Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác". Do đó, bạn cần phải xác định đất tranh chấp là tài sản của ông, bà nội bạn để lại sau khi chết và tùy từng trường hợp giải quyết như sau:
- Nếu khi còn sống ông, bà nội của bạn đã cho bố bạn mảnh đất đó hoặc để lại di chúc cho bố bạn thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cấp cho bố của bạn là đúng quy định của pháp luật. Khi bố bạn chết thì vợ và các con (những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất) được hưởng di sản thừa kế. Các cô, chú của bạn không có quyền yêu cầu chia tài sản.
- Trường hợp khi ông, bà nội bạn còn sống và chưa quyết định cho ai mảnh đất trên thì việc bố bạn kê khai, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi không có sự đồng ý của tất cả những người thừa kế của ông, bà nội của bạn là không đúng quy định của pháp luật. Các cô, chú của bạn có quyền yêu cầu chia thừa kế đối với mảnh đất trên. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho bố của bạn sẽ bị hủy và bố của bạn chỉ được hưởng một suất thừa kế được chia theo pháp luật.
Tuy nhiên, ông, bà nội của bạn đều chết trước năm 1980 thuộc trường hợp mở thừa kế trước ngày 10/9/1990 nên thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được tính từ ngày 10/9/1990 theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế.