CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình rút kinh nghiệm về một số bản án dân sự bị hủy, sửa án

14/08/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 20/7/2012 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành văn bản số 20/VKS-TB về việc thông báo rút kinh nghiệm về một số vụ án dân sự bị hủy, sửa án. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:...
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình
rút kinh nghiệm về một số bản án dân sự bị hủy, sửa án
Ngày 20/7/2012 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành văn bản số 20/VKS-TB về việc thông báo rút kinh nghiệm về một số vụ án dân sự bị hủy, sửa án. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
1. Vụ “Kiện đòi tài sản” giữa Nguyên đơn: Ông Trần Mạnh N và bà Phạm Thị H; ông Đặng Văn S và bà Dương Thị X. Bị đơn là anh Đặng Văn H và bà Đào Thị H đều trú tại: Xã NH, huyện TH, tỉnh Thái Bình.
Bản án số 04/2012/DSST ngày 14/3/2012 của Tòa án nhân dân huyện TH đã quyết định: áp dụng các Điều 25, 33, 131 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 471, 474, 476, 479 Bộ luật dân sự; khoản 4, Điều 27 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án: xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Trần Mạnh N và Bà Phạm Thị H và yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Đặng Văn S và bà Dương Thị X; buộc vợ chồng ông Đặng Văn H và chị Đào Thị H phải có nghĩa vụ trả cho vợ chồng ông Trần Mạnh N và bà Phạm Thị H số tiền gốc là 268.700.000 đồng, tiền lãi là 28.644.200 đồng, tổng cộng cả gốc và lãi là 297.344.200 đồng. Buộc vợ chồng ông Đặng Văn H và chị Đào Thị H phải có nghĩa vụ trả cho vợ chồng ông Đặng Văn S và bà Dương Thị X số tiền gốc là 342.700.000 đồng, tiền lãi là 25.750.000 đồng, cả gốc và lãi là 368.450.000 đồng. Về án phí dân sự sơ thẩm: vợ chồng anh Đặng Văn H và chị Đào Thị H phải chịu số tiền án phí dân sự sơ thẩm là 30.631.000 đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 05/4/2012 Viện kiểm sát nhân dân huyện TH kháng nghị bản án với nội dung sau:
- Vợ chồng ông N bà S khởi kiện yêu cầu vợ chồng anh H chị H phải trả số tiền vay và tiền phường còn nợ là có sơ sở nhưng trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa các nguyên đơn và bị đơn đã thỏa thuận mức lãi suất là 1,7%/ tháng và được Tòa án xử chấp nhận là không phù hợp và đã vượt quá mức 150% mức lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng tại thời điểm là 9%/năm, gây thiệt hại đến quyền lợi của bị đơn.
- Về thời gian tính lãi suất tiền nợ phường: việc Tòa án chấp nhận yêu cầu tính lãi suất của ông N về số tiền phường anh H, chị H còn nợ từ tháng 9/2011 đến tháng 02/2012 (âm lịch) là chưa phù hợp với thực tế diễn biến của việc thanh toán tiền phường vì số tiền ông N thanh toán cho các chân phường không phải cùng một thời điểm mà thanh toán theo từng tháng nên chỉ được tính lãi suất theo từng tháng trên số tiền thực tế ông N đã thanh toán cho các chân phường.
- Về án phí: ông N yêu cầu anh H, chị H phải trả ông số tiền 173.600.000 đồng nhưng anh H, chị H không chấp nhận và tại phiên tòa hai bên mới thỏa thuận và được Tòa án chấp nhận số tiền các đương sự thỏa thuận là 168.700.000 đồng, còn lại 4.900.000 đồng không được Tòa chấp nhận nhưng không buộc ông N phải chịu án phí dân sự đối với khoản tiền 4.900.000 đồng là không đúng quy định của pháp luật.
- Trong quá trình giải quyết vụ án có yêu cầu Tòa án nhân dân huyện TH giải quyết buộc ông N, ông S phải trả lại cho anh chị chiếc máy xúc do ông N, ông S quản lý, tuy trong phần nhận định của bản án có đề cập nội dung này nhưng phần quyết định của bản án lại không thể hiện về nôi dung này là không phù hợp với quy định tại Khoản 5 Điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2011.
Ngày 29/3/2012 anh H, chị H kháng cáo cho rằng: việc Tòa án tuyên trả lãi từ tháng 8/2011 là không đúng vì tháng 9 anh chị đã bị ông N và anh S bắt máy xúc nên không phải trả lãi. Đối với yêu cầu về chiếc máy xúc chị đã có yêu cầu từ khi thụ lý vụ án nhwgn do anh chị không hiểu biết pháp luật lại không được Tòa hướng dẫn nên anh chị không viết đơn, không nộp tiền tạm ứng án phí.. do vậy Tòa án tách ra không giải quyết là không đúng.
Bản án trên đã vi phạm về thủ tục tố tụng:
Tại bản tự khai và các biên bản hòa giải anh H, chị H (bị đơn) nhiều lần đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông N và anh S trả lại cho anh chị chiếc máy xúc để có phương tiện làm ăn, trả nợ nhưng cấp sơ thẩm không làm thủ tục yêu cầu anh H, chị H cung cấp chứng cứ và làm đơn phản tố theo quy định của pháp luật mà lại nhận định trong bản án do anh H, chị H không có đơn đề nghị, không nộp tiền tạm ứng án phí và chứng cứ nên không giải quyết trong vụ án này; đồng thời tại đơn khởi kiện, các bản tự khai và biên bản hòa giải giữa các nguyên đơn đề nghị Tòa giải quyết hai nội dung: đòi tiền vay đối với bị đơn và đề nghị hóa giá chiếc máy xúc của bị đơn (do họ đã bắt giữ) để đối trừ nợ nhưng cấp sơ thẩm chỉ giải quyết buộc bị đơn trả nợ cho nguyên đơn còn yêu cầu thứ hai không được giải quyết. Tại cấp phúc thẩm các bên đương sự đều đề nghị giải quyết chiếc máy xúc trong cùng vụ án trên.
Như vậy Tòa án cấp sơ thẩm chưa giải quyết hết yêu cầu của nguyên đơn và không hướng dẫn bị đơn làm thủ tục phản tố (trong khi hợp đồng vay nợ tiền và việc quản lý, bắt giữ chiếc máy xúc có quan hệ trực tiếp với nhau) là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Ngày 07/6/2012 Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án trên, tại phiên tòa Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tham gia phiên tòa đã rút kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện TH, đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện TH giải quyết lại vụ án.
2. Vụ “kiện đòi tài sản” giữa nguyên đơn: ông Trần Ngọc L và bà Phạm Thị H.
Nội dung vụ án: Từ tháng 2/2008 đến năm 2010 bà H (là giám đốc công ty TNHH HL) đã vay của ông L 03 lần tiền. Hai bên đã chốt nợ tại Công ty của bà H, bà H nợ ông L tổng số tiền là 509.267.000 đồng, có biên bản nhận nợ bà H đã ký và đóng dấu của công ty. Ngày 19/5/2010 khi làm việc tại UBND xã bà H còn thừa nhận còn nợ ông L số tiền gốc là 609.472.000 đồng và 152.075.000 đồng tiền lãi, tổng nợ là 761.574.000 đồng. Ngày 29/4/2011 bà H viết giấy nhận nợ và hẹn đến ngày 12/5/2011 nếu bà H không trả thì phải trả lãi suất số tiền trên tính theo lãi ngày. Đến hẹn bà H không trả được nợ nên ông L khởi kiện ra Tòa yêu cầu bà H phải trả ông số tiền 761.574.000 đồng, tính từ ngày 12/5/2011 đến ngày 12/12/2011 (7 tháng với lãi suất 1,55%/tháng = 82.627.000 đồng). Tổng cộng bà H phải trả ông cả gốc và lãi là 844.174.000 đồng.
Bà H thừa nhận có vay của ông L số tiền 350.000.000 đồng từ năm 2008, vay làm 4 lần, theo lãi suất ngân hàng nhưng bà không nhớ ngày tháng cụ thể. Ngày 19/4/2011 khi làm việc tại UBND xã bà ký nhận nợ với ông L có sự chứng kiến của UBND và ngày 29/4/2011 bà có ký vào giấy biên nhận nợ. Tuy nhiên bà không đồng ý với cách tính lãi suất của ông L, bà hứa sẽ xem xét tình hình tài chính của gia đình và để trả nợ dần cho ông Lâu cả gốc và lãi theo lãi suất ngân hàng.
Bản án số 03 ngày 14/3/2012 của Tòa án nhân dân huyện TH đã quyết định: áp dụng các điều 25, 33, 131, 243, 245 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 290, 305, 471, 476 Bộ luật dân sự xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông L buộc bà H phải thanh toán trả cho ông L số tiền còn nợ là: gốc là 761.547.000 đồng, lãi là 57.116.000 đồng, tổng cộng là 818.663.000 đồng. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự…
Ngày 20/3/2012 Viện kiểm sát nhân dân huyện TH nhận được bản án; ngày 27/3/2012 Viện kiểm sát nhân dân huyện TH đã ban hành kháng nghị số 02/QĐ-KNPT đề nghị sửa bản án sơ thẩm với các nội dung:
- Việc ông L khởi kiện yêu cầu bà H phải trả ông tổng số tiền 879.568.000 đồng là có căn cứ chấp nhận. Tuy nhiên việc Tòa áp dụng các Điều 290, 305, 471, 476 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 xử buộc bà H phải trả cho ông L số tiền 818.663.000 đồng nhưng không tính tiền lãi nợ quá hạn là chưa đầy đủ và đúng với quy định tại Điều 474 Bộ luật dân sự năm 2005 đã gây thiệt hại đến quyền lợi của ông L và gây thất thu cho nhà nước số tiền án phí dân sự trên số tiền lãi suất quá hạn. Ông L yêu cầu bà h phải thanh toán trả số tiền lãi suất trên tổng số nợ gốc là 118.039.000 đồng nhưng Tòa án nhân dân huyện TH chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông L là 57.116.000 đồng còn lại 60.923.700 đồng nhưng Tòa án lại buộc ông L phải chịu án phí dân sự là không đúng với quy định của Điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự và Khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh về án phí.
- Ngoài ra trong bản án Tòa án nhân dân huyện TH áp dụng Điều 305 Bộ luật dân sự nhưng không nêu trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự dẫn đến việc gây thiệt hại cho đương sự trong việc chậm thi hành bản án.
Ngày 31/5/2012 Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã xử xử phúc thẩm vụ án trên, bản án số 11/2012/DS-ST ngày 31/5/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện TH về nội dung Tòa án huyện TH không tính tiền lãi suất quá hạn đối với bà H về khoản nợ ông L. Các nội dung khác của kháng nghị không được chấp nhận.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm qua 2 vụ án trên:
Qua hai vụ án trên Phòng 5 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị các đồng chí Viện trường Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo cho Kiểm sát viên cần tập trung thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ trước khi tham gia phiên tòa, kiểm sát chặt chẽ diễn biến tại phiên tòa và bản án để phát hiện vi phạm kháng nghị theo thẩm quyền. Đồng thời trước khi kháng nghị phải báo cáo Viện kiểm sát tỉnh (qua phòng 5) để nắm được thông tin vi phạm và thống nhất bảo vệ kháng nghị, hạn chế thấp nhất việc kháng nghị không chuẩn xác dẫn đến Viện kiểm sát tỉnh phải rút kháng nghị hoặc Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận. Bên cạnh đó các Kiểm sát viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng chính xác trong việc viết, kiểm tra kỹ bản kháng nghị trước khi ký ban hành tranh việc cẩu thả dẫn đến những sai sót đáng tiếc. 
Tìm kiếm