất định đã tiến hành như khám nghiệm hiện trường, hỏi cung bị can, thực nghiệm điều tra... khi Kiểm sát viên không tham gia) và kiểm sát trực tiếp việc khám nghiệm hiện trường, hỏi cung bị can, thực nghiệm điều tra... của Điều tra viên.
- Kỹ năng kiểm sát gián tiếp biên bản điều tra: Đây là biện pháp mà Kiểm sát viên thường hay thực hiện nhất, vì nhiều lý do khác nhau mà Kiểm sát viên không thể tham gia kiểm sát trực tiếp hoạt động ghi nhận, mô tả lại quá trình tiến hành và kết quả các hoạt động điều tra nhất định của Điều tra viên hoặc có tham gia nhưng không đầy đủ, do vậy, hoạt động kiểm sát thông qua nghiên cứu các biên bản điều tra do Điều tra viên lập vẫn là chủ yếu. Khi kiểm sát biên bản điều tra, Kiểm sát viên cần chú ý những vấn đề sau đây:
+ Về trình tự, thủ tục, hình thức:
Kiểm sát viên cần chú ý về thể thức biên bản điều tra có được lập theo đúng biểu mẫu quy định không, chủ thể thực hiện biên bản điều tra có đúng không, Điều tra viên tiến hành lập biên bản điều tra có phải là người được Thủ trưởng CQĐT phân công bằng quyết định tố tụng không?
Đồng thời, kiểm sát việc ghi ngày, giờ, địa điểm thực hiện việc lập biên bản điều tra của Điều tra viên. Ví dụ, khi kiểm sát biên bản hỏi cung bị can phải được ghi giờ bắt đầu hỏi cung, giờ kết thúc. Việc ghi đầy đủ, chính xác ngày, giờ hỏi cung còn có ý nghĩa rất quan trọng khi kiểm sát hoạt động của Điều tra viên tuân thủ quy định của BLTTHS trong những trường hợp tiến hành hỏi cung bị can vào ban đêm (từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau), trường hợp không thể trì hoãn thì ghi rõ lý do vào biên bản. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu lời khai theo tuần tự thời gian sẽ đánh giá được diễn biến tâm lý của bị can, có bị can giai đoạn đầu quanh co chối tội nhưng giai đoạn sau lại khai báo trung thực, thành khẩn hoặc ngược lại.
Kiểm sát về hình thức của biên bản điều tra có đúng theo quy định của pháp luật hay không. Ví dụ: Khi ghi chép nội dung biên bản hỏi cung, Điều tra viên chỉ được sử dụng một màu mực, những phần nội dung bị tẩy xóa cần được bị can ký xác nhận, phần giấy trắng còn thừa phải được gạch bỏ; kết thúc buổi hỏi cung, Điều tra viên đọc lại cho bị can và những người tham gia tố tụng nghe về nội dung biên bản đã lập hoặc để cho bị can, người phiên dịch, Luật sư tự đọc lại biên bản, sau đó bị can phải ký xác nhận vào từng trang của biên bản, nhất là ký tại các phần giáp lai giữa các trang; người phiên dịch, Luật sư, người giám hộ khi tham gia vào hoạt động hỏi cung cũng phải ký xác nhận vào từng trang của biên bản; Điều tra viên thực hiện hỏi cung, người ghi biên bản giúp cho Điều tra viên cũng ký tên, chữ ký của Điều tra viên phải được đóng dấu của CQĐT nơi Điều tra viên đang công tác theo quy định về trách nhiệm của Điều tra viên trong việc sử dụng các biểu mẫu tố tụng và con dấu (Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12/01/2006 của Bộ Công an hướng dẫn một số nội dung của Điều 35 BLTTHS và khoản 2 Điều 41 Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 của Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân).
+ Về nội dung của biên bản điều tra:
Khi kiểm sát nội dung của biên bản điều tra, Kiểm sát viên phải nghiên cứu, tổng hợp toàn bộ nội dung các biên bản điều tra do Điều tra viên lập. Yêu cầu của hoạt động kiểm sát này đòi hỏi mỗi Kiểm sát viên phải có sự nhanh nhạy, có khả năng tổng hợp và phân tích để tóm lược được các vấn đề cốt lõi của vụ án, xây dựng thành nội dung vụ án, mô tả được diễn biến về hành vi phạm tội đã xảy ra; cần phải làm rõ được diễn biến về hành vi của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đó như thế nào, thực hiện một mình hay có đồng phạm, trước khi thực hiện hành vi phạm tội thì có sự bàn bạc, thống nhất về phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm và che giấu hành vi phạm tội hay không, đặc điểm nhận biết ra sao;… Kiểm sát viên cần đối chiếu nội dung của các biên bản điều tra với nhau và với các nội dung có trong các tài liệu khác để phát hiện ra các vấn đề còn mâu thuẫn trong lời khai, những vấn đề chưa được làm rõ. Qua đó, có thể đánh giá được hoạt động của Điều tra viên, nếu Điều tra viên chưa sử dụng hợp lý các chiến thuật và phương pháp điều tra thì Kiểm sát viên sẽ thực hiện quyền yêu cầu của mình nhằm khắc phục, định hướng hoạt động điều tra của Điều tra viên.
Để kiểm sát tốt nội dung của biên bản điều tra, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên thực hiện tốt việc chuyển giao tài liệu, chứng cứ mà hoạt động điều tra không có Kiểm sát viên tham gia theo khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015. Đây cũng là phương thức để nắm chắc tiến độ điều tra của Điều tra viên nhằm để phát hiện những mâu thuẫn trong các biên bản điều tra chưa được làm rõ hoặc còn thiếu chưa được thu thập, để từ đó để trao đổi trực tiếp hoặc bổ sung yêu cầu điều tra để Điều tra viên thực hiện.
Ví dụ: Khi kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của Điều tra viên thông qua nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (Điều 9) đối với trường hợp Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát: Kiểm sát viên phải kiểm tra việc Điều tra viên thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thể hiện thông qua nội dung các biên bản theo quy định tại các điều 6, 7, 8 Quy trình tạm thời số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kiểm sát việc ghi âm ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình. Nếu xét thấy cần thiết thì yêu cầu Điều tra viên chuyển giao cho Kiểm sát viên dữ liệu lưu trữ (file ghi âm, ghi hình có âm thanh).
- Kỹ năng kiểm sát trực tiếp:
+ Công tác chuẩn bị:
Trước khi tiến hành hoạt động kiểm sát, Kiểm sát viên phải chủ động nắm tình hình hoặc nội dung vụ án, hoặc những mâu thuẫn trong vụ án… Tùy vào từng trường hợp, Kiểm sát viên có các cách thức cho công tác chuẩn bị khác nhau. Ví dụ: Khi kiểm sát việc khám nghiệm, lập biên bản khám nghiệm hiện trường thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên thông báo nội dung, diễn biến ban đầu của sự việc xảy ra để tham gia ý kiến vào việc chuẩn bị khám nghiệm. Phối hợp với Điều tra viên, người có chuyên môn để thống nhất nội dung, kế hoạch, trình tự khám nghiệm hiện trường, bảo đảm khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.
+ Nội dung tiến hành:
Khi tham gia kiểm sát việc lập biên bản điều tra của Điều tra viên, Kiểm sát viên cần phải đảm bảo việc lập biên bản điều tra của Điều tra viên đúng quy định pháp luật tố tụng hình sự và Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (Quy chế số 111). Tùy theo từng loại hoạt động khi kiểm sát biên bản điều tra mà Kiểm sát viên sẽ có những cách thức khác nhau. Ví dụ: Khi kiểm sát việc lập biên bản khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải kiểm sát bảo đảm thành phần tham dự, thủ tục khám nghiệm theo khoản 2 Điều 201 BLTTHS năm 2015, thực hiện các hoạt động theo khoản 3 Điều 201 BLTTHS và Điều 30 Quy chế số 111. Đặc biệt, Kiểm sát viên cần chú ý, phát hiện kịp thời những sai sót đó để yêu cầu khắc phục kịp thời, Kiểm sát viên phải ký vào từng trang của biên bản để tránh tình trạng làm mất mát, xáo trộn sau này.
2. Một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện
Thực tiễn kiểm sát việc áp dụng các quy định và biểu mẫu của CQĐT còn gặp một số vướng mắc, bất cập đối với quá trình thiết lập các biên bản điều tra, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chưa thống nhất trong cách hiểu về hoạt động lập biên bản điều tra của CQĐT.
Điều 178 BLTTHS năm 2015 quy định: “Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định”. Hiện nay, có các ý kiến khác nhau khi kiểm sát hoạt động này:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, việc thiết lập biên bản điều tra chỉ do Điều tra viên, Cán bộ điều tra trực tiếp thực hiện (trực tiếp ghi các nội dung vào biên bản điều tra).
Trong trường hợp này, biên bản điều tra phải do Điều tra viên, Cán bộ điều tra của CQĐT tiến hành hoạt động điều tra đó trực tiếp lập. Người lập biên bản điều tra còn có thể là cán bộ được phân công điều tra của đơn vị Bộ đội biên phòng, đơn vị Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.
Ý kiến thứ hai cho rằng, việc thiết lập biên bản điều tra là một hoạt động do Điều tra viên, Cán bộ điều tra chủ trì tổ chức, trong đó người viết, ghi các nội dung cụ thể vào biên bản điều tra được tiến hành theo sự phân công của người chủ trì. Đó có thể là cán bộ thuộc CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng chưa được bổ nhiệm Điều tra viên hoặc cán bộ điều tra. Người viết, ghi các nội dung vào biên bản cũng có thể là người có chuyên môn tham gia quá trình điều tra (Giám định viên pháp y, cán bộ kỹ thuật hình sự trong khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường…) theo sự phân công của Điều tra viên chủ trì.
Tác giả đồng tình với ý kiến thứ hai, khi kiểm sát hoạt động lập biên bản điều tra cần phải hiểu việc lập biên bản là một hoạt động do Điều tra viên chủ trì, trong đó Điều tra viên có thể phân công Điều tra viên khác, Cán bộ điều tra hoặc người có chuyên môn viết. Do những biên bản này đều có chữ ký của Điều tra viên với vai trò chủ trì nên vẫn đảm bảo giá trị pháp lý theo quy định.
Theo tác giả, liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành hướng dẫn chi tiết việc lập biên bản điều tra gắn với các hoạt động điều tra cụ thể, trong đó cần theo hướng Điều tra viên là người chủ trì và có thể phân công người viết biên bản phù hợp (người có chuyên môn viết biên bản đối với một số hoạt động như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi…).
Thứ hai, chưa có hệ thống biểu mẫu biên bản điều tra sử dụng cho cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên và Công an cơ sở.
Một số quy định của Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 không đảm bảo tính thống nhất với quy định của BLTTHS năm 2015, đặc biệt là quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự. Cụ thể, tại các điều luật cụ thể của BLTTHS năm 2015 quy định một số hoạt động tố tụng như triệu tập và hỏi cung bị can (Điều 182, Điều 183); triệu tập người làm chứng (Điều 185); triệu tập lấy lời khai người bị hại, đương sự (Điều 188); thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông (Điều 197); tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét (Điều 198); khám nghiệm hiện trường (Điều 201) do Điều tra viên thuộc CQĐT hình sự có thẩm quyền tiến hành mà không quy định cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền tiến hành. Điều 33 Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 và Điều 40 BLTTHS năm 2015 lại quy định những hoạt động này cũng được giao cho cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền tiến hành.
Tuy nhiên, trong một số biểu mẫu được quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự chỉ ghi “Điều tra viên chủ trì” mà không ghi “Người chủ trì” tại phần các chữ ký. Do đó, trường hợp Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chủ trì tiến hành các hoạt động điều tra nêu trên thì không có vị trí để họ ký tên. Họ cũng không thể ký vào vị trí “Điều tra viên chủ trì”. Nếu họ ký tại vị trí “người lập biên bản” hoặc “người tham gia” thì không hợp lý. Việc này gây ra nhiều bất cập trong thực tiễn kiểm sát việc thiết lập biên bản điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra.
Ngoài ra, theo quy định của BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì Kiểm sát viên và Công an cơ sở (Công an phường, thị trấn,...) cũng có thẩm quyền lập một số biên bản. Ví dụ: Trong thời hạn quyết định việc truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS năm 2015, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, nếu thấy có căn cứ và cần thiết, Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định việc trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra như triệu tập, hỏi cung bị can (các điều 182, 183); triệu tập, lấy lời khai người làm chứng (các điều 185, 186); triệu tập, lấy lời khai bị hại, đương sự (Điều 188), tiến hành đối chất, nhận dạng (các điều 189, 190); thực nghiệm điều tra (Điều 204); trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản (các điều 205, 215);… và các hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS, tương tự như một số hoạt động điều tra mà Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành trong giai đoạn điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch số 04/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về việc phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS. Như vậy, hiện nay vẫn chưa có biểu mẫu phù hợp với loại chủ thể này.
Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, theo tác giả, liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành hệ thống biểu mẫu trong điều tra hình sự kèm theo hướng dẫn chi tiết việc lập biên bản điều tra như đã nêu, trong đó các biên bản điều tra cần điều chỉnh mục ký “Điều tra viên chủ trì” thành Cán bộ điều tra hoặc Kiểm sát viên nếu những người này trực tiếp lập biên bản hoặc có thể ban hành hệ thống biểu mẫu riêng cho cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên và Công an cơ cở.
Thứ ba, một số biên bản điều tra yêu cầu bắt buộc phải viết tay trong khi BLTTHS không yêu cầu.
Tại Thông tư số 61/2017 ban hành mẫu Biên bản hỏi cung bị can, Biên bản ghi lời khai, Biên bản đối chất có chú thích rõ “biên bản này phải viết tay, không được đánh máy”. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 không cấm việc đánh máy khi lập biên bản. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tiếp nhận, ban hành văn bản đã trở thành phổ biến ở cơ quan Nhà nước...; việc in văn bản hiện nay được thực hiện dễ dàng, hơn nữa qua thực tiễn xét thấy việc đánh máy biên bản sẽ khắc phục được trường hợp biên bản viết tay chữ khó đọc, khó khăn trong việc nghiên cứu hồ sơ ở các giai đoạn tiếp theo; nếu đánh máy sẽ thuận lợi trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung biên bản theo yêu cầu của bị can, đương sự; việc vi phạm “sao chép”, “cắt dán”… nội dung biên bản chỉ là cá biệt và tại các điều 133, 178, 183, 184, 186, 187 và 188 BLTTHS năm 2015 đã quy định chặt chẽ về trình tự thủ tục những việc Điều tra viên phải làm khi lập biên bản hỏi cung bị can và lấy lời khai những người tham gia tố tụng khác. Vì vậy, Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai phạm.
Mặt khác, theo Danh mục mẫu ban hành văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) thì Mẫu số 125, 126 là biên bản lấy lời khai và biên bản hỏi cung bị can không quy định “phải được viết tay”. Ở giai đoạn xét xử, hiện nay tại phiên tòa, các thư ký Tòa án đều sử dụng máy vi tính tác nghiệp biên bản phiên tòa.
Để thống nhất áp dụng, theo tác giả, liên ngành tư pháp trung ương cần hướng dẫn chi tiết về việc lập biên bản điều tra như đã nêu và đối với các biên bản điều tra (kể cả các biên bản tố tụng khác) cần bỏ yêu cầu “phải viết tay, không được đánh máy”, để việc thiết lập các biên bản điều tra được thống nhất với quy định của BLTTHS về việc hỏi cung, ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh và phù hợp với yêu cầu thực tiễn./.
Ths. Hoàng Ngọc Anh