CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy định mới về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật

22/06/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 21/6/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 08/8/2021 và thay thế Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương do Thủ tướng Chính phủ thành lập, gồm các thành phần sau đây:

- Chủ tịch Hội đồng: Phó Thủ tướng Chính phủ.

- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng: Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

- Các Phó Chủ tịch Hội đồng: Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; mời Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

- Các Uỷ viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức sau: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mời đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Toà án nhân dân tối cao, VKSND tối cao, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm Uỷ viên Hội đồng.

- Căn cứ vào thành phần Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương và yêu cầu thực tiễn của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh), Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp huyện) quyết định thành phần, số lượng thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật:

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Hoàn thiện thể chế, pháp luật về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, ban hành và đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ;

- Truyền thông chính sách pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội, huy động Nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả;

- Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên phạm vi toàn quốc;

- Thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông về chính sách pháp luật;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện tư vấn cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trên địa bàn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành văn bản về cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách pháp luật tại địa phương;

- Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương;

- Hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại địa phương; thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn;

- Thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông về chính sách pháp luật;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác được Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp giao.

Ngoài ra, Quyết định trên cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Uỷ viên Hội đồng, Cơ quan Thường trực, Tổ Thư ký Hội đồng và chế độ làm việc, thông tin báo cáo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chậm nhất 03 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã được thành lập theo Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg phải được kiện toàn theo Quyết định này.

TG (Giới thiệu)
Tìm kiếm