CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Hành vi không tố giác tội phạm

Người gửi: Vương Thị Bích Hà

Đối tượng Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1991, trú tại tổ dân phố 12 (thôn Đồng Phú cũ), thị trấn Yên Thế. Đối tượng này đã có hành vi giao cấu với Lục Thị Oanh (sinh ngày 28/12/2003), làm Oanh mang thai và sinh ra cháu Lục Thảo My (cháu My sinh ngày 20/11/2019). Tính đến ngày Oanh sinh cháu My thì cháu Oanh chưa đủ 16 tuổi.

Theo điểm d khoản 2 Điều 145 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi làm nạn nhân có thai phải chịu mức hình phạt là phạt tù từ 3 năm - 10 năm.

Đối tượng Tùng đã có tiền án, tiền sự về tội cướp giật tài sản. Đối tượng này sau khi làm cháu Oanh có thai thì không bị cơ quan chức năng nào can thiệp, lập biên bản, thâm chí còn được 02 bên gia đình ủng hộ cụ thể là gia đình đối tượng Tùng đã có lễ dạm ngõ theo phong tục và được gia đình cháu Oanh đồng ý.

Hỏi: Hành vi không tố giác tội phạm, thậm chí còn tổ chức dạm ngõ của 02 gia đình có được coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Câu trả lời

Do các tình tiết trong tình huống đưa ra chưa rõ nên có thể xác định như sau: Tại thời điểm đối tượng Nguyễn Văn Tùng thực hiện hành vi phạm tội, nạn nhân Lục Thị Oanh chưa đủ 16 tuổi, nếu việc giao cấu là tự nguyện, hành vi của Tùng có thể cấu thành Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật hình sự). Ngoài ra, hậu quả làm nạn nhân Oanh có thai là dấu hiệu định khung tăng nặng cho hành vi phạm tội của đối tượng Tùng.

Tuy nhiên, hành vi phạm tội trong tình huống nêu trên không thuộc các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Do đó, khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải xác minh, khởi tố vụ án hình sự hoặc kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.

Tại Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

Điều 19. Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

Như vậy, hành vi không tố giác tội phạm của những người là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột, vợ của đối tượng Tùng không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đối với hành vi không tố giác tội phạm của những người là ông, bà, cha, mẹ, cháu, anh, chị, em ruột của nạn nhân Oanh và những người biết rõ tội phạm tại thời điểm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội không tố giác tội phạm. Ngoài ra, hành vi của những người thuộc gia đình nạn nhân Oanh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức tảo hôn cho người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình.

"Điều 58. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án."

Ban Biên tập