CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiệm thu Đề tài cấp nhà nước: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc đổi mới thủ tục tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”

04/10/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 01/10/2011, Đề tài cấp nhà nước: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc đổi mới thủ tục tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” do Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Chủ nhiệm đề tài đã bảo vệ thành công tại Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước. Thành phần Hội đồng theo Quyết định số 2959/QĐ-BKHCN ngày 21/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ gồm 09 thành viên do Giáo sư – Tiến sỹ Lê Minh Tâm (Hội Luật gia Việt Nam) làm Chủ tịch Hội đồng. Tham dự buổi nghiệm thu đề tài có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; các thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài Viện kiểm sát nhân dân tối cao...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiệm thu Đề tài cấp nhà nước:
“Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc đổi mới thủ tục tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”
 
 
Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao,
Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài
Ngày 01/10/2011, Đề tài cấp nhà nước: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc đổi mới thủ tục tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” do Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Chủ nhiệm đề tài đã bảo vệ thành công tại Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước. Thành phần Hội đồng theo Quyết định số 2959/QĐ-BKHCN ngày 21/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ gồm 09 thành viên do Giáo sư – Tiến sỹ Lê Minh Tâm (Hội Luật gia Việt Nam) làm Chủ tịch Hội đồng. Tham dự buổi nghiệm thu đề tài có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; các thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề tài, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài cấp nhà nước của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đề tài được triển khai nghiên cứu từ tháng 01/2009, hoàn thành vào 31/3/2011. Quá trình triển khai nghiên cứu đề tài, Ban chủ nhiệm đã triển khai 07 hướng nghiên cứu chính, đã thực hiện tất cả các hạng mục công việc xác định tại Đề cương và Hợp đồng nghiên cứu của đề tài. Kết cấu Đề tài gồm 04 chương, trong đó Chương I nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về tố tụng hình sự (TTHS); Chương II, Chương III, Chương IV nghiên cứu, luận giải 21 vấn đề cụ thể liên quan đến thủ tục TTHS. Trong quá trình nghiên cứu, đã xây dựng được hệ thống tài liệu cho các hoạt động nghiên cứu của đề tài, bao gồm 64 chuyên đề nghiên cứu thuộc 10 đề tài nhánh được xác định trong Đề cương, 10 báo cáo khoa học tổng kết của 10 đề tài nhánh và 15 chuyên đề độc lập. Đã biên dịch nhiều tài liệu nước ngoài và 07 Bộ luật TTHS đại diện một số nước điển hình cho các mô hình TTHS. Tổng kết thực tiễn 07 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2003. Tiến hành điều tra xã hội học, khảo sát thực tiễn tại 05 tỉnh với 500 phiếu hỏi chuyên sâu về các vấn đề đổi mới thủ tục TTHS. Khảo sát kinh nghiệm tố tụng hình sự tại Trung Quốc. Phối hợp với các Dự án quốc tế của VKSND tối cao khảo sát kinh nghiệm xây dựng pháp luật TTHS tại Nhật Bản. Tổ chức 02 cuộc Hội thảo lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và nhiều cuộc toạ đàm khác về đổi mới thủ tục TTHS đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Các hoạt động nghiên cứu nêu trên được thực hiện với sự tham gia tích cực, rộng rãi của nhiều nhà khoa học và những chuyên gia thực tiễn công tác tại Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội và Toà án, Viện kiểm sát, Sở Công an một số địa phương.
Trên cơ sở các hướng nghiên cứu trên, đề tài tập trung nghiên cứu, làm rõ  về các nội dung: Mô hình TTHS; nguyên tắc của TTHS; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản của TTHS; phân định thẩm quyền hành chính và thẩm quyền tố tụng; chế định chứng cứ, chứng minh; biện pháp ngăn chặn; thời hạn tố tụng; thủ tục khởi tố; thủ tục truy tố; thủ tục xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; thi hành án hình sự; thủ tục rút gọn; hợp tác quốc tế trong TTHS; giám sát đối với hoạt động TTHS. Từ các kết quả nghiên cứu nêu trên, Ban chủ nhiệm đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; Luật tổ chức TAND; Luật tổ chức VKSND; đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các chế định, quy định cơ bản của Bộ luật TTHS năm 2003. Đồng thời, kiến nghị những giải pháp bảo đảm thực thi những đề xuất, kiến nghị đổi mới thủ tục TTHS nước ta trong thời gian tới.
Sau khi các thành viên Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài phát biểu ý kiến nhận xét, đánh giá kết quả nghiên cứu, nêu câu hỏi và nghe giải đáp của Chủ nhiệm đề tài, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết luận đánh giá cao kết quả nghiên cứu, xây dựng đề tài; đồng thời nhấn mạnh việc đề tài đã đáp ứng đầy đủ nội dung được xác định tại Hợp đồng nghiên cứu khoa học đã ký kết. Đề tài có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn hoạt động TTHS; đề xuất được nhiều giải pháp có giá trị tham khảo trong việc lựa chọn mô hình tố tụng, nghiên cứu, đào tạo, xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về TTHS nói chung và thủ tục TTHS nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Với số điểm trung bình đạt 9,11 điểm, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài công bố kết quả: Đề tài cấp nhà nước “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc đổi mới thủ tục tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” do Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng đạt loại xuất sắc và được nghiệm thu.
Trường Thanh   
 
         
Tìm kiếm