CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Điểm c khoản 2 Điều 29 Bộ luật hình sự

Người gửi: Nguyễn Hữu

Hiểu như thế nào về quy định "Trước khi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận” tại điểm c khoản 2 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)?

Câu trả lời

 1. Khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định, tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện. Việc người phạm tội tự khai ra hành vi phạm tội của mình là biểu hiện sự ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình nên được khoan hồng, nhưng mức độ khoan hồng mà để được xem xét miễn trách nhiệm hình sự thì phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra, thái độ khai báo, sự góp phần vào việc phát hiện và điều tra tội phạm

2. Người tự thú phải khai rõ sự việc tức là khai báo đầy đủ, rõ ràng tất cả hành vi phạm tội của mình, cũng như của đồng phạm (nếu có và nếu biết), không giấu diếm bất cứ tình tiết nào của vụ án, giúp Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm. Không được coi là người phạm tội đã khai rõ sự việc nếu người này khai báo không đầy đủ, rõ ràng về hành vi phạm tội của mình, không khai báo về đồng phạm (nếu có) và hành vi phạm tội của đồng phạm mà họ biết.

3. Người phạm tội phải góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện, điều tra tội phạm thông qua việc cung cấp các tài liệu, thông tin phục vụ cho việc điều tra tội phạm hoặc thực hiện các hoạt động khác, như vận động đồng phạm ra đầu thú, giúp Cơ quan điều tra tiếp cận, bắt giữ đồng phạm (nếu có)...

4. Việc cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm được hiểu là người phạm tội đã cố gắng hết khả năng của mình thực hiện những công việc, nhằm hạn chế tối đa khả năng xảy ra hậu quả của hành vi phạm tội hoặc hạn chế sự phát triển của hậu quả đã xảy ra, như: Thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cho người bị hại về những hậu quả có thể tiếp tục xảy ra để có biện pháp ngăn chặn; tự mình thực hiện các công việc nhằm ngăn chặn hậu quả nguy hiểm cho xã hội có thể tiếp tục xảy ra và kết quả là hậu quả thực tế của tội phạm đã giảm thiểu tối đa so với khả năng xảy ra thiệt hại thực tế nếu không có các hành vi này.

5. Ngoài việc tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm thì người phạm tội còn phải lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận thì mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Ban Biên tập