CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

NHỮNG ĐIỂM MỚI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

22/06/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
1. Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự” Tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi, bổ sung Điều 21 BLTTDS hiện hành theo hướng tiếp tục khẳng định “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự” là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự, theo đó “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật”. Tuy nhiên, nội dung điều luật này đã có sửa đổi căn bản so với Điều 21 BLTTDS hiện hành; cụ thể là:
NHỮNG ĐIỂM MỚI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ
 
1. Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự”
Tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi, bổ sung Điều 21 BLTTDS hiện hành theo hướng tiếp tục khẳng định “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự” là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự, theo đó “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật”.  Tuy nhiên, nội dung điều luật này đã có sửa đổi căn bản so với Điều 21 BLTTDS hiện hành; cụ thể là:
Tại Điều 21 BLTTDS hiện hành quy địnhnguyên tắc “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự”, theo đó đã giới hạn quyền tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự của Viện kiểm sát: Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đối với những vụ án dân sự do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại; tham gia các phiên họp giải quyết các việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án; tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án; đồng thời tham gia các phiên toà giám đốc thẩm và tái thẩm do Toà án kháng nghị theo thẩm quyền.
Để tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức VKSND, trên cơ sở điều kiện thực tế về biên chế và đội ngũ kiểm sát viên của ngành Kiểm sát và căn cứ vào tính chất, đối tượng của các vụ việc dân sự, Điều 21 BLTTDS đã được sửa đổi theo hướng quy định: Viện kiểm sát tham gia các phiên toà sơ thẩm đối với những vụ án do Toà án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Viện kiểm sát tham gia tất cả các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên toà, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung đã giao nhiệm vụ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể thi hành điều luật này.
2. Sửa đổi, bổ sung quy định về việc tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự của Viện kiểm sát nhân dân
2.1. Về các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự
Điều 21 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi trách nhiệm tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự của Viện kiểm sát, theo đó Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự trong các trường hợp sau đây:
- Viện kiểm sát có trách nhiệm phải tham gia phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự trong 04 trường hợp sau:
Một là, những vụ ándân sự do Toà án tiến hành thu thập chứng cứ.
Trong trường hợp này, bất cứ vụ án dân sự nào Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ thì Viện kiểm sát có trách nhiệm phải tham gia phiên tòa, không phụ thuộc vào việc đương sự có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Tòa án hay không. Đây là điểm mới so với quy định hiện hành (Điều 21 BLTTDS hiện hành quy định Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại).
Hai là, những vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng.
Ba là, những vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất, nhà ở.
Bốn là, những vụ án dân sự có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.
- Viện kiểm sát có trách nhiệm phải tham gia tất cả các phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự; tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự. So với quy định hiện hành của BLTTDS, quy định này có một điểm mới quan trọng là mở rộng quyền tham gia phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự của Viện kiểm sát (theo quy định hiện hành, Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự trong ba trường hợp: (i) Viện kiểm sát đã tham gia phiên tòa sơ thẩm; (ii) Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; (iii) đương sự khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Tòa án cấp phúc thẩm).
Để bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự trong các trường hợp nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ trách nhiệm của Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát nghiên cứu trước khi tham gia phiên tòa phiên họp (tại các điều 195, 262, khoản 2 Điều 290 của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung).
2.2. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự
Luật sửa đổi, bổ sung tiếp tục quy định: khi tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng; đồng thời, với tư cách là người tiến hành tố tụng, đại diện cho Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng, Kiểm sát viên phải phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự (bao gồm cả việc tuân theo pháp luật về nội dung và pháp luật về thủ tục tố tụng); Kiểm sát viên có thể hỏi đương sự khi xét thấy cần thiết. Đối với phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm mà Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên còn phải trình bày và bảo vệ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát.
Một điểm mới quan trọng trong quy định của Luật sửa đổi, bổ sung là có sự phân biệt nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm vụ án dân sự, cụ thể là:
- Tại phiên tòa sơ thẩm, theo Điều 234 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung quy định “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”.
Như vậy, tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa không phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án như hiện nay mà chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, đồng thời phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật (bao gồm cả pháp luật về nội dung và pháp luật về tố tụng) của những người tham gia tố tụng.
- Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung thêm một điều luật mới (Điều 273a) quy định về “Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm”, theo đó nêu rõ “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm”. Trong giai đoạn này, ngoài việc phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm và những người tham gia tố tụng , kiểm sát viên có quyền phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án của Tòa án. Phát biểu của Kiểm sát viên ở phiên tòa phúc thẩm phải thể hiện rõ thái độ, trách nhiệm của Viện kiểm sát trước sự đúng - sai của bản án, quyết định của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm để giúp Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, quyết định.
- Tại phiên họp giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm, theo quy định tại Điều 280 BLTTDS : “Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp phúc thẩm quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị ... Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định”.
            - Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Theo Điều 295 BLTTDS quy định: “Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị...phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án”.
Thu Hương
 
 
 
Tìm kiếm