CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ

03/06/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Chiều ngày 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Chiều ngày 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ

Thảo luận tại phiên họp các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về nhiều nội dung của dự án Luật như sự cần thiết ban hành luật, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, về dịch vụ phụ trợ kinh doanh bảo hiểm, việc xác định hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ phải áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới…

Cần tiếp tục rà soát bảo đảm quy định thống nhất

Qua thảo luận các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành của dự thảo Luật, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ tại dự thảo Luật này nhằm thực hiện Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội để thực thi ngay Hiệp định CPTPP, phạm vi sửa đổi tập trung vào các vấn đề trực tiếp liên quan đến các cam kết tại Hiệp định CPTPP và các văn kiện mà Việt Nam tham gia kí kết.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm, làm rõ khái niệm “hoạt động kinh doanh bảo hiểm”, cân nhắc về tên chương, mục để đảm bảo kết cấu và tính thống nhất của Luật hiện hành.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng việc dự thảo bổ sung 5 hoạt động gồm hoạt động tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm và nhóm dịch phụ trợ bảo hiểm. Các quy định liên quan về giải thích từ ngữ, điều kiện cung cấp dịch vụ đều được quy định chung cho nhóm các hoạt động này và độc lập với các dịch vụ hiện có được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành như kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm… Đại biểu cho rằng cách quy định như vậy là không thống nhất với bản chất dịch vụ có liên quan đến bảo hiểm cũng như thông lệ quốc tế.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Đại biểu đề nghị sửa tổng thể về vấn đề này trong dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm cả đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và các dịch vụ phụ trợ khác; bổ sung một số quy định về từng hoạt động phụ trợ bảo hiểm (như đại lý, môi giới, tư vấn, đánh giá rủi ro, tính toán, giám định), bổ sung quy định mở về “các hoạt động khác có liên quan”, quy định cụ thể nội dung từng hoạt động, điều kiện kinh doanh, hợp đồng dịch vụ.

Cùng quan điểm cho rằng việc quy định về các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của dự thảo Luật là chưa thống nhất với luật hiện hành và thông lệ quốc tế, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cần bổ sung thêm giải thích từ ngữ đối với các hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới, quy định cụ thể về từng hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm ở các khía cạnh nội dung hoạt động, điều kiện kinh doanh, hợp đồng dịch vụ... Nội dung của từng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cần liệt kê các hoạt động cụ thể có khoản mở cuối là các hoạt động khác có liên quan. Cùng với đó cần điều chỉnh danh mục các ngành nghề đầu tư có điều kiện trong Luật Đầu tư theo hướng bỏ ngành nghề đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và bổ sung ngành nghề dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để bảo đảm thống nhất.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đến nay đã được gần 20 năm. Từ khi Luật được ban hành cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 thì Chính phủ các bộ đã ban hành 47 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành. Đến nay, Luật Kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được sửa đổi, bổ sung một số điều.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đánh giá hệ thống văn bản tạo khung pháp lý minh bạch cho thị trường bảo hiểm trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm chặt chẽ từ khâu cấp phép đến quản lý, xử lý vi phạm hành chính tạo sự chủ động trong kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên với một hệ thống văn bản luật và dưới luật đồ sộ, cộng với thực tiễn phát sinh vấn đề như hợp đồng vô hiệu, tính phí bảo hiểm, nguyên tắc kỹ thuật bảo hiểm… còn bất cập, gây khó khăn cho các chủ thể tham gia bảo hiểm, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và cơ quan quản lý nhà nước trong hợp nhất văn bản, tra cứu thông tin và thực hiện nhiệm vụ quản lý. Đại biểu đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu rà soát để sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Quy định chặt chẽ điều kiện bảo đảm hiệu quả quản lý

Cho ý kiến về điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết dự thảo Luật đã không quy định về điều kiện đăng ký cấp giấy thành lập và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp mà chỉ đưa ra điều kiện để cơ quan nhà nước thực hiện hậu kiểm. Đại biểu cho rằng nội dung của dự thảo Luật thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong tư duy quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm của Chính phủ.

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng

Để các nội dung quy định về hậu kiểm có tính khả thi, cân bằng giữa mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, đại biểu đề nghị có cơ chế chính sách để thị trường bảo hiểm phát triển toàn diện, an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần nâng cao hơn nữa điều kiện về chuyên môn, tiêu chuẩn của cá nhân hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Theo đó yêu cầu đối với cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có trình độ tối thiểu là đại học chuyên ngành bảo hiểm hoặc tốt nghiệp đại học trở lên đối với chuyên ngành khác và có chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm. Đồng thời phải có các hướng dẫn bổ sung về phương thức quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, có cơ chế giám sát chặt chẽ với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập.

Bảo Yến

(quochoi.vn)

Tìm kiếm