CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

NGÀNH KIỂM SÁT NGHỆ AN NHẬN THỨC VÀ THỰC HIỆN LỜI DẠY CỦA BÁC BẰNG NHỮNG VIỆC LÀM CỤ THỂ

05/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

NGÀNH KIỂM SÁT NGHỆ AN NHẬN THỨC VÀ THỰC HIỆN LỜI DẠY CỦA BÁC BẰNG NHỮNG VIỆC LÀM CỤ THỂ

NGUYỄN VĂN THÔNG - Viện tr­ưởng VKSND tỉnh Nghệ An

 

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn, biện chứng giữa đức và tài, là sự hoà quyện giữa trí tuệ và lòng nhân ái, phẩm chất và năng lực của người cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải nêu gư­ơng về đạo đức, phải làm kiểu mẫu về đạo đức, gư­ơng mẫu về hành động, nói đi đôi với làm, phải th­ường xuyên chăm lo tu dư­ỡng đạo đức như­ việc rửa mặt hàng ngày.

Cán bộ ngành Kiểm sát tỉnh Nghệ An có niềm vinh dự to lớn là đư­ợc sinh ra, lớn lên và công tác trên quê h­ương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm lớn: Phải làm sao để xứng đáng với Bác, với sự quan tâm của Đảng, của Bác đối với Ngành, với quê h­ương. Từ ngày thành lập Ngành đến nay, các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã vư­ợt qua nhiều khó khăn thử thách, phấn đấu không ngừng cho sự tr­ưởng thành của Ngành, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của Bác Hồ và của nhân dân.

Trong suốt 47 năm qua, các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát tỉnh Nghệ An luôn chú trọng rèn luyện và giữ gìn đạo đức phẩm chất theo lời Bác Hồ dạy; chính vì vậy đã tạo nên một đội ngũ cán bộ vững mạnh, trong sạch; nhiều đồng chí đã trưởng thành từ quê hư­ơng của Bác, từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đi đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng của Ngành và của địa phư­ơng. Vững vàng trong hoạt động nghiệp vụ, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn thử thách, có ý chí đấu tranh bảo vệ công lý; đội ngũ Kiểm sát viên và cán bộ Viện kiểm sát hai cấp ở Nghệ An đã giữ đư­ợc niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Cũng như­ nhiều ngư­ời khác, cán bộ Kiểm sát cũng sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; vì vậy, các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và cán bộ Kiểm sát không chỉ rèn luyện theo 5 đức tính “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” mà còn phải rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức chung mà Đảng, Bác Hồ đã dạy. Chuẩn mực đạo đức của con ngư­ời Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu là có tinh thần yêu nư­ớc sâu sắc, trung thành với lợi ích giai cấp, dân tộc với chủ nghĩa xã hội, phụng sự nhân dân; luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư­ và nếu được nói một cách ngắn gọn nhất thì nó gói gọn trong mấy chữ: Yêu nước, thương dân.

Bác Hồ đòi hỏi ngư­ời cán bộ Kiểm sát phải công minh, nghĩa là khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư­ pháp phải luôn theo đúng lẽ phải, không thiên vị, nhận thức rõ ràng và giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn, không sai lầm. Cái tâm của ngư­ời cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng; ngư­ời cán bộ Kiểm sát phải công tâm khi thực hiện nhiệm vụ, không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư­ mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng. Người cán bộ Kiểm sát mẫn cán chăm chỉ trong trong các công việc để hoàn thành các nhiệm vụ đ­ược giao chính là đã thực hiện ''cần'' theo lời dạy của Bác. Trong khi tiến hành nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư­ pháp, nếu mỗi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, cán bộ đều thực hiện đư­ợc yếu tố ''cần'' thì tất yếu hồ sơ vụ án sẽ được nghiên cứu kỹ, hiểu rõ các căn cứ pháp luật để vận dụng, áp dụng và hiểu biết toàn diện các vấn đề kinh tế, tự nhiên, xã hội để tham mư­u giải quyết các vụ việc đư­ợc chính xác, tự tin và có kết quả tốt.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngư­ời cán bộ Kiểm sát phải chính trực trong công việc, phải có bản lĩnh, ngay thẳng, chân thành, theo đúng lẽ phải, không gian dối, không thiên vị, không mờ ám; đư­ợc giao nhiệm vụ thì quyết tâm thực hiện, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”. Trong khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động t­ư pháp, ngư­ời cán bộ Kiểm sát phải luôn nắm vững căn cứ pháp luật và các chính sách của Đảng để áp dụng pháp luật kết hợp với chính sách trong từng trường hợp cụ thể. Các hành vi pháp lý của cán bộ, Kiểm sát viên phải xuất phát từ quy định của pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm việc xử lý đúng ngư­ời, đúng tội, không đư­ợc làm oan, sai, không đư­ợc bỏ lọt tội phạm và vi phạm pháp luật. Cán bộ, Kiểm sát viên phải là ngư­ời không vì lợi ích cá nhân mà né tránh, không dám thẳng thắn đấu tranh bảo vệ công lý, cũng không vì thù oán cá nhân mà xử lý sai đối với ngư­ời mà mình không có thiện cảm hoặc ngư­ời dám đấu tranh, phê bình những biểu hiện sai trái của mình. Ngư­ời cán bộ Kiểm sát phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ quyết đoán khi giải quyết công việc, không chần chừ, do dự và dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Sự chính trực của người cán bộ Kiểm sát góp phần tạo nên sự công bằng xã hội, bảo vệ tính khuôn mẫu về hành vi cá nhân trong cộng đồng theo tinh thần "thượng tôn pháp luật".

Bác Hồ cũng yêu cầu ngư­ời cán bộ Kiểm sát phải có tác phong và phương pháp làm việc khách quan, thận trọng; khi giải quyết công việc phải luôn xuất phát từ thực tế, không suy diễn, xuyên tạc sự thật, không nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chủ quan, phiến diện, định kiến cá nhân. Phải đi sâu tìm hiểu, phân tích, làm rõ bản chất của sự việc, dựa vào những cơ sở khoa học, cơ sở thực tế phải cân nhắc, suy tính thật cẩn thận, kỹ lư­ỡng để tránh sai sót khi đư­a ra quyết định giải quyết. Sự thận trọng cũng chính là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của ng­ười cán bộ Kiểm sát.

Qua phân tích các đức tính: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, chúng ta thấy rõ trong đó mối quan hệ lôgíc, mang tính biện chứng, có tính nguyên tắc để người cán bộ Kiểm sát thực thi công vụ một cách chính xác, đúng pháp luật, không sai sót; con người Hồ Chí Minh là tựu trung của những tư tưởng mang tính biện chứng, nhuần nhuyễn, luôn lấy thực tiễn làm điểm xuất phát, làm mục đích để hướng các hoạt động của mình nhằm cải biến nó và phù hợp với nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là “gốc” của cán bộ, không phải vì Người xem nhẹ yếu tố tài năng. Tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị cao cả vượt lên trên mỗi phạm trù chuyên biệt đó. Từ trước tới nay khi nghĩ tới văn hoá phương Đông, người ta thường nghĩ đến phạm trù đạo đức, còn khi nghĩ về phương Tây người ta nghĩ đến phạm trù pháp lý. Đối với Bác Hồ của chúng ta, người ta không thể gán ghép một cách tầm thường cái này hay cái kia. Để diễn đạt tầm cao tư tưởng, trí tuệ và cốt cách của Người, nhà báo Xô-Viết O.Mendenstam đã viết: “... Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu Châu mà có lẽ là nền văn hoá của tương lai”. Con người Hồ Chí Minh, phương pháp Hồ Chí Minh luôn luôn làm cho người ta phải kinh ngạc, bởi vì ở Người chúng ta tìm thấy sự vĩ đại nằm ngay trong cái giản dị, cái sâu xa nằm ngay trong những điều đơn giản, mộc mạc; cái triết lý nhân văn thể hiện ngay trong những việc làm cụ thể, gần gũi, đời thường thấm đẫm tình người của Người.

Như vậy thì việc Bác Hồ yêu cầu cán bộ Kiểm sát, với tư cách là người thực thi pháp luật, người đại diện cho một dạng quyền lực Nhà nước, phải khiêm tốn là điều hoàn toàn cần thiết, để họ thực sự là công bộc của dân, để luôn luôn nhắc nhở họ rằng: Quyền lực mà họ có được là do nhân dân trao cho để phục vụ nhân dân chứ không phải để làm sai, để vụ lợi.

Sự khiêm tốn của ng­ười cán bộ Kiểm sát có nghĩa là luôn có ý thức và thái độ đúng mức trong việc nhìn nhận, đánh giá bản thân; không tự lấy làm thoả mãn về những gì mình đã đạt đ­ược mà không tự phấn đấu, học tập để tiếp tục vư­ơn lên; không tự đánh giá mình quá cao và tỏ ra coi thư­ờng ng­ười khác; không quan liêu, cửa quyền, hống hách; có khiêm tốn thì mới chiếm đ­ược cảm tình và sự tin tư­ởng của nhân dân, của đồng chí, đồng nghiệp, mới phối hợp tốt với các các cơ quan tư­ pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Cái lôgíc của sự khiêm tốn thật là kỳ diệu; người nào càng quên mình, càng nhún nhường thì người đó càng được đề cao, càng được kính nể, triển vọng. Chúng ta không được quên điều này!

Nhận thức về 5 đức tính Bác Hồ dạy cán bộ ngành Kiểm sát lại gợi cho chúng ta suy nghĩ về điều mà Khổng Tử - Triết gia vĩ đại người Trung Quốc, người được tôn là “vạn thế sư biểu” dạy người quân tử, người cầm quyền, đại thể rằng: Trị dân mà không ngăn ngừa dân từ những vi phạm nhỏ, quy định của người cầm quyền mà không rõ ràng dẫn đến việc dân vi phạm mà không biết, thì chẳng khác gì là “bẫy dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chắt lọc một cách sâu sắc tư tưởng nhân ái của Khổng Tử, và hơn thế nữa, Người đã phát triển đức Nhân trong thời đại cách mạng thành những yêu cầu hết sức cụ thể, phù hợp với thời đại mới.

Tất cả chúng ta đều biết rằng: Hệ thống pháp luật của Nhà nước chúng ta chưa hoàn thiện, nhiều quy định pháp luật hình sự và tố tụng hình sự còn có chỗ hở, thiếu chặt chẽ dễ bị lợi dụng và gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật. Vì vậy, cán bộ Kiểm sát nào hiểu pháp luật không sâu, áp dụng pháp luật máy móc, hiểu biết xã hội hạn chế và cái tâm không sáng thì chẳng khác gì thấy dân sắp bị rơi vào "bẫy" mà vẫn làm ngơ, vẫn vô cảm như Khổng Tử đã từng trách cứ người quân tử cách đây 2.500 năm. Ở đây việc nắm bắt được chiều sâu trong tư tưởng của Bác Hồ về 5 đức tính cán bộ Kiểm sát cần có là một đòi hỏi cực kỳ quan trọng, và theo tôi vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát sẽ như thế nào trong hệ thống các cơ quan Nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta thực hiện lời dạy của Người ra sao!

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về mọi mặt; các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua luôn chú ý thực hành tiết kiệm theo lời dạy của Bác; không xa xỉ, hoang phí; sử dụng và chi tiêu kinh phí đư­ợc cấp hợp lý... Chúng tôi nhận thức rằng không chỉ tiết kiệm về tiền bạc, vật chất mà còn phải biết tiết kiệm về thời gian và lao động trong việc bố trí và sử dụng cán bộ.

Chắc rằng, tất cả chúng ta ở đây còn nhớ câu nói nổi tiếng dưới đây của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên: “Cán bộ Kiểm sát trư­ớc hết phải mẫu mực trong việc chấp hành pháp luật, là ngư­ời cán bộ Kiểm sát phải có đạo đức trong sáng như­ pha lê". Chúng ta nhận thức rằng, muốn “trong sáng như­ pha lê" thì cán bộ Kiểm sát phải luôn là ngư­ời công minh, chính trực; luôn giữ mình trong sạch; không tham lam tiền của, địa vị, danh tiếng; phải lên án những hành vi của những người sống bất liêm, cậy quyền thế, ăn của đút của dân...

Thực hiện Chỉ thị số 03/VKSTC/CT-V9 ngày 16/4/2007 của Viện trư­ởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã quán triệt, tổ chức cho cán bộ Kiểm sát ở cả hai cấp nghiên cứu, học tập và làm theo tư­ tư­ởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Di chúc” và “Tấm gư­ơng đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó tập trung vào các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Chúng tôi cũng chú trọng việc quán triệt, học tập các chủ tr­ương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nư­ớc, những quy định của Ngành về những vấn đề có liên quan tới trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ công chức Nhà nư­ớc; những điều đảng viên không đư­ợc làm; thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp. Nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức và đạt kết quả tốt như: Thi tìm hiểu và kể chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức toạ đàm học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; đã ban hành Nghị quyết số 16 về “tăng cường công tác quản lý, giáo dục phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Kiểm sát Nghệ An trong sạch, vững mạnh”, và yêu cầu các đơn vị trong ngành Kiểm sát Nghệ An xây dựng kế hoạch hành động một cách cụ thể cho đơn vị mình, nhất là việc khắc phục các hạn chế, yếu kém; yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tự liên hệ, kiểm điểm để có biện pháp phấn đấu cho chính mình trong quá trình học tập và làm theo lời Bác dạy.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được thì ngành Kiểm sát Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế chưa khắc phục được một cách hiệu quả, đó là: một bộ phận cán bộ còn bất cập về trình độ, năng lực so với yêu cầu của nhiệm vụ; nghị lực, ý chí tự nghiên cứu học tập để vươn lên chưa cao, sớm thoả mãn với những gì đã có, vẫn còn có một số (mặc dầu rất ít) cán bộ sa sút phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật...

Để thực hiện tốt hơn những điều Bác dạy, chúng tôi xác định phải làm những việc trọng tâm sau đây:

1. Rà soát các quy chế nội bộ Ngành để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, trong đó đặc biệt là các quy định để đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Ban Cán sự Đảng; vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp, nhất là đồng chí Viện trưởng và các quy định quản lý đội ngũ cán bộ Kiểm sát hai cấp một cách tốt hơn, chặt chẽ hơn.

2. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác lãnh đạo, điều hành các hoạt động của Ngành, tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm và kịp thời ngăn chặn những vi phạm trong công tác quản lý nghiệp vụ, quản lý kinh tế, tài chính.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 03/VKSTC/CT-V9 về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 16 của Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An về “tăng cường công tác quản lý, giáo dục phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Kiểm sát Nghệ An trong sạch, vững mạnh”. Kiên quyết đổi mới việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Ngành, đó là: Tránh hình thức, chạy theo phong trào; việc phổ biến quán triệt các nghị quyết, chủ trương của cấp trên phải đảm bảo có được nhận thức chung, đúng đắn nhưng điều quan trọng nhất là tổ chức được những hoạt động, những việc làm cụ thể tạo ra những kết quả tích cực. Quan tâm hơn nữa đến công tác nắm bắt và xử lý những vấn đề về tâm tư, tình cảm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Chăm lo xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, tính cộng sự vì mục tiêu chung trong đó có lợi ích cá nhân.

4. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng và kỷ luật, cả về mặt nội dung và cách thức thực hiện cụ thể. Quan điểm chỉ đạo mang tính bao trùm là: Kịp thời, chính xác khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích, đặc biệt là trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, tác phong người cán bộ Kiểm sát để khuyến khích, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt và xử lý nghiêm minh những người vi phạm để không có chỗ ẩn nấp cho những hành vi tiêu cực.

5. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát Nghệ An trong sạch, vững mạnh, bảo đảm cả đức lẫn tài, “vừa hồng, vừa chuyên” như Bác Hồ từng dạy. Những tiêu chí cơ bản để có được đội ngũ cán bộ ngang tầm với chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến năm 2010 và 2020 là:

- Làm chủ được khối kiến thức về pháp luật đa dạng, phong phú và có năng lực thực tiễn sắc bén; chủ động trang bị kiến thức luật quốc tế để đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế trong điều kiện nước ta tham gia ngày càng sâu vào các định chế quốc tế.

- Có kiến thức sâu rộng về văn hoá, xã hội, ngoại ngữ, tin học, về quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế đủ để hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho hoạt động kiểm sát, hoạt động truy tố và đặc biệt là trong hoạt động tranh tụng tại các phiên toà.

- Có lập trường chính trị vững vàng, có nhận thức đúng và đặc biệt là biết cụ thể hoá nội dung tư tưởng các chủ trương Nghị quyết của Đảng trong quá trình giải quyết các vụ án, trong công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, trong đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Xây dựng, củng cố, rèn giũa bản lĩnh người cán bộ Kiểm sát “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục". Song song với điều này chúng ta cũng phải hết sức quan tâm tới việc tạo dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát không chỉ biết sử dụng quyền uy mà còn biết gần gũi nhân dân, biết lắng nghe nhân dân để phụng sự nhân dân tốt hơn.

Trước khi kết thúc chủ đề tôi muốn nêu một suy nghĩ như sau: Lâu nay một số ngành qua quá trình hoạt động đã tạo được một số hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân, được xã hội ghi nhận, trở thành những giá trị văn hoá bất hủ. Những giá trị văn hoá mang tính riêng có đó được hình thành, được xây dựng, hun đúc từ rất nhiều yếu tố nhưng có thể thấy rằng chủ yếu là do truyền thống của Ngành, do tính đặc thù của công việc mà hoàn thành tốt thì bao thế hệ cán bộ đã phải có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, gìn giữ phẩm chất, khẳng định bản lĩnh, và do công tác quản lý giáo dục cán bộ ngành đó rất được quan tâm.v.v. Từ đó mà trong thực tế đã tạo ra được những sự khác nhau khá lớn về phương pháp công tác, về phong cách, phẩm chất cán bộ, tạo nên những nét riêng của đội ngũ cán bộ ngành đó trong thực thi công vụ, trong ứng xử với đồng nghiệp, với nhân dân… nghĩa là, ở chừng mực nào đó chúng ta có thể coi đó là văn hoá công vụ, văn hoá ngành. Vậy thì không phải là thiếu thực tế nếu chúng ta quyết tâm xây dựng những giá trị văn hoá mang đậm nét Ngành ta - đó là văn hoá Kiểm sát!

Tìm kiếm