CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 24/8/2012 đến 30/8/2012

04/09/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 228 ngày 24/8/2012, có bài: “Tòa chậm chuyển án, Viện kêu trời…” của tác giả Hoàng Yến. Nội dung: Mặc dù Điều 252 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định rõ về thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm của VKSND cùng cấp là 15 ngày, của VKSND cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án nhưng hiện nay ở nhiều Tòa án huyện và tỉnh trong phạm vi cả nước đều có tình trạng gửi bản án chậm nhiều ngày...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 24/8/2012 đến 30/8/2012
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 228 ngày 24/8/2012, có bài: “Tòa chậm chuyển án, Viện kêu trời…” của tác giả Hoàng Yến. Nội dung: Mặc dù Điều 252 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định rõ về thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm của VKSND cùng cấp là 15 ngày, của VKSND cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án nhưng hiện nay ở nhiều Tòa án huyện và tỉnh trong phạm vi cả nước đều có tình trạng gửi bản án chậm nhiều ngày. VKSND các cấp đã có nhiều kiến nghị đến Tòa án để sửa chữa, khắc phục sai sót này nhưng tình hình vẫn chưa có chuyển biến, làm ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát và quyền lợi hợp pháp của các đương sự, các tổ chức và những người tham gia tố tụng khi bản án còn có sai sót. Vì vậy, nhiều Luật sư đề nghị cần có chế tài nghiêm khắc hơn để xử tình trạng này. Nếu thời hạn quy định như trên là quá ngắn thì cần sửa Luật để tạo điều kiện tốt hơn cho việc thực hiện quyền kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân và những người tham gia tố tụng.
Yêu cầu Vụ 5, Vụ 12 kiểm tra các vụ, việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Lao động số 197 ngày 24/8/2012, có bài: “Có dấu hiệu quan chức bật đèn xanh” của tác giả Đỗ Văn. Nội dung: Trong vụ việc người dân tố cáo ông Phạm Bá Tặt, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, để cho Công ty Hoàng Thái của người Trung Quốc xây dựng trái phép nhà máy WOLFRAM 10 triệu USD tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ông Phạm Bá Tặt, Bí thư Đảng ủy xã và bà Phạm Thị Mùi, Chủ tịch UBND xã đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Người dân trong xã cho rằng hình thức kỷ luật này là quá nhẹ, còn ông Phạm Bá Tặt lại có báo cáo cho rằng ông chỉ làm theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND thị xã Móng Cái. Sau khi Công ty Hoàng Thái mời và đưa đoàn công tác của thành phố Móng Cái đi thăm Trung Quốc về đã chỉ đạo về chủ trương cho phép Công ty Hoàng Thái xây dựng lớn và mở rộng nhà máy trong địa bàn của xã. Đoàn công tác của thành phố còn đến nhà máy để kiểm tra tiến độ xây dựng. Theo điều tra của phóng viên báo cho thấy Thành ủy và một số lãnh đạo UBND thành phố Móng Cái có dấu hiệu “Cố ý làm trái” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1B, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Đại đoàn kết số 238 ngày 25/8/2012, có bài: “Người bị hại lao đao, kẻ lừa đảo nhởn nhơ” của tác giả Nguyễn Tiến. Nội dung: Năm 2005, vợ chồng Trần Văn Đẳng và Bùi Thị Mỹ Dung quê ở Tháp Chàm, Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận lên thành phố Đà Lạt sinh sống làm ăn, kinh doanh cà phê và bất động sản, sau đó lập đường dây làm chủ hụi để huy động nhiều người tham gia và trả lãi xuất cao. Đến đầu tháng 3/2012, đường dây hụi này bị đổ vỡ, hàng chục người tham gia đường dây hụi họ này đã bị vợ chồng Dung, Đẳng chiếm đoạt đến 50 tỷ đồng sau đó bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Sau khi bị tố cáo đến cơ quan pháp luật, Cơ quan Công an đã vào cuộc để điều tra. Đến ngày 11/4/2012, cặp vợ chồng này đến Cơ quan Công an trình báo và xác nhận số tiền đã chiếm đoạt của những người tham gia chơi hụi nhưng ngay sau đó vợ chồng Dung, Đẳng lại trở về quê ở Ninh Thuận sinh sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mà không bị cơ quan pháp luật điều tra xem xét để xử lý. Người dân đang hoang mang và mong chờ sự trả lời về kết quả xử lý vụ án từ các cơ quan pháp luật.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo thanh niên số 241 ngày 28/8/2012, có bài: “Tòa diễn giải sai pháp luật” của tác giả L.N. Nội dung: Ngày 27/8/2012, TAND tối cao tại thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp chuyển nhượng vốn góp giữa ông Hồ Đắc Tuấn và Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải. Mặc dù đại diện Viện kiểm sát và Luật sư đã phân tích rất nhiều sai sót vi phạm tố tụng và cả nội dung trong bản án sơ thẩm như: Tòa đã xác định sai bị đơn của vụ án, vi phạm Điều 11 Luật thương mại về nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại, xử cả nội dung ngoài đơn khởi kiện của nguyên đơn, tước bỏ quyền phản tố của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải nên đã đề nghị hủy án sơ thẩm nhưng Hội đồng xét xử vẫn bảo vệ cái sai của cấp sơ thẩm và tuyên y án sơ thẩm là không đúng pháp luật.
Yêu cầu Vụ 12 kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Lao động số 199 ngày 28/8/2012, có bài: “Bi kịch từ một vụ buôn người” số 200 ngày 29/8/2012, có bài: “Người đàn bà lưu lạc và chứng cứ giải oan” của tác giả Ngô Chí Tùng. Nội dung: 15 năm về trước, chị Đỗ Thị Hằng sinh 1953, trú tại số 21, tổ 12, phường Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang bị TAND tỉnh Bắc Giang kết tội “mua bán phụ nữ” sang Trung Quốc và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam với những chứng cứ không đầy đủ. Chị Hằng đã chứng minh rõ trong thời gian xảy ra sự việc phạm tội chị không có mặt tại Việt Nam vì bị bán sang Trung Quốc mới trốn được về nước. Chị cũng đề nghị được đối chất với các bị hại nhưng các yêu cầu chính đáng của chị không được Tòa chấp nhận. Khi chị Hằng bị bắt anh Ngô Văn Mỹ liên tục đi kêu oan cho vợ nhưng không được nên đã tự sát để lại 5 đứa con bơ vơ phải sống nhờ sự đùm bọc của người nhà và hàng xóm. Chị Dương Thị Liễu và Khổng Thị Mỹ là những người được coi là bị hại của chị Hằng đã viết đơn để minh oan cho chị. Tuy nhiên, vụ việc này vẫn chưa được các cơ quan pháp luật tỉnh Bắc Giang kiểm tra và trả lời.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Tiền Phong số 242 ngày 29/8/2012, có bài: “Nghệ sỹ điện ảnh chán nản” của tác giả Toan Toan. Nội dung: Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa có Văn bản số 01/ VKSTC-V1 ngày 13/8/2012, tạm đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với ông Lê Ngọc Minh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh liên quan đến việc bị can Phạm Thanh Hải là kế toán của Cục Điện ảnh tham ô 36 tỷ đồng đã bỏ trốn. Nhiều Nghệ sỹ nhân dân và các nhà biên kịch, đạo diễn tỏ thái độ không đồng tình với quyết định trên và cho rằng cứ bị can chính bỏ trốn thì những người liên quan sẽ vô can.
Yêu cầu Vụ 1 kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát trong thời gian tới.
Tìm kiếm