- Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 06/2018) quy định: “Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: a) Giấy chứng sinh; b) Giấy khai sinh; c) Chứng minh nhân dân; d) Thẻ căn cước công dân; đ) Sổ hộ khẩu; e) Hộ chiếu”. Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018 quy định: “Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó”. Như vậy, việc Cơ quan điều tra dựa trên giấy khai sinh, lời khai của cha mẹ bị can, xác minh tại nơi đăng ký hộ tịch để xác định bị can trên 18 tuổi là phù hợp với quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2018.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của các tài liệu để xác định chính xác tuổi của bị can, bị cáo thì bắt buộc phải trưng cầu giám định. Do vậy, việc Viện kiểm sát yêu cầu ra quyết định trưng cầu giám định tuổi của bị can là phù hợp quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
- Theo quy định tại Điều 413 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, “Thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương này...” và các quy định khác trong Chương XXVIII Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì cần được hiểu là thủ tục tố tụng đặc biệt tại Chương XXVIII Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được áp dụng đối với người bị buộc tội mà tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử thì họ chưa đủ 18 tuổi. Tức là kể từ khi họ thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử mà họ ở độ tuổi dưới 18 tuổi ở thời điểm nào thì áp dụng thủ tục tố tụng đặc biệt tại Chương XXVIII Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để xử lý đối với họ thời điểm đó. Khi thực hiện hành vi phạm tội họ là người dưới 18 tuổi nhưng sau đó đến giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử thì người đó đủ 18 tuổi trở lên thì lúc đó áp dụng thủ tục tố tụng thông thường đối với họ. Do vậy, trong trường hợp nêu trên, đến khi kết thúc điều tra mà bị can đủ 18 tuổi thì các thủ tục tố tụng tiếp theo sau đó được áp dụng thủ tục thông thường, tức là không cần thiết phải có sự có mặt người giám hộ, người bào chữa chỉ định... trong quá trình giải quyết vụ án tiếp theo. Trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án mà các tài liệu, chứng cứ về độ tuổi của bị can, bị cáo còn mâu thuẫn với nhau (để chứng minh là dưới 18 tuổi hay từ đủ 18 tuổi trở lên) mà chưa có kết quả giám định, thì để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo thì nên áp dụng các thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi (có người giám hộ, người bào chữa chỉ định...).