CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh thông báo rút kinh nghiệm về kháng nghị phúc thẩm án hình sự

21/08/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với 02 vụ án hình sự có kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã được Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận. Để nâng cao nhận thức pháp luật, kinh nghiệm trong công tác kiểm sát ngày 03/8/2012 Viện phúc thẩm 3 đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm số 537, rút kinh nghiệm về một số nội dung trong việc ban hành kháng nghị phúc thẩm án hình sự: Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin trích đăng để bạn đọc tham khảo:...
Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh thông báo rút kinh nghiệm về kháng nghị phúc thẩm án hình sự
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với 02 vụ án hình sự có kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã được Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận. Để nâng cao nhận thức pháp luật, kinh nghiệm trong công tác kiểm sát ngày 03/8/2012 Viện phúc thẩm 3 đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm số 537, rút kinh nghiệm về một số nội dung trong việc ban hành kháng nghị phúc thẩm án hình sự: Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin trích đăng để bạn đọc tham khảo:
1. Vụ thứ nhất: Hồ Minh T phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”:
Nội dung vụ án: Ngày 20/8/2011 do không kiềm chế được dục vọng T đã thực hiện hành vi giao cấu với cháu Võ Thị Ngọc N, sinh ngày 05/01/1999, sau đó bị phát hiện, bắt giữ. Trước đó vào tháng 07/2011, T cũng đã một lần thực hiện hành vi giao cấu với cháu N.
Hồ Minh T đã có 01 tiền án bị phạt 06 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, chấp hành xong ngày 23/8/2010.
Bản án số 05/2012/HSST ngày 12/01/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh đã áp dụng Điều 112 Khoản 4; Điều 46 Khoản 1,2 Điểm b,p; Điều 48 Khoản 1 Điểm g; Điều 47 Bộ luật hình sự xử phạt Hồ Minh T 08 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Sau khi xét xử sơ thẩm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có kháng nghị phúc thẩm số 07/QĐ-KN ngày 16/01/2012, kháng nghị một phần bản án trên, đề nghị xử theo hướng tăng hình phạt với bị cáo với lập luận: Mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo Điểm b, p, Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, tuy nhiên bị cáo có 02 tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần” (02 lần) và nhân thân bị cáo có 01 tiền án bị xét xử và bị phạt tù giam… nhưng Tòa án áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự tuyên mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là nhẹ và không đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận kháng nghị, tăng hình phạt với bị cáo, xử phạt Hồ Minh T từ 10 năm đến 12 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên xử: Chấp nhận kháng nghị phúc thẩm số 07/QĐ-KN ngày 16/01/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, tăng hình phạt đối với bị cáo, xử phạt Hồ Minh Trí 10 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”.
2. Vụ thứ hai: Nguyễn Thị A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Nội dung vụ án: Năm 2006 A rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán tiền hụi cho nhiều dây hụi dở dang. Đầu năm 2007, A có hành vi gian dối mở thêm 28 dây hụi có qui mô lớn nhằm hốt tiền lén trả cho những người trước, đồng thời A cũng xác lập nhiều hợp đồng vay tài sản của nhiều người khác; bằng thủ đoạn trên A đã chiếm đoạt được của 32 người với số tiền là 3.783.592.000 đồng; đến tháng 6/2010 A khắc phục được 1.070.452.000 đồng, còn lại A chiếm đoạt 2.713.500 đồng.
Tại bản án số 06/2012/HSST ngày 12/01/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh áp dụng Điều 139 Khoản 4 Điểm a; Điều 46 Khoản 1,2 Điểm b, p; Điều 47 Bộ luật hình sự xử phạt Nguyễn Thị A 07 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có kháng nghị số 09/QĐ-KN ngày 18/01/2012 kháng nghị một phần bản án trên, đề nghị phúc thẩm xử theo hướng tăng hình phạt với bị cáo với lập luận như sau: Qua xem xét bản án số 06/2012/HSST ngày 12/01/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh là thiếu căn cứ, không tương xứng với hành vi phạm tội và định lượng mà bị cáo đã chiếm đoạt… trái với quy định tại Điểm b mục 2.2 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của các Điều 139, 193, 194, 278, 279, 289 Bộ luật hình sự 1999…
Tại phiên tòa phúc thẩm Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, tăng hình phạt với bị cáo, xử phạt Nguyễn Thị A từ 10 năm đến 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên xử: Chấp nhận kháng nghị phúc thẩm số 09/QĐ-KN ngày 18/01/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, tăng hình phạt với bị cáo, xử phạt Nguyễn Thị A 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Một số vấn đề rút ra từ 02 bản kháng nghị nêu trên:
Do làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các kháng nghị phúc thẩm khi phát hiện bản án sơ thẩm tuyên xử các bị cáo mức án quá nhẹ, không tương xứng với tính chất vụ án, không phù hợp với pháp luật và văn bản hướng dẫn đường lối xét xử các tội phạm cụ thể trong Bộ luật hình sự. Cả 02 bản kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đều đảm bảo chặt chẽ về hình thức lẫn nội dung, đúng thủ tục và thời hạn pháp luật quy định.
Ưu điểm của kháng nghị phúc thẩm số 07/QĐ-KN ngày 16/01/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đối với vụ án Hồ Minh Trí phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” là ở chỗ ngoài việc tập trung phân tích những điểm không phù hợp của bản án sơ thẩm khi đánh giá tính chất vụ án thì kháng nghị còn nêu được những thiếu sót quan trọng mà bản án sơ thẩm đã bỏ qua không đề cập tới khi lượng hình đó là yếu tố nhân thân của bị cáo trong vụ án. Theo quy định của Điều 45 Bộ luật hình sự thì nhân thân bị cáo là một trong những căn cứ khi xem xét quyết định hình phạt, chính từ việc bỏ qua không xem xét tới yếu tố nhân thân của bị cáo dẫn đến việc đánh giá của bản án sơ thẩm thiếu toàn diện và hệ quả là tuyên phạt bị cáo mức hình phạt không tương xứng, quá nhẹ.
Những phân tích và lập luận của kháng nghị số 07/QĐ-KN ngày 16/01/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thể hiện sự cân nhắc đánh giá một cách toàn diện tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đúng với quy định của Điều 45 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên nếu trong kháng nghị nêu được một vài dòng về thực trạng tình hình phức tạp của tội phạm hiếp dâm trẻ em xảy ra ở địa phương cùng yêu cầu đấu tranh chống và phòng ngừa loại tội này hiện nay thì kháng nghị sẽ mang tính thuyết phục cao hơn.
Đối với kháng nghị phúc thẩm số 09/QĐ-KN ngày 18/01/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh: Ưu điểm của kháng nghị này là đã viện dẫn cụ thể thiếu sót của bản án sơ thẩm đã không vận dụng đầy đủ quy định của pháp luật khi lượng hình, cụ thể là đã không vận dụng Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của các Điều 139, 193, 194, 278, 289 Bộ luật hình sự khi xét xử vụ án này. Từ việc vận dụng văn bản hướng dẫn đường lối xét xử tại Nghị quyết dẫn đến việc tuyên xử bị cáo mức án quá nhẹ không tương xứng với tính chất vụ án, không phù hợp với pháp luật. Theo hướng dẫn áp dụng Điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Điểm b tiểu mục 2.2 của Nghị quyết 01 nêu rõ: “trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thì có thể xử phạt người phạm tội mức án…như sau: … xử phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 1 tỷ 500 triệu đồng đến dưới 4 tỷ 500 triệu đồng…”
Như vậy căn cứ vào hướng dẫn áp dụng Điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Nghị quyết nêu trên thì thấy Nguyễn Thị A đã lừa đảo chiếm đoạt 3.783.592.000 đồng mà bản án sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo 07 năm tù là quá nhẹ, không phù hợp và trái với hướng dẫn của Nghị quyết, do vậy kháng nghị tăng hình phạt với bị cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh là hoàn toàn có căn cứ. Tuy nhiên trong vụ án này bị cáo A phạm vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự qui định tại Điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự (phạm tội nhiều lần), bản án sơ thẩm không áp dụng nhưng kháng nghị lại không đề cập tới, nếu tình tiết này được nêu trong kháng nghị thì bản kháng nghị phúc thẩm sẽ thể hiện sự đánh giá toàn diện và mang tính thuyết phục cao hơn. 
Tìm kiếm