CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC HỒ DẠY: CÁN BỘ KIỂM SÁT PHẢI "CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN"

05/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC HỒ DẠY: CÁN BỘ KIỂM SÁT PHẢI "CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN"

VŨ QUANG CHÍNH - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội

 

Hưởng ứng cuộc vận động của Bộ Chính trị: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", mỗi cấp, mỗi ngành đều có kế hoạch thực hiện với nội dung yêu cầu sao cho sát thực, gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành mình, gắn với việc thực hiện chức trách của từng chức danh trong đơn vị.

Trong bản kế hoạch của mình, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phát động toàn Ngành học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng khiêm tốn". Theo tôi, mục tiêu định hướng đó là sát hợp, kết hợp được yêu cầu học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy với nội dung yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp do Bộ Chính trị đề xướng; kết hợp với yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm sát xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh, tạo tiền đề cho bước chuyển có tính chất lịch sử của Ngành, trong những năm đầu của thập kỷ tới.

Lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" xuất hiện ngay sau khi ngành Kiểm sát nhân dân được thành lập; sau đó, ngày 01/02/1963, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 68 về công tác kiểm sát. Nội dung của Nghị quyết số 68 xác định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước; xác định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; xác định mối quan hệ Đảng lãnh đạo với yêu cầu bảo đảm pháp chế thống nhất trong cả nước. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên của ngành Kiểm sát, đã quán triệt các nội dung yêu cầu trên trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong lời dạy của Bác Hồ đối với việc đặt móng, xây nền Viện kiểm sát nhân dân. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Lãnh đạo và Kiểm sát viên các cấp. Theo lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém".

Nhìn lại chặng đường 47 năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc của Hiến pháp và các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, không ngừng được củng cố và phát triển. Những đóng góp của ngành Kiểm sát nhân dân vào sự nghiệp chung của giai cấp và dân tộc được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Có thể nói, thành tựu to lớn của Viện kiểm sát nhân dân là sự trưởng thành về chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và Kiểm sát viên các cấp. Người có công đầu là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Quốc Việt.

Trong các lần giảng bài về phẩm chất đạo đức của người cán bộ Kiểm sát cho các khoá học của Trường đào tạo cán bộ Kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt thường nhấn mạnh các tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng và phong cách của Kiểm sát viên: Kiểm sát viên phải là đảng viên cộng sản. Kiểm sát viên phải có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về trọng trách của Viện kiểm sát nhân dân, của người cán bộ Kiểm sát trong việc bảo vệ chế độ, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước và xã hội. Phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Phải vững vàng về chính trị, thông thạo về nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức. Có dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế; thường xuyên rèn luyện theo 5 đức tính Bác Hồ dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Tôi là người thuộc lớp cán bộ đầu tiên của ngành Kiểm sát, được đồng chí Hoàng Quốc Việt trực tiếp giáo dục rèn luyện. Trưởng thành qua những năm tháng công tác, cùng với việc học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn"; tôi ghi lại những nhận thức và sự vận dụng những lời dạy của Bác trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được Viện trưởng phân công.

Trước hết, nói về sự "công minh" của Kiểm sát viên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình. Có thể hiểu một cách ngắn gọn, đó là: Yêu cầu Kiểm sát viên phụng sự việc công, bảo vệ lợi ích chung một cách thông minh sáng tạo và có hiệu quả. Kiểm sát viên khi xét việc, xem người phải trên cơ sở những sự kiện đã được thẩm tra, xác định; căn cứ vào đường lối chính sách của Đảng, căn cứ các chuẩn mực do pháp luật quy định, với sự công tâm của mình để phân rõ đúng sai, cân nhắc mọi mặt để có những quyết định chính xác. Không vì tình riêng, lợi ích riêng, hoặc chịu sự tác động tiêu cực trong xã hội mà giải thích pháp luật, áp dụng quy phạm pháp luật một cách sai lệch. Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt, công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị; hoạt động kiểm sát phải gắn với yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước trong từng thời gian; phải kết hợp bảo đảm pháp chế thống nhất với yêu cầu chính trị ở địa phương. Trong đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phải quan tâm tới hệ quả về chính trị xã hội của tác động kiểm sát. Điều này đòi hỏi Kiểm sát viên phải thường xuyên nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt, trước hết là trình độ nhận thức về chính trị và thời cuộc, nhạy cảm trước những yêu cầu của cuộc sống, do cuộc sống đặt ra.

Thứ hai, về sự "chính trực" của Kiểm sát viên thể hiện qua hoạt động kiểm sát: Đó là sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật, xử lý tội phạm và vi phạm một cách kiên quyết và triệt để; giữ vững nguyên tắc theo pháp luật quy định: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; mọi hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải bị xử lý theo pháp luật. Kiểm sát viên đấu tranh không khoan nhượng với mọi hình thức biểu hiện của sự bao che cho kẻ phạm tội, của sự lẩn tránh trách nhiệm trước pháp luật; mềm dẻo trong phương pháp, kiên định trên nguyên tắc, tỏ rõ dũng khí trong đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, chống mọi hành vi lộng quyền, lạm quyền, cường quyền, xâm phạm tài sản và các quyền tự do dân chủ của công dân, bất kể họ là ai. Kiểm sát viên không ngại khó, không sợ khổ, không sợ mất chức, mất quyền. Tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.

Thứ ba, về tính "khách quan" trong hoạt động thực hiện chức trách nhiệm vụ của Kiểm sát viên được hiểu là hoạt động của Kiểm sát viên phải xuất phát từ hiện thực khách quan, từ những yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong từng thời điểm lịch sử, cũng như trong việc xử lý đối với các vụ, việc cụ thể. Ở đây có mối quan hệ giữa chủ thể với khách thể. Đối tượng của hoạt động kiểm sát và thực hành quyền công tố là các loại tội phạm, các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Viện kiểm sát nhân dân đạt kết quả ở mức độ nào; chất lượng và hiệu quả công tác của Kiểm sát viên cao hay thấp, là tuỳ thuộc ở chỗ có hiểu rõ tính chất và đặc điểm của từng loại tội phạm, hiểu rõ quy luật vận động của tội phạm và sự tồn tại của nó trong những điều kiện lịch sử cụ thể về kinh tế, chính trị xã hội ra sao. Từ đó, xác định trách nhiệm của Kiểm sát viên, không chỉ giải quyết đúng đắn đối với từng vụ án, mà thông qua đó, tổng hợp từng loại tội phạm, cùng với những nguyên nhân, điều kiện, phát sinh, phát triển của nó. Kiểm sát viên cần nghiên cứu đề xuất với Đảng và Nhà nước, áp dụng các biện pháp (hành chính, kinh tế, tư tưởng, pháp luật...) một cách đồng bộ, nhằm khắc phục cả một tình trạng tiêu cực trong xã hội.

Thứ tư, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có sự "thận trọng" trong việc giải quyết các mối quan hệ khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, là xuất phát từ tính chất gay go, phức tạp, quyết liệt của công tác đấu tranh chống tội phạm và vị trí pháp lý của Kiểm sát viên trong cuộc đấu tranh đó.

Kiểm sát viên phải luôn soi mình trong luật pháp. Mọi hành vi pháp lý của Kiểm sát viên đều phải xuất phát từ luật và thực hiện trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Luôn ghi nhớ, khi sử dụng quyền lực của pháp luật để phát hiện và xử lý tội phạm phải gắn liền với nghĩa vụ bảo vệ quyền tự do dân chủ và các lợi ích hợp pháp của công dân; đề cao trách nhiệm trước dân, trước Đảng, không để lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

Về mặt nghiệp vụ kiểm sát, Kiểm sát viên phải nắm vững các yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể; kiểm tra chặt chẽ tính xác thực, tính hợp pháp của từng loại chứng cứ; tôn trọng và bảo vệ sự thật khách quan, chống mọi biểu hiện làm sai lệch hình ảnh vốn có của sự vật, trong quá trình điều tra xác định tội phạm và người phạm tội. Khi quyết định xử lý đối với vụ án, Kiểm sát viên phải trên cơ sở đánh giá toàn bộ chứng cứ (trong mối liên hệ của chúng) được thể hiện trong hồ sơ, qua đó rút kết luận về tính chất của vụ án, hậu quả xảy ra và trách nhiệm pháp lý đối với hành vi sai trái của mỗi cá nhân; tránh nhầm lẫn giữa hình sự với dân sự, giữa tội phạm với vi phạm hành chính. Trách nhiệm của Kiểm sát viên trước phiên toà là bảo vệ cáo trạng, bảo vệ các căn cứ buộc tội; trong quá trình thẩm vấn; tranh tụng tại phiên toà, nếu thấy xuất hiện trước Toà những sự kiện, những tình tiết mới, làm thay đổi bản chất của sự vật, thay đổi tính chất của vụ án, thì không thể tiếp tục bảo vệ các kết luận trong cáo trạng, mà phải kịp thời đề nghị Toà án hoãn phiên toà hoặc rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố... tuỳ theo tình hình cụ thể diễn ra trước Toà. Đối với vụ án quan trọng, phức tạp, có tác động sâu rộng trong nhân dân, Kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Cấp uỷ Đảng cùng cấp.

Cuối cùng, sự "khiêm tốn" của Kiểm sát viên thể hiện trong việc xử lý đúng đắn các mối quan hệ đa chiều, đa dạng trong công tác; không ngừng nâng cao trình độ, năng lực tác nghiệp của bản thân, điều này có tác dụng làm giảm bớt các trở ngại, khó khăn, tăng thêm thuận lợi trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, theo sự phân công của Viện trưởng.

Đứng trước yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động kiểm sát với những kiến thức và kinh nghiệm Kiểm sát viên tích luỹ được trong quá khứ, luôn tỏ ra bất cập, không đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tội phạm trong hiện tại. Bởi lẽ, các loại tội phạm và các đối tượng phạm tội, cùng với các hình thức, thủ đoạn phạm tội, luôn vận động, biến đổi theo với sự phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và trình độ tổ chức quản lý của bộ máy Nhà nước.

Luật quy định, Kiểm sát viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Điều đó không có nghĩa là, Kiểm sát viên cần phải hoạt động một cách biệt lập. Trái lại, phải biết tranh thủ sự giúp đỡ của đồng nghiệp, sự hợp tác của chuyên gia các ngành (kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật...). Qua đó học hỏi bổ sung những thiếu hụt về mặt kiến thức, tiếp thu cách tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề trong các mối quan hệ đa dạng, phức tạp của sự vật trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, hai mặt này có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, làm tiền đề cho nhau. Kết quả giải quyết một vụ án là kết quả chung của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó mỗi cơ quan có vai trò riêng của mình.

Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân là bảo đảm toàn bộ hoạt động tố tụng, cũng như trong từng giai đoạn tố tụng (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật. Bảo đảm các quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có căn cứ và hợp pháp.

Để làm tròn trọng trách của mình, Kiểm sát viên cần nắm vững nguyên tắc trong quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan tư pháp thực hiện đúng đắn phương châm vừa giám sát, vừa hỗ trợ, tôn trọng nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhằm mục đích chung là, phát hiện và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình; góp phần xây dựng và củng cố trật tự xã hội mới; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Tìm kiếm