CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Áp dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự

Người gửi: Nguyễn Thị Mai Hương

Trường hợp bị khởi tố theo Khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự, trong quá trình điều tra thấy việc chiếm đoạt chỉ ở khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự. Vậy, sau khi bồi thường và nhận được đơn xin bãi nại của bị hại gửi cho Công an, có được áp dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự không? Nếu được áp dụng thì gia đình và người phạm tội sẽ làm thủ tục gì để xin đình chỉ không truy tố.

Câu trả lời

Thứ nhất: Với các dữ liệu được nêu trong câu hỏi trên, thấy trường hợp này, người phạm tội có thể được áp dụng quy định tại khoản 3, Điều 29 Bộ luật hình sự để xem xét miễn trách nhiệm hình sự vì:

Khoản 3, Điều 29 Bộ luật hình sự quy định về các căn cứ xem xét miễn trách nhiệm hình sự như sau: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Trong trường hợp này, các căn cứ để Cơ quan điều tra xem xét việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho người phạm tội theo quy định taị khoản 3, Điều 29 Bộ luật hình sự đã đầy đủ:

- Người phạm tội thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng (khoản 1, Điều 174 Bộ luật hình sự).

- Đã bồi thường thiệt hại.

- Bị hại đã có đơn xin bãi nại gửi Cơ quan điều tra.

Trên cơ sở trên, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xen xét, đánh giá để miễn (hoặc có thể miễn) truy cứu trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Thứ hai: Nếu được áp dụng quy định tại khoản 3, Điều 29 Bộ luật hình sự, gia đình và người phạm tội không cần làm thêm thủ tục khác để xin đình chỉ không truy tố, vì đã có đủ các căn cứ (như trên) giao nộp cho Cơ quan điều tra.

Vụ 2 VKSND tối cao