CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo

16/04/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 10/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo...

 

Ngày 10/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo.

Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với cá nhân tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc giải quyết tốt cáo, bảo vệ người tố cáo; quy định chi tiết Điều 30, Điều 33, khoản 5 Điều 38, Điều 40 và Chương VI của Luật Tổ cáo và các biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, bao gồm: Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; xử lý thông tin có nội dung tố cáo và tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Cụ thể:

Về thời hạn giải quyết tố cáo:

- Được quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Tố cáo. Việc gia hạn giải quyết tố cáo được áp dụng đối với vụ việc phức tạp và đặc biệt phức tạp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 30 Luật Tố cáo.

- Việc gia hạn giải quyết tố cáo phải được thực hiện bằng quyết định của người giải quyết tố cáo, được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Luật Tố cáo. Quyết định gia hạn giải quyết tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Rút tố cáo:

- Người tố cáo có quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản, văn bản rút tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ và tên, địa chỉ của người rút tố cáo; nội dung tố cáo được rút, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người rút tố cáo.

- Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người tố cáo thì từng người rút tố cáo thực hiện việc rút tố cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này. Trường hợp tất cả những người tố cáo rút tố cáo thì người đại diện thực hiện việc rút tố cáo bằng văn bản hoặc người tiếp nhận lập biên bản ghi lại việc rút tố cáo có chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của những người tố cáo hoặc của người đại diện.

- Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiết hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Tố cáo.

Ngoài ra, Mục 2 Nghị định này quy định về "Bảo vệ người tố cáo", bao gồm:

- Trách nhiệm của người giải quyết tố cáo khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ (gọi tắt là đề nghị bảo vệ):

+ Khi nhận được đề nghị bảo vệ của người tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm xem xét, đánh giá căn cứ, tính xác thực của đề nghị bảo vệ và quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền quy định tại Điều 52 Luật Tố cáo. Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

+ Trường hợp khẩn cấp, người giải quyết tố cáo đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ngay lập tức, sau đó gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

- Trách nhiệm của cơ quan được đề nghị hoặc yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ:

Khi nhận được đề nghị hoặc yêu cầu của người giải quyết tố cáo thì cơ quan có thẩm quyển căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định tại Điều 52 Luật Tố cáo và thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo, người được bảo vệ.

Xem toàn văn Nghị định số 31/2019/NĐ-CP tại đây.

Trường Giang

Giới thiệu

 

Tìm kiếm