Qua theo dõi, tổng hợp các văn bản kháng nghị phúc thẩm trong lĩnh vực dân sự năm 2010 của Viện kiểm sát cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản rút kinh nghiệm gửi Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng kháng nghị (về nội dung và hình thức). Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo...
THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM VỀ VIỆC BAN HÀNH
QUYẾT ĐỊNH KHÁNG NGHỊ DÂN SỰ THEO THỦ TỤC PHÚC THẨM
Qua theo dõi, tổng hợp các văn bản kháng nghị phúc thẩm trong lĩnh vực dân sự năm 2010 của Viện kiểm sát cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản rút kinh nghiệm gửi Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng kháng nghị (về nội dung và hình thức). Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo.
- Về hình thức văn bản kháng nghị
Ngày 12/7/2005, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định số 119/2005/QĐ/VKSTC - V5, về việc ban hành mẫu văn bản tố tụng trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã có hướng dẫn tại văn bản số 174/CV/VKS-P5, kèm theo mẫu của Viện kiểm sát tối cao gửi cho các đơn vị huyện, thị. Tại Chuyên đề tập huấn nghiệp vụ năm 2009 “Những vấn đề rút ra từ thực tiễn trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự” cũng đã quy định cụ thể. Nhưng đến nay, hầu hết các văn bản kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp huyện đều thực hiện không đúng mẫu quy định. Hình thức, tiêu đề văn bản còn tùy tiện, có đơn vị không ghi ký hiệu quyết định mà chỉ ghi số../KNDS-PT; KNDS-VKS; QĐ/KNPT/VKS; QĐ-KNPT; QĐKNDS-ST. Điển hình là Viện kiểm sát thành phố Buôn Ma Thuột, Ea Kar, Ea Súp, Krông Bông, Buôn Đôn; nơi nhận không ghi gửi cho Tòa án nơi xét xử phúc thẩm hoặc không ghi gửi cho các đương sự như Viện kiểm sát huyện Ea Kar, Ea Súp; ghi không đầy đủ ký hiệu của bản án như Quyết định kháng nghị số 02/QĐKNPT ngày 18/01/2011 của Viện kiểm sát huyện Ea Kar kháng nghị đối với bản án số 50/? , ngày 30/12/2010 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar.
- Về nội dung quyết định kháng nghị
Trong năm 2010, Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành được 37 kháng nghị phúc thẩm (cấp huyện 34 kháng nghị). Hầu hết các quyết định kháng nghị đều phản ánh được những vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm và được Tòa án chấp nhận. Tuy nhiên cũng còn nhiều quyết định kháng nghị nhận định còn dài dòng, luẩn quẩn. Khi phân tích vi phạm không vận dụng điều luật hoặc vận dụng điều luật không chính xác, không dẫn chiếu bút lục…. Đơn cử như Quyết định kháng nghị số 04/QĐ/KNPT-DS, ngày 13/10/2010 của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Buôn Hồ, nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Nghị lại ghi là ông Đặng Thanh Nghị; Điều 358 Bộ luật dân sự lại ghi là Điều 358 Bộ luật Tố tụng dân sự; Quyết định kháng nghị số 02/QĐKNPT ngày 18/01/2011 của Viện kiểm sát huyện Ea Kar không ghi địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn v.v…
Để ban hành được một văn bản kháng nghị đạt chất lượng, có tính thuyết phục cao, được Tòa án chấp nhận, ngoài kinh nghiệm, kỹ năng phát hiện và tổng hợp vi phạm, cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ xem nội dung vụ, việc thuộc quan hệ pháp luật nào? Các chứng cứ của nguyên đơn, bị đơn xuất trình; xem Tòa án xác định tư cách của người tham gia tố tụng có phù hợp với quy định của pháp luật không? Các thủ tục tố tụng có thực hiện đầy đủ không? (bản tự khai của đương sự, biên bản đối chất, hòa giải, xác minh, thẩm định, định giá tài sản v.v..). Những vi phạm trong quá trình giải quyết vụ việc của Tòa án đã vi phạm điều luật nào? Tại bút lục bao nhiêu?
Tóm lại, khi ban hành một quyết định kháng nghị, việc vận dụng, dẫn chiếu điều luật, bút lục phải rõ ràng, cụ thể, chính xác. Phải nêu được quan điểm của Viện kiểm sát kháng nghị theo hướng nào? (sửa án hay hủy án). Chỉ nên tập trung kháng nghị những bản án, quyết định có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những bản án, quyết định có vi phạm thủ tục tố tụng, nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi ích của đương sự, nếu có kháng nghị cũng không làm thay đổi nội dung vụ, việc thì không cần thiết phải kháng nghị, mà chỉ cần tổng hợp vi phạm để kiến nghị với Tòa án.
Thanh Tâm