CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Cố ý gây thương tích hay vô ý gây thương tích

Người gửi: Đặng Thị Non

Vào khoảng 22 giờ ngày 6/9/2020, bà Diệu thấy đã khuya nhưng nhà ông B (hàng xóm nhà bà Diệu) nói chuyện ồn ào không ngủ được nên đi qua nhắc nhở thì xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, bà Diệu đi về và đóng cửa đi ngủ. Do bực tức vì bị nhắc nhở, nên ông B đi qua nhà bà Diệu, thấy cửa nhà bà Diệu khóa nên ông B dùng chân đạp cửa, nói vợ chồng bà Diệu mở cửa để vào nói chuyện. Lúc này, ông Nam (chồng bà Diệu) và bà Diệu dậy, bật điện và đứng sau cửa xem bên ngoài. Ông B đạp cửa khiến kính cửa rơi xuống đất làm bà Diệu đứng gần đó bị đứt ngón chân. Hỏi: Hành vi của ông B đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hay vô ý gây thương tích?

Câu trả lời

 Theo câu hỏi, ông B sang nhà bà Diệu thấy cửa nhà bà Diệu khóa, nên ông B dùng chân đạp cửa, nói vợ chồng bà Diệu mở cửa để vào nói chuyện, như vậy mục đích ông B sang nhà bà Diệu để nói chuyện, chứ ông B không có ý định gây thương tích cho vợ chồng bà Diệu. Việc bà Diệu bị mảnh kính vỡ rơi xuống đất gây đứt ngón chân là nằm ngoài ý muốn của ông B. Hành vi của ông B có dấu hiệu phạm tội vô ý gây thương tích, theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (trong trường hợp bà Diệu bị tổn hại 31% sức khỏe).

Trường hợp ông B biết vợ chồng bà Diệu đứng ngay sau cửa kính mà vẫn đạp cửa kính dẫn đến thương tích của bà Diệu, thì hành vi của B có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích.

Ngoài ra, nếu kết quả định giá tài sản đối với các tài sản bị huỷ hoại do hành vi của ông B là trên 2.000.000 đồng thì ông B có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Vụ 2 VKSND tối cao