CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Việc giám sát, giáo dục người chấp hành xong hình phạt tù, trở về địa phương

Người gửi: Đặng Tuấn Dũng

Tôi vừa mãn hạn án phạt tù 10 năm và đã trở về địa phương được 4 tháng. Hôm tôi được ra tù, cán bộ trại giam có đưa cho tôi Giấy chấp hành xong hình phạt tù và dặn khi về thì mang giấy lên Ủy ban nhân dân phường để báo, sau đấy cầm giấy về. Tôi có hỏi rõ là có phải đến Công an phường không thì cán bộ trại giam trả lời là không.

Tuy nhiên tuần trước, Công an quản lý hộ khẩu khu vực nhà tôi có gọi điện thoại cho tôi và hẹn tôi 9 giờ sáng hôm sau đến Công an phường để làm việc. Khi tôi đến Công an phường, đồng chí Công an có đưa cho tôi 1 tờ giấy và bảo tôi viết kiểm điểm về vụ án giết người cách đây hơn 10 năm của tôi và viết 1 bản cam kết, rồi làm hồ sơ hỏi đáp với tôi. Sau đấy lại bàn giao tôi cho Công an hình sự phường. Công an hình sự phường thực hiện lăn tay, chụp ảnh và viết lại đặc điểm nhận dạng của tôi. Tôi có nói: “Các anh làm như thế này là sai hoàn toàn. Các anh xem lại quy định pháp luật đi. Đã không giúp đỡ tôi mà lại cho tôi vào sổ đen. Khi Công an thành phố bắt giữ tôi cũng chỉ bảo tôi viết 1 bản kiểm điểm. Tôi ở trại giam 10 năm cũng có bao giờ phải viết gì về hành vi giết người nữa đâu. Tại sao các anh lại làm hồ sơ quản lý tôi kiểu này? Cán bộ quản lý hồ sơ ở trại giam cũng nói rõ cho tôi lúc tôi học tái hoà nhập cộng đồng rồi. Các anh không có quyền làm thế này.” Nghe tôi nói vậy thì các đồng chí Công an nói là đây là luật nội bộ của cơ quan Công an các anh ấy, không thể cho tôi xem luật này được. Tôi nói: “Tất cả mọi người đều chấp hành trên luật pháp của Nhà nước, Công an lại tự ra luật được sao?”.

Mong VKSND tối cao giúp đỡ tôi, giải đáp cho tôi là công an phường B chỗ tôi ở làm như thế có đúng hay không? Từ ngày trở về địa phương, tôi chăm chỉ làm ăn, chạy xe ôm và giao hàng nên chỉ đi làm rồi về nhà, không va chạm với ai. Tôi có hỏi 1 người bạn mới đi tù về như tôi, làm cùng công ty giao hàng về vấn đề trên thì bạn tôi nói là Công an phường C nơi bạn tôi ở chỉ yêu cầu cung cấp bản photo Giấy chấp hành xong án phạt tù, Công an sẽ thông báo khi cần làm giấy đề nghị xoá án tích chứ không yêu cầu viết kiểm điểm, cam kết, làm biên bản hỏi đáp và lăn tay, chụp ảnh như trường hợp của tôi.

Câu trả lời

Căn cứ theo Nghị Định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (thời điểm chấp hành xong án phạt tù) và Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020 và thay thế Nghị định số 80/2011/NĐ-CP).

Tại khoản 3, khoản 4 Điều 25 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng quy định:

"Điều 25. Trách nhiệm của Công an cấp xã

3. Lập hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể xã hội tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù.

4. Hướng dẫn, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, đăng ký hộ tịch, cấp căn cước công dân, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, xin xóa án tích; chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích cho người chấp hành xong hình phạt tù trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật."

Như vậy, khi chấp hành xong án phạt tù và trở về địa phương, bạn phải thực hiện các quy định đã được hướng dẫn trong Nghị định, vẫn chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, người có thẩm quyền. Do đó, việc Công an phường (xã) làm việc, lập hồ sơ giám sát, giáo dục với bạn là đúng quy định.

Vụ 8 VKSND tối cao