CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông

09/09/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Sáu tháng đầu năm 2012, tình hình vi phạm và tội phạm về an toàn giao thông ở địa phương diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân, tác động đến tâm lý, ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự trị an của địa phương...
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông
Sáu tháng đầu năm 2012, tình hình vi phạm và tội phạm về an toàn giao thông ở địa phương diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân, tác động đến tâm lý, ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự trị an của địa phương.
 Vi phạm và tội phạm về an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk xảy ra 316 vụ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, (trong đó: Va chạm giao thông xảy ra 194 vụ, tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra 106 vụ, tai nạn giao thông rất nghiêm trọng xảy ra 12 vụ, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 04 vụ). So với cùng kỳ năm 2011, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông giảm 51 vụ.
Qua số liệu thống kê trên cho thấy vi phạm và tội phạm xâm phạm trật tự an toàn giao thông tuy giảm về số vụ, nhưng số người chết do tai nạn lại tăng lên, có nhiều vụ hậu quả xảy ra rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong 316 vụ tai nạn làm chết 172 người, bị thương 393 người, gây thiệt hại về kinh tế ước tính 982 triệu đồng, làm hư hỏng 155 xe mô tô, 72 xe ô tô và nhiều phương tiện khác. Trong 6 tháng đầu năm 2012 Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố điều tra 58 vụ, 56 bị can; VKS đã truy tố 59 vụ, 60 bị can (kể cả án tồn 2011 chuyển qua); Tòa án đã xét xử 57 vụ, 57 bị cáo (kể cả án tồn 2011 chuyển qua).
Kết quả khảo sát tổng hợp cho thấy có khoảng 70% các vụ tai nạn giao thông liên quan đến ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông và 30% các vụ tai nạn có liên quan đến các yếu tố, nguyên nhân khác. Phần lớn các đối tượng vi phạm trình độ văn hóa thấp, ít hiểu biết các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhận thức không đầy đủ tác hại, hậu quả của việc vi phạm an toàn giao thông. Nhiều vụ vi phạm là học sinh, sinh viên chưa có giấy phép lái xe trên 50cc nhưng vẫn điều khiển xe mô tô phân khối lớn dàn hàng ngang, nô đùa nhau trên đường gây ra nhiều vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng; Về giới tính, đa số các đối tượng vi phạm đều là nam giới (275/316 người chiếm tỷ lệ 86%); Về độ tuổi, có 14 trường hợp dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ 4,4%; từ 18 đến 24 tuổi có 148 người chiếm tỷ lệ 47%; 151 người từ 25 tuổi trở lên, chiếm tỷ lệ 47,7%; có 03 trường hợp là học sinh vi phạm gây tai nạn chiếm tỷ lệ 1%.
Qua nghiên cứu 316 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành Luật giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông kém, không chấp hành các quy định về an toàn giao thông như: Uống rượu bia khi tham gia giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng, không đi đúng phần đường, tránh vượt trái phép, đua xe trái phép, vượt đèn đỏ, nghe điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt, chạy nhanh, không làm chủ tốc độ, khi chuyển hướng không quan sát, không phát tín hiệu là một trong những nguyên nhân chính để xảy ra các vụ tai nạn giao thông, (trong tổng số 316 vụ tai nạn thì có 182 vụ từ nguyên nhân trên chiếm tỷ lệ 67%).
 Học sinh các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô hoặc chưa có giấy phép lái xe mô tô trên 50cc đã điều khiển xe mô tô, xe máy trái phép, chưa có khả năng và kinh nghiệm để xử lý các tình huống giao thông dẫn đến gây tai nạn. Ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh, sinh viên nói chung chưa cao, khi tham gia giao thông còn dàn hàng hai, hàng ba, hàng bốn trên đường, nô đùa, đu kéo nhau khi điều khiển xe mô tô, xe máy.
Các lái xe điều khiển xe taxi chở khách, tắc xi chở hàng do tranh giành khách, tranh giành hàng hóa, đã phóng nhanh, vượt ẩu trong đường phố, bất chấp các quy định về an toàn giao thông, dẫn đến gây tai nạn. 6 tháng đầu năm có 7 vụ tai nạn có liên quan đến xe taxi chở hàng và xe taxi chở khách.
Ngoài cac nguyên nhân trên còn có trách nhiệm cùa cơ quan chuyên môn trong công tác kiểm tra, kiểm định an toàn kỹ thuật xe ô tô chưa tốt, khi kiểm định chưa tuân thủ đúng quy trình dẫn đến nhiều xe ô tô đã cũ, không đảm bảo chất lượng (hệ thống lái, phanh, vỏ lốp không đảm bảo…) vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định và khi tham gia giao thông đã gây tai nạn.
Về quản lý nhà nước, hoạt động của Ban an toàn giao thông các cấp chưa thường xuyên, liên tục; việc tuyên tuyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông ít được chú trọng; hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú và hiệu quả chưa cao.
 Kinh tế ngày càng phát triển, số lượng người cũng như số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, đường giao thông xuống cấp, chưa theo kịp nhu cầu phát triển chung của xã hội. Các quốc lộ là huyết mạch chính về giao thông trong tỉnh vẫn chưa được mở rộng, hoạt động giao thông trên các tuyến này vẫn là giao thông hỗn hợp, chưa có đường riêng cho xe cơ giới và thô sơ. Các tuyến tỉnh lộ, đường huyện, đường xã có được nâng cấp, cải tạo, song chưa đạt chuẩn kỹ thuật, thiếu biển báo hiệu đường bộ hoặc nhiều đoạn vạch kẻ đường bị mờ, nhiều nơi lề đường bị sạt lở, người tham gia giao thông khi gặp sự cố không còn chỗ tránh nên dẫn đến tai nạn. Đây chính là các yếu tố tiềm ẩn gây tai nạn giao thông. Trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do đường nhiều ổ gà ….
 Công tác quản lý việc học và cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, nhiều học viên học lái xe mô tô, ô tô rất ít, thậm chí không học, không hiểu biết về luật giao thông vẫn được cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô. Việc thanh tra, tuần tra của lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông có lúc chưa được thường xuyên và xử phạt chưa nghiêm. Xe chở quá khổ, quá tải vẫn lưu hành nhưng chưa được xử lý triệt để, nhiều lỗi vi phạm được cơ quan chức năng bỏ qua (như chạy quá tốc độ cho phép, cầm dù chạy xe máy, vượt đèn đỏ, chở quá khổ, quá tải…) là nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông.
 Một số cơ sở xe khách, xe tải do lợi nhuận, trong các ngày nghỉ tết, nghỉ lễ khi có nhiều khách hoặc nhiều hàng hóa đã ép lái xe chạy tăng ca, tăng chuyến, chạy đêm…dẫn đến tình trạng lái xe bị mất ngủ, căng thẳng về thần kinh, mệt mỏi, không làm chủ được tay lái, nhiều trường hợp xe khách rượt đuổi nhau trên đường để tranh giành khách đã gây tai nạn giao thông.
 Công tác quản lý đô thị còn buông lỏng, nhiều lòng đường, lề đường ở các khu vực thị trấn, đô thị bị lấn chiếm để buôn bán, họp chợ. Nhiều đoạn đường chưa được thông suốt do công tác quản lý, quy hoạch đất đai, công tác giải tỏa, bồi thường thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật.
 Công tác phòng ngừa xã hội đạt hiệu quả chưa cao, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông còn hạn chế, các biện pháp tuyên truyền luật giao thông chưa phong phú và chưa phát huy được tác dụng tốt. Đặc biệt là việc tuyên truyền pháp luật đối với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn chưa được quan tâm đúng mức, nên nhận thức của một số người dân về pháp luật giao thông còn kém, chưa thấy hết tác hại, hậu quả to lớn của việc vi phạm an toàn giao thông.
Xuất phát từ thực trạng, tình hình và các nguyên nhân làm cho vi phạm, tội phạm về an toàn giao thông trên địa bàn của tỉnh diễn biến phức tạp. Thực hiện năm an toàn giao thông 2012, để đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm về an toàn giao thông có hiệu quả, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của tỉnh. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đăk Lăk kiến nghị tới đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk những nội dung sau:
- Thường xuyên chỉ đạo để các cấp, các ngành ở địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp để làm thay đổi nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông, coi việc giảm thiểu tai nạn giao thông và đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm của mỗi cá nhân và của toàn xã hội; góp phần hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh Đăk Lăk.
-Chỉ đạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là các Ban an toàn giao thông của cả hai cấp tỉnh và huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về an toàn giao thông nói riêng cho các tầng lớp nhân dân, đem pháp luật đến với nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, trình độ và mặt bằng dân trí còn thấp. Việc tuyên truyền phải thực hiện đồng bộ, thường xuyên với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. Kịp thời khuyến khích, động viên và nhân rộng những hình thức tuyên truyền có hiệu quả cao, đem pháp luật giao thông đến với nhân dân, nâng cao nhận thức về pháp luật, về xã hội cho nhân dân. Chỉ đạo Công an tỉnh, Đài phát thanh, Đài truyền hình tỉnh tăng thời gian, chất lượng các buổi truyền hình của tỉnh về an toàn giao thông, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, khuyến cáo để nhân dân nêu cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Đề ra các biện pháp thiết thực để huy động toàn bộ hệ thống chính trị cũng như huy động toàn bộ nhân dân trong tỉnh tham gia thực hiện và tham gia tuyên truyền để cùng mọi người chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông.
 - Xây dựng cho nhân dân có lối sống lành mạnh, có ý thức tự giác, hiểu, tôn trọng và chấp hành tốt pháp luật giao thông. Khuyến khích, động viên nhân dân tổ chức xây dựng nếp sống văn hóa, không sử dụng nhiều rượu, bia trong việc cưới hỏi, ma chay, lễ hội, liên hoan cũng như trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt không được sử dụng rượu, bia và chất kích thích khác khi tham gia giao thông. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phòng chống người tham gia giao thông sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác. Xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
- Chỉ đạo các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, quần chúng như Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn, Hội luật gia, Hội cựu chiến binh…tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho cán bộ, đoàn viên, hội viên; Thủ trưởng các cơ quan đơn vị cần sớm ban hành quy định cán bộ công chức, đoàn viên, hội viên không được sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, không uống rượu bia vào buổi sáng, buổi trưa hoặc trong giờ làm việc; chỉ đạo Sở giáo dục đào tạo và Tỉnh đoàn tăng cường giáo dục về an toàn giao thông trong trường học, đưa những nội dung về an toàn giao thông vào giảng dạy cho học sinh, sinh viên; hướng dẫn các trường học phối kết hợp với đoàn trường tổ chức những buổi tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, để tuyên truyền cho đoàn viên, học sinh, sinh viên hiểu, tôn trọng và chấp hành tốt pháp luật về an toàn giao thông; nghiêm cấm việc học sinh sử dụng rượu bia, kỷ luật nghiêm đối với những học sinh, sinh viên vi phạm để làm gương ngăn chặn, răn đe chung.
- Tổ chức tọa đàm, tập huấn cho các chủ cơ sở và các lái xe khách, xe tải, xe taxi để họ hiểu, tôn trọng và chấp hành tốt luật giao thông, không phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách hay hàng hóa; nhắc nhở, giáo dục cho chủ xe không được ép lái xe chạy tăng ca, tăng chuyến, tăng giờ trong những dịp nghỉ lễ, nghỉ tết hoặc những lúc có nhiều hàng hóa. Có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những chủ xe và lái xe vi phạm.
6. Chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm luật giao thông (nhất là các lỗi trực tiếp gây tai nạn giao thông). Đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực trong khi thi hành công vụ. Xử lý nghiêm minh các trường hợp cán bộ, chiến sỹ vi phạm nghiệp vụ, sách nhiễu để bỏ qua các lỗi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; chỉ đạo Sở giao thông vận tải  tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, thanh tra giao thông trên các tuyến đường có nguy cơ gây tai nạn giao thông của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, đồng thời cần sớm có biện pháp khắc phục các yếu tố tiềm ẩn là nguy cơ gây tai nạn giao thông như: đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; kịp thời phát hiện và xử lý các bất cập về hệ thống hạ tầng giao thông ở địa phương như đường lầy lội, lún, ổ gà, lắp đặt các biển báo, các giải phân cách, hệ thống báo hiệu đường bộ.v.v; Chỉ đạo Sở giao thông, Sở xây dựng, Sở điện lực, Sở tài nguyên môi trường và các Ban ngành liên quan có kế hoạch cụ thể, lâu dài trong việc quy hoạch điện, đường, trường, trạm; quy hoạch đất giao thông. Không để việc quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch bị chồng chéo như đường làm xong thì bị đào lên để lắp hệ thống nước sạch hoặc hệ thống thoát nước gây lãng phí lớn và gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban an toàn giao thông các cấp, chỉ đạo Ban an toàn giao thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông cho nhân dân; đa dạng hóa các biện pháp và hình thức tuyên truyền để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao.
- Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kiểm định an toàn kỹ thuật xe ô tô. Đảm bảo việc kiểm định phải đúng tiêu chuẩn, đầy đủ các quy trình theo quy định của nhà nước. Tăng cường kiểm tra các cơ sở dạy và học lái xe ô tô, xe mô tô, nâng cao chất lượng trong việc cấp bằng lái xe ô tô, xe mô tô; chỉ đạo các huyện có giao thông đường thủy thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn các phương tiện vận chuyển đường thủy như ghe, xuồng, xà lan. Kiên quyết lập biên bản tạm giữ đối với các phương tiện vận chuyển đường thủy không đảm bảo an toàn; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm cá nhân và tổ chức vi phạm. Ban hành quy chế khen thưởng, kỷ luật và trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Chỉ đạo các Cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp và thực hiện tốt công tác tiếp nhận xử lý tố giác, tin báo về tai nạn giao thông, đảm bảo việc khởi tố điều tra, truy tố, xét xử án tai nạn giao thông đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện phải xử lý nghiêm minh và tăng cường đưa các vụ án về tai nạn giao thôngT đi xét xử lưu động. Cần xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi phạm tội làm bằng giả, sử dụng giấy phép lái xe giả; kiên quyết xử lý bằng pháp luật hình sự đối với các hành vi tham nhũng, hối lộ có liên quan đến giao thông đường bộ, đường thủy trong tỉnh.
- Hỗ trợ về mặt kinh phí cho các cơ quan chức năng trong việc mua sắm các thiết bị phòng chống tội phạm, nhất là việc lắp đặt hệ thống camera ở những khu vực đường trọng yếu theo dõi các đối tượng tham gia giao thông để kiểm tra, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm pháp luật. Hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan tư pháp trong việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác, tập huấn nâng cao nghiệp vụ xử lý vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực giao thông cho cán bộ, chiến sỹ Công an, Kiểm sát, Tòa án cả hai cấp tỉnh và huyện.
Tìm kiếm