CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Vấn đề tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án có đương sự là “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi...” của Viện kiểm sát

Người gửi: Nguyễn Ngọc Ái

Điều 21 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án có đương sự là “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi...”. Vậy người thế nào được coi là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi? Thủ tục nào để xác định họ thuộc trường hợp nêu trên? Trường hợp chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì Viện kiểm sát có tham gia phiên tòa không?

Câu trả lời

- Khoản 1 Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là “người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự”. Theo quy định trên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại một thời điểm nhất định do tình trạng thể chất hoặc tinh thần của họ nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015.

Ví dụ: Một người do tai nạn mà bị tổn thương thần kinh, dẫn đến ảnh hưởng khả năng nhận thức, làm chủ hành vi trong khoảng thời gian chữa bệnh, sau đó người này hồi phục hoặc không thể hồi phục hoàn toàn nên có lúc nhận thức, làm chủ được hành vi, có lúc không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

- Để xác định một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, khoản 1 Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”. Thủ tục Tòa án giải quyết yêu cầu tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quy định tại Chương XXIV Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (từ Điều 376 đến Điều 380).

- Một người chỉ bị coi là có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi đã có quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên bố người đó có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Do vậy, trường hợp chưa có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì không thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm.

Ban Biên tập

Các câu hỏi khác

STT Câu hỏi Ngày hỏi Câu trả lời
1 Xác định quả thuốc phiện tươi, quả thuốc phiện khô 21/10/2020
2 Thay đổi kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát 13/10/2020
3 Tình huống không thanh toán hoa hồng môi giới 12/10/2020
4 Xác định dấu hiệu của tội phạm 12/10/2020
5 Thẩm quyền trưng cầu giám định chất ma túy 06/10/2020
6 Khó khăn khi không áp dụng biện pháp tạm giam 06/10/2020
7 Thủ tục trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam 05/10/2020
8 Việc giám sát, giáo dục người chấp hành xong hình phạt tù, trở về địa phương 05/10/2020
9 Trách nhiệm của người ngồi sau xe ô tô khi mở cửa xe làm người khác bị thương 02/10/2020
10 Vi phạm nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng thuê tài sản 02/10/2020