Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Thị Ngọc Ánh cùng đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại tỉnh TG, VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện một số thiếu sót trong việc ban hành kháng nghị phúc thẩm nên ra Thông báo số 18/VC3-V1 để các VKS địa phương tham khảo rút kinh nghiệm.
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Thị Ngọc A. cùng đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại tỉnh TG, VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện một số thiếu sót trong việc ban hành kháng nghị phúc thẩm nên ra Thông báo số 18/VC3-V1 để các VKS địa phương tham khảo rút kinh nghiệm.
Tóm tắt nội dung vụ án: Trong khoảng thời gian từ 2010-2011, mặc dù không có giấy phép kinh doanh bất động sản và lợi dụng sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan Nhà nước, Phạm Thị Ngọc A. thực hiện kinh doanh bất động sản bằng cách mua đất rồi yêu cầu chủ đất ký hợp đồng ủy quyền cho bị cáo được tặng, cho, thế chấp quyền sử dụng đất nhưng thực chất đây là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua hình thức san lấp mặt bằng phân lô bán lại thu lợi nhuận. Thông qua hình thức kinh doanh trái phép này, bị cáo A. thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người gồm những người chủ có diện tích đất cần bán và người mua đất được phân lô bán lại, bằng thủ đoạn: Cùng một diện tích đất nhưng bị cáo A. vừa thế chấp vay vốn, vừa phân lô bán lại cho người khác, cùng 1 lô đất nhưng bị cáo lập hợp đồng chuyển nhượng cho nhiều người, hoặc sau khi đã nhận tiền của những người mua đất được phân lô, bị cáo không thanh toán cho chủ đất nhằm chiếm đoạt. Bằng thủ đoạn này, bị cáo Phạm Thị Ngọc A. lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 51 người với tổng số tiền là 5.227.550.000 đồng để tiêu xài cá nhân, sau đó bỏ trốn.
Vụ án còn có các bị cáo khác như:
- Bị cáo Phạm Hữu T. (em ruột của bị cáo A. ) là người trực tiếp tìm người mua đất, cấp phiếu nhận hồ sơ và nhận tiền từ các bị hại về giao lại cho A. , hưởng lương mỗi ngày 300.000 đồng. Mỗi lô đất bán được, bị cáo Tiến được A. chia số tiền 1.000.000 đồng.
- Bị cáo Dương Văn Ph. (cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất - Phòng Tài nguyên môi trường thành phố MT) thực hiện việc cấp 17 phiếu nhận hồ sơ khống để bị cáo A. lừa đảo 17 bị hại, chiếm 1.553.250.000 đồng.
- Bị cáo Nguyễn Tấn Ph. (cán bộ địa chính xã TA) mặc dù biết rõ thửa đất của ông Trương Hoàng Th. và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn đang cầm cố tại Ngân hàng, không được phép chuyển nhượng nhưng bị cáo vẫn kết hợp với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đo, phân lô, tách thửa, vẽ sơ đồ bản vẽ và cấp phiếu nhận hồ sơ khống để bị cáo A. tạo lòng tin chiếm đoạt của 09 bị hại với tổng số tiền 795.000.000 đồng.
Ngoài ra, vụ án còn có các bị cáo: Nguyễn Thế Bằng V., Nguyễn Thị Ph., Lê Thị Th.
Quá trình giải quyết vụ án: Bản án hình sự số 37/2017/HSST ngày 28/8/2017 của TAND tỉnh TG quyết định:
- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 45 và Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Thị Ngọc A. mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 45 và Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Hữu T. 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 47, Điều 45 và Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Dương Văn Ph. 07 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139; điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 47, Điều 45 và Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn Ph. 05 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. (Ngoài ra, TAND tỉnh TG còn tuyên phạt các bị cáo khác).
Sau khi xét xử sơ thẩm, VKSND tỉnh TG phát hiện bản án có một số vi phạm nên đã ban hành kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐ-VKS-P2 ngày 12/9/2017. Ngày 09/4/2018, TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án, chấp nhận một phần kháng nghị về phần áp dụng điều luật và trách nhiệm dân sự; không chấp nhận một phần kháng nghị và kháng cáo về hình phạt đối với các bị cáo.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm: Đây là vụ án khá phức tạp, nhưng VKSND tỉnh TG qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã phát hiện những vi phạm của bản án để kháng nghị kịp thời. Cụ thể là:
Thứ nhất: Bản án tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Ngọc A. tù chung thân nhưng lại áp dụng Điều 33 BLHS về tù có thời hạn, chứ không áp dụng Điều 34 BLHS về tù chung thân. Như vậy là áp dụng sai điều luật.
Thứ hai: Bị cáo Phạm Hữu T. tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo A. chiếm đoạt của 51 bị hại với tổng số tiền là 5.227.550.000 đồng, được ăn chia tiền nhưng trong bản án sơ thẩm không buộc bị cáo T. liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Như vậy là không đúng quy định Điều 42 BLHS.
Với những phát hiện trên, kháng nghị của VKSND tỉnh TG đã được VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận một phần (phần áp dụng điều luật và trách nhiệm dân sự).
Tuy nhiên, phần kháng nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo Dương Văn Ph. và Nguyễn Tấn Ph. chỉ nêu trong phần nhận định mà không đề nghị rõ tại phần quyết định. Mặt khác, phần nhận định của kháng nghị chỉ nêu chung chung là bản án sơ thẩm xử phạt các bị cáo này mức án quá nhẹ, chưa đúng với tính chất và hành vi phạm tội mà chưa chỉ ra được những vi phạm của bản án trong việc áp dụng hình phạt đối với hai bị cáo ở chỗ nào, chưa đi sâu lập luận, phân tích, làm rõ căn cứ thể hiện hình phạt mà bản án đã tuyên đối với các bị cáo là quá nhẹ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, với hậu quả xảy ra, với những quy định của pháp luật và với diễn biến xấu của loại tội này trong thực tiễn ở địa phương mà cần phải tăng hình phạt để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như tính giáo dục răn đe phòng ngừa.
Đặc biệt là phần quyết định của kháng nghị chỉ ghi: “Đề nghị TAND cấp cao tại TP. HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án số 37/2017/HSST ngày 28/8/2017 của TAND tỉnh TG.” mà không nêu rõ sửa như thể nào? Sửa phần nào? Tội danh, hình phạt hay bồi thường dân sự? Tăng hay giảm hình phạt? Sửa đối với bị cáo nào?... Phần quyết định của bản kháng nghị do VKSND tỉnh TG ban hành không đạt yêu cầu nêu trong biểu mẫu số 138 ban hành theo Quyết định số 960/2007/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2007 của Viện trưởng VKSND tối cao, nay là mẫu số 15/XP ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về ban hành quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự. Do việc lập luận không chặt chẽ, thiếu căn cứ thuyết phục, chưa chỉ rõ những vi phạm trong việc áp dụng pháp luật của bản án sơ thẩm cùng với việc chưa đề nghị cụ thể nội dung sửa án trong phần quyết định của kháng nghị dẫn đến Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận phần tăng hình phạt đối với bị cáo Dương Văn Ph. và Nguyễn Tấn Ph.
Thanh Hằng
(Tổng hợp)