Sáu tháng đầu năm 2018, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã tiếp thu, quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát...
Sáu tháng đầu năm 2018, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã tiếp thu, quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về công tác của ngành năm 2018; nỗ lực phấn đấu, đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2018 đã đề ra. Một số kết quả nổi bật đạt được, là:
Một là, chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được nâng lên, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Toàn ngành tập trung đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành các thông tư, quy chế hướng dẫn thực hiện các đạo luật mới về tư pháp; triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp theo quy định mới của luật; kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; ban hành hơn 37.000 văn bản yêu cầu xác minh, giải quyết (tăng 36,7%) và hơn 35.000 bản yêu cầu điều tra (chiếm 97,4% số vụ án mới khởi tố, tăng 15,1%); yêu cầu khởi tố 384 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiểm sát chặt chẽ việc bắt, tạm giữ nên tỷ lệ chuyển xử lý hình sự cao; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn và tội danh đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội; tỷ lệ vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Toàn ngành đã phối hợp xác định gần 3.000 vụ án trọng điểm, chiếm 8,3% số án mới khởi tố, tăng 0,9%, tổ chức hơn 2.000 phiên tòa để rút kinh nghiệm và 1.000 phiên tòa hình sự xét xử lưu động, góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, ngày càng khẳng định vai trò của Viện kiểm sát trong chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, góp phần quan trọng bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Đặc biệt, VKSND tối cao đã quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; thực hiện hiệu quả chủ trương biệt phái Kiểm sát viên; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, trong thời gian rất ngắn đã điều tra, truy tố và đưa ra xét xử một số vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng... Kết quả giải quyết các vụ án được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Tiếp tục tăng cường năng lực cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao, từng bước bảo đảm thực hiện tốt thẩm quyền điều tra mới. Số vụ án thụ lý thuộc thẩm quyền tăng 62,8%; trong đó, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực dân sự, hành chính, thi hành án hình sự, dân sự, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo,... được chú trọng hơn và đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn ngành quán triệt thực hiện nghiêm nhiều chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng VKSND tối cao; tích cực phối hợp xây dựng, ban hành các thông tư liên tịch; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn hướng dẫn công tác nghiệp vụ; tích cực trực tiếp kiểm sát các hoạt động tư pháp; phối hợp tổ chức hơn 1.000 phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, dân sự (tăng 34%). Thông qua công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, đã ban hành hơn 5.000 kháng nghị, kiến nghị (tăng 9,8%), yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm pháp luật; chỉ tiêu kháng nghị vượt 3,7%, kiến nghị vượt 15,1% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội.
Hai là, tập trung hướng dẫn thi hành các đạo luật mới về tư pháp.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tích cực phối hợp xây dựng, chỉnh lý 10 dự án luật theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, nhất là các đạo luật liên quan trực tiếp đến công tác của ngành. Chủ động phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết các đạo luật về tư pháp (đã chủ trì phối hợp xây dựng, ban hành 03 thông tư liên tịch, đang hoàn thiện 05 thông tư liên tịch). Phối hợp xây dựng 40 văn bản quy phạm pháp luật. Nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong áp dụng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác.
Toàn ngành triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 14/9/2017 về tăng cường công tác xây dựng, tổ chức thi hành luật và Kế hoạch số 90/KH-VKSTC ngày 10/8/2017 về triển khai thi hành các luật, nghị quyết Quốc hội mới ban hành; tổ chức 189 cuộc hội thảo, hội nghị tập huấn về nội dung các luật, nghị quyết của Quốc hội và công tác nghiệp vụ. Đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định nghiệp vụ của ngành, bảo đảm phù hợp với quy định mới của các đạo luật về tư pháp.
Ba là, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.
Toàn ngành tiếp thu, quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tổ chức cán bộ; kiện toàn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế trong toàn ngành; chú trọng kiện toàn lãnh đạo chủ chốt VKSND các cấp, nhất là lãnh đạo VKSND tối cao; thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ cấp lãnh đạo, quản lý để đào tạo, thử thách, rèn luyện; thực hiện việc sắp xếp, bố trí công chức phù hợp với vị trí việc làm, phát huy năng lực, sở trường; điều chuyển, bố trí nhiều Lãnh đạo cấp vụ thuộc VKSND tối cao, Lãnh đạo VKSND cấp cao. Tổ chức thi tuyển chọn và bổ nhiệm 1.145 Kiểm sát viên các cấp; đã cử hơn 1.600 lượt công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Viện kiểm sát các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tổ chức quán triệt đến Đảng viên, công chức, viên chức Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW ngày 22/3/2018 của Ủy ban kiểm tra Trung ương về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bốn là, kỷ cương, kỷ luật trong ngành tiếp tục được tăng cường.
Viện kiểm sát các cấp triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; quán triệt, thực hiện phương châm lãnh đạo phải “công tâm, công bằng, gương mẫu” trong quản lý, điều hành, cấp dưới phải “trung thực, trách nhiệm, tận tụy” trong công việc; tăng cường chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, kỷ luật; kiện toàn tổ chức, nâng hiệu quả công tác thanh tra, chú trọng thanh tra đột xuất; đổi mới công tác kiểm tra. Trong kỳ, Viện kiểm sát các cấp đã thanh tra hơn 1.600 cuộc, tăng 20,7%; thực hiện hơn 500 cuộc kiểm tra, tập trung kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mới của VKSND, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm, thiếu sót, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng công tác.
Năm là, từng bước bảo đảm điều kiện hoạt động của ngành.
VKSND tối cao đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế; tích cực nghiên cứu, đề xuất đàm phán và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm; triển khai xây dựng, thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện nhiều biện pháp, từng bước nâng cao vai trò, hiệu quả công tác của các cơ quan báo chí, tuyên truyền trong ngành; triển khai xây dựng bộ phim truyền hình về ngành.
VKSND tối cao tăng cường quản lý, chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực hiện công tác kế hoạch - tài chính và điều chỉnh kinh phí chi thường xuyên cho phù hợp với thực tế yêu cầu công tác; thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất, bảo đảm các điều kiện cho ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; khẩn trương thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng dự án và khẩn trương đưa trụ sở mới cơ quan VKSND tối cao vào sử dụng.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, toàn ngành còn một số hạn chế, thiếu sót như: Tiến độ giải quyết các vụ việc hình sự chưa đạt chỉ tiêu của ngành, của Quốc hội; chưa gắn chặt giữa công tố với điều tra; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương còn chiếm tỷ lệ cao; một số đơn vị chậm phát hiện vi phạm trong các bản án sơ thẩm để kháng nghị; số lượng, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đều giảm; tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường rất thấp; nhiều quy định mới của pháp luật nhận thức chưa thống nhất nhưng chưa được hướng dẫn; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành chưa nhiều, hiệu quả chưa cao...
Những hạn chế, tồn tại trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một số công chức, cán bộ lãnh đạo các cấp còn hạn chế; lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự gương mẫu và làm tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; nhiều quy định mới của pháp luật còn chậm có hướng dẫn thi hành; nhiều nhiệm vụ được tăng thêm theo quy định của luật nhưng Viện kiểm sát các cấp còn thiếu biên chế, chưa đủ cán bộ có chức danh tư pháp; cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của toàn ngành đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên là:
Nhiều quy định mới của các đạo luật về tư pháp đã có hiệu lực thi hành nhưng nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và trong ngành còn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của VKSND.
Thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhiệm vụ của Viện kiểm sát tăng lên rất nhiều, xuyên suốt từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; đặc biệt, việc thực hiện quy định Kiểm sát viên phải tham gia một số hoạt động điều tra và trực tiếp điều tra đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với đơn vị có địa bàn rộng, chưa bố trí đủ công chức, Kiểm sát viên.
Công tác kiểm sát việc giải quyết các tranh chấp về hành chính, kinh doanh thương mại, lao động liên quan đến nhiều lĩnh vực, do nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, quá trình thu thập chứng cứ gặp khó khăn nên việc giải quyết gặp khó khăn. Việc rút hồ sơ để nghiên cứu, xem xét giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Trình độ, năng lực của đội ngũ công chức, Kiểm sát viên và số lượng biên chế chưa đủ để đáp ứng về khối lượng và yêu cầu nhiệm vụ. Kinh phí phân bổ như hiện nay chưa bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ của ngành theo quy định mới của luật, nhất là nhiệm vụ chống oan, sai. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số trường hợp chưa hiệu quả.
Sáu tháng cuối năm 2018, toàn ngành tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị công tác năm 2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, trong đó, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt điều tra theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nâng cao các chỉ tiêu nghiệp vụ, đặc biệt là chỉ tiêu khởi tố, yêu cầu khởi tố, không để xảy ra các trường hợp đình chỉ bị can do không phạm tội, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính; hoàn thành tốt chỉ tiêu kháng nghị hình sự và giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự.
Toàn ngành tập trung giải quyết tốt các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính các cấp theo dõi, đôn đốc; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Thứ hai, phối hợp, đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn, các lớp bồi dưỡng chuyên sâu để thống nhất nhận thức, thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát theo quy định mới của các đạo luật về tư pháp; xây dựng, hoàn thiện các quy trình, kỹ năng trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, tạo sự chuyển biến về hành động, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát.
Thứ ba, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp theo Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII; kiện toàn Lãnh đạo VKSND tối cao; đánh giá và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực hiện có; thực hiện việc luân chuyển, điều động, biệt phái Kiểm sát viên giữa Viện kiểm sát các cấp. Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm, nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ, công chức; tích cực xây dựng, áp dụng phần mềm vào quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của ngành; sử dụng hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin hiện có.
Thứ năm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất; quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ sáu, xây dựng các đề án và thực hiện nhiều giải pháp tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí, chế độ đặc thù bảo đảm cho hoạt động của ngành; khai thác hiệu quả trụ sở mới của VKSND tối cao./.
Nguyễn Tiến Long,
Chánh Văn phòng VKSND tối cao