CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Liên ngành Tư pháp tỉnh Đắk Lắk ký ban hành Hướng dẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tố tụng hình sự

12/09/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua lãnh đạo Liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ký Hướng dẫn liên ngành số 698/HD-LN ngày 27/8/2012 hướng dẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự: Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao đăng nội dung của bản Hướng dẫn để các Viện kiểm sát địa phương tham khảo:..
Liên ngành Tư pháp tỉnh Đắk Lắk ký ban hành
 Hướng dẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tố tụng hình sự
Vừa qua lãnh đạo Liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ký Hướng dẫn liên ngành số 698/HD-LN ngày 27/8/2012 hướng dẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự: Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao đăng nội dung của bản Hướng dẫn để các Viện kiểm sát địa phương tham khảo:
1. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo:  Lãnh đạo các đơn vị Công an, Kiểm sát, Tòa án cấp huyện phải phân công cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo qui định của pháp luật.
2. Việc xác định đơn thuộc thẩm quyền: Quá trình tiến hành giải quyết cần phân biệt cụ thể, chính xác các đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tư pháp theo qui định tại các Điều 329, 330, 331, 332, 333, 337 Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể là:
- Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện qui định tại Điều 329, 337 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003,gồm có: Đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động điều tra của phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ Công an trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng, như: bắt, tạm giữ trong trường hợp phạm tội quả tang, khám xét khẩn cấp, các hành vi trong quá trình hỏi cung, thu thập chứng cứ mà người khiếu nại, tố cáo cho rằng vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ;  Khiếu nại các bản kết luận điều tra, quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, quyết định xử lý vật chứng… do Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ký.
- Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện quy định tại các Điều 329, 330, 332, 333, 337 Bộ luật Tố tụng hình sự, gồm có: Đơn khiếu nại, tố cáo cán bộ, Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng liên quan trong việc tham gia kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, khiếu nại lệnh bắt khẩn cấp của cơ quan điều tra do Viện kiểm sát phê chuẩn, quyết định gia hạn tạm giữ, lệnh bắt tạm giam, gia hạn tạm giam, quyết định khởi tố bị can, quyết định xử lý vật chứng, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, khiếu nại quyết định truy tố do Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân ký thay, khiếu nại kêu oan của các bị can, khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, khiếu nại bản kết luận điều tra do Thủ trưởng Cơ quan điều tra ký, khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo lần đầu của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cùng cấp liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự.
- Đơn thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện quy định tại Điều 331, 337 Bộ luật Tố tụng hình sự gồm có: Đơn khiếu nại tố cáo liên quan đến hành vi và quyết định của Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Toà án nhân dân trong hoạt động tố tụng của giai đoạn xét xử như  khiếu nại các quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ xét xử vụ án, quyết định thay đổi hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, quyết định xử lý vật chứng.
3. Về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết đơn: Yêu cầu phải chấp hành nghiêm túc qui định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Thông tư số: 02/2005/TTLN-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP ngày 10 tháng 8 năm 2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về việc “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo”, cụ thể là:     
 - Mọi nguồn đơn chuyển đến phải được tập trung về một đầu mối (bộ phận chuyên trách tham mưu cho Lãnh đạo đơn vị trong công tác giải quyết đơn) để được thụ lý, phân loại, xử lý kịp thời.
- Sau khi thụ lý phải thông báo ngay cho người khiếu nại, tố cáo biết việc thụ lý giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời ra quyết định phân công cán bộ trực tiếp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
- Cán bộ được phân công phải lập kế hoạch xác minh thu thập tài liệu chứng cứ có liên quan, tiến hành đối thoại với người khiếu nại, tố cáo (khi thấy cần thiết). Sau khi xác minh, người được phân công phải đề xuất hướng giải quyết bằng văn bản và phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc đề xuất của mình.
- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thể hiện bằng văn bản (Phải ra quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận đối với việc tố cáo).
Văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có các nội dung cơ bản sau:
          + Ngày, tháng, năm ban hành văn bản;
          + Tên, địa chỉ của người khiếu nại, tố cáo;  người bị khiếu nại, tố cáo;
          + Nội dung khiếu nại, tố cáo;
          + Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại, tố cáo;
          + Nội dung giải quyết;
          + Đối với đơn khiếu nại, phải ghi rõ quyền khiếu nại tiếp theo  hoặc nếu là giải quyết cuối cùng thì phải ghi rõ.
Quyết định giải quyết khiếu nại, phải được gửi đến người khiếu nại, người bị khiếu nại, và người có quyền, lợi ích liên quan và cơ quan, đơn vị chuyển đơn (khi có yêu cầu) trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn.
Kết luận tố cáo không gửi trực tiếp cho người tố cáo mà chỉ thông báo cho người tố cáo biết kết quả giải quyết trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ khi thụ lý đơn.
          Đối với Quyết định giải quyết lần đầu của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện liên quan đến bắt tạm giữ, tạm giam thì thời hạn giải quyết tối đa là 3 ngày kể từ khi nhận được đơn khiếu nại.
          - Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo gồm các tài liệu chủ yếu sau đây:
          + Đơn khiếu nại, tố cáo;
          + Văn bản thông báo về việc tiếp nhận khiếu nại tố cáo;
          + Văn bản phân công người giải quyết khiếu nại, tố cáo; kế hoạch thẩm tra, xác minh của người được phân công giải quyết khiếu nại tố cáo.
          + Các tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo; kết quả xác minh;
          + Văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được đánh số trang theo thứ tự tài liệu và được lưu giữ theo quy định của pháp luật.
4. Quan hệ phối hợp Liên ngành trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo
Các đơn vị khi nhận được đơn không thuộc thẩm quyền phải kịp thời chuyển ngay đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết đồng thời báo tin cho người khiếu nại, tố cáo biết để liên hệ yêu cầu giải quyết. Các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo của Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân phải gửi cho Cơ quan cấp trên để  quản lý thống nhất và để giải quyết cuối cùng (nếu việc giải quyết cuối cùng thuộc trách nhiệm của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cấp trên) đồng thời gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để thực hiện chức năng kiểm sát theo qui định tại điều 339 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và thực hiện trách nhiệm giải quyết tiếp theo nếu là đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết cuối cùng của Viện kiểm sát và lưu vào hồ sơ vụ án theo từng giai đoạn tố tụng.
Hàng tháng các đơn vị phải rà soát đối chiếu các đơn thư khiếu nại, tố cáo mà các đơn vị đã thụ lý giải quyết, các đơn thư tồn đọng vướng mắc, các đơn có liên quan đến các cơ quan tố tụng, đơn khiếu nại đông người ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, đơn vị có thẩm quyền giải quyết phải chủ động mời ba ngành cùng bàn bạc thống nhất giải quyết tránh các trường hợp đơn chuyển lòng vòng, giải quyết không triệt để, giải quyết kéo dài gây khó khăn bức xúc cho người khiếu nại, tố cáo ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân nói chung đối với các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh.
Khi đã có quyết định giải quyết cuối cùng, mọi khiếu nại tiếp theo không có nội dung mới phát sinh thì không thụ lý giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết./.
 
Tìm kiếm