Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự đã phát hiện Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm về áp dụng pháp luật trong xét xử. Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo để các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trong khu vực nghiên cứu rút kinh nghiệm việc áp dụng pháp luật trong vụ án: Nguyễn Hoàng Sơn (cùng đồng bọn) phạm tội “Giết người”. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin trích đăng để bạn đọc cùng tham khảo.
Nội dung vụ án: Khoảng 3 giờ 30 phút ngày 17/10/2009 sau khi uống rượu xong, Nguyễn Thắng Lợi, sinh ngày 18/2/1991 chở Nguyễn Hoàng Sơn bằng xe đạp đến khu nhà trọ Mỹ Dung để trộm dép thì bị Nguyễn Văn Mạnh phát hiện và hô, Sơn ném 02 chiếc dép của mình vào phòng trọ, dùng tay đập cửa rồi lên xe bỏ chạy đến nhà thờ Bắc Hà, Sơn và Lợi nhặt mỗi người một khúc gỗ tròn đứng chờ. Khi Nguyễn Văn Mạnh và Lê Văn Chung mỗi người cầm một ống tuýp sắt cùng với Lê Thành Tuyến chạy đến, khi thấy Lợi và Sơn, Mạnh và Chung chạy rẽ hai hướng nhưng Chung bị trượt chân ngã, Lợi và Sơn dùng cây gỗ đánh nhiều cái trúng đầu và người của Chung làm Chung bất tỉnh. Mạnh và Tuyến quay lại giải vây cho Chung thì Sơn nói “tụi mày vào đi tao đánh cho nó coi” rồi Sơn đánh thêm một cái vào chân của Chung và bỏ cây trốn khỏi hiện trường, Lê Văn Chung chết ngay sau đó...
Thông báo rút kinh nghiệm vụ án hình sự
của cấp sơ thẩm về áp dụng pháp luật trong xét xử
Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự đã phát hiện Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm về áp dụng pháp luật trong xét xử. Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo để các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trong khu vực nghiên cứu rút kinh nghiệm việc áp dụng pháp luật trong vụ án: Nguyễn Hoàng Sơn (cùng đồng bọn) phạm tội “Giết người”. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin trích đăng để bạn đọc cùng tham khảo.
Nội dung vụ án: Khoảng 3 giờ 30 phút ngày 17/10/2009 sau khi uống rượu xong, Nguyễn Thắng Lợi, sinh ngày 18/2/1991 chở Nguyễn Hoàng Sơn bằng xe đạp đến khu nhà trọ Mỹ Dung để trộm dép thì bị Nguyễn Văn Mạnh phát hiện và hô, Sơn ném 02 chiếc dép của mình vào phòng trọ, dùng tay đập cửa rồi lên xe bỏ chạy đến nhà thờ Bắc Hà, Sơn và Lợi nhặt mỗi người một khúc gỗ tròn đứng chờ. Khi Nguyễn Văn Mạnh và Lê Văn Chung mỗi người cầm một ống tuýp sắt cùng với Lê Thành Tuyến chạy đến, khi thấy Lợi và Sơn, Mạnh và Chung chạy rẽ hai hướng nhưng Chung bị trượt chân ngã, Lợi và Sơn dùng cây gỗ đánh nhiều cái trúng đầu và người của Chung làm Chung bất tỉnh. Mạnh và Tuyến quay lại giải vây cho Chung thì Sơn nói “tụi mày vào đi tao đánh cho nó coi” rồi Sơn đánh thêm một cái vào chân của Chung và bỏ cây trốn khỏi hiện trường, Lê Văn Chung chết ngay sau đó.
Tại bản án sơ thẩm số 348/HSST ngày 17/12/2010 tuyên xử: Bị cáo Nguyễn Hoàng Sơn và Nguyễn Thắng Lợi phạm tội “Giết người”.
Áp dụng các điểm n, g Khoản 1, Điều 93; Điều 45; điểm p, Khoản 1, Điều 46; Điều 53 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Sơn - Tử hình.
Áp dụng các điểm n, Khoản 1, Điều 93; điểm p, Khoản 1, Điều 46; khoản 5 Điều 69; khoản 1, Điều 74; Điều 45; Điều 53 Bộ luật hình sự xử phạt Nguyễn Thắng Lợi 14 năm tù.
Ngoài ra bản án còn tuyên về bồi thường và án phí.
Sau khi xét xử xong ngày 20/12/2010 bị cáo Nguyễn Hoàng Sơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt
Ngày 15/4/2011 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm: tuyên y án sơ thẩm.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Bị cáo Nguyễn Hoàng Sơn đã có 2 tiền án:
- Bản án số 175/ HSST ngày 08/12/2004: xử phạt 2 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 03 năm, về tội “Cố ý gây thương tích”.
- Bản án 86/HSST ngày 10/11/2006: xử phạt 2 năm 6 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản”.
Bản án nhận định bị cáo Sơn phạm vào 2 tình tiết định khung là côn đồ và tái phạm nguy hiểm, tuy nhiên khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử lại áp dụng điểm n, g khoản 1, Điều 93- BLHS phạt bị cáo Sơn hình phạt cao nhất tử hình, không áp dụng điểm p khoản 1, Điều 93 BLHS “tái phạm nguy hiểm”. Việc áp dụng điểm g khoản 1, Điều 93- BLHS là tình tiết “để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác” là không chính xác, vì hành vi của các bị cáo có đi trộm dép nhưng giá trị không lớn nên chưa cấu thành tội “Trộn cắp tài sản”.
Đối với bị cáo Nguyễn Thắng Lợi, khi phạm tội đã thành niên, vì bị cáo Lợi, sinh ngày 18/02/1991 tính đến ngày phạm tội đã trên 18 tuổi, nhưng bản án sơ thẩm áp dụng khoản 5, Điều 69, Điều 74 BLHS đối với người thành niên khi lượng hình là sai.
Thu Hương