CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Chia tài sản thừa kế

Người gửi: Ngân

Năm 1994, ông A và bà B có lập di chúc chung vợ chồng để lại tài sản chung là một ngôi nhà cho con trai và con dâu theo quy định của Pháp lệnh về thừa kế 1990. Di chúc được công chứng tại Phòng công chứng Nhà nước (chỉ để lại nhà). Đến năm 1995, ông A chết, bà B không bổ sung nội dung gì vào di chúc đã lập, đến năm 2016 thì bà B chết. Năm 2023, con trai và con dâu mới tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với nhà và quyền sử dụng đất (đại diện thừa kế là con trai ông A và bà B).

Xin hỏi di chúc trước đây do ông A bà B lập có được áp dụng đối với quyền sử dụng đất (mới được công nhận và cấp giấy chứng nhận) để mở thừa kế theo di chúc? Thứ hai là đối với phần di sản của ông A thì bà B được hưởng một phần (là vợ được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc) vào thời điểm ông A chết (theo Pháp lệnh thừa kế 1990 phần di chúc này đã có hiệu lực pháp luật), nhưng bà B không bổ sung ý chí quyết định đối với phần này trong di sản đã lập thì phần này con trai và con dâu có được hưởng không, hay phải thực hiện chia thừa kế theo pháp lệnh?

Câu trả lời

Năm 1994, vợ chồng ông A và bà B lập di chúc chung để lại tài sản chung là một ngôi nhà cho vợ chồng con trai của ông bà. Di chúc được lập tại Phòng công chứng nhà nước nên xác định là di chúc hợp pháp.

1. Theo Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và Nghị quyết số 02/2004/NQ- HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân, gia đình thì quyền sử dụng đất không phải là quyền sở hữu tài sản của công dân nên không phải là di sản. Như vậy, chỉ xác định được ngôi nhà là di sản của ông A, bà B để lại. Năm 1995, ông A chết, năm 2016 là B chết. Theo Điều 666 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì di chúc chung của vợ chồng ông A, bà B có hiệu lực từ thời điểm bà B chết (thời điểm người sau cùng chết). Vì vậy, từ thời điểm bà B chết, con trai và con dâu ông A, bà B được quyền sở hữu ngôi nhà theo di chúc chung của ông A, bà B.

Đối với quyền sử dụng đất, do không được định đoạt trong di chúc nên không thể căn cứ vào di chúc của ông A, bà B để xác lập quyền sử dụng hợp pháp cho vợ chồng con trai ông, bà. Quyền sử dụng đất này sẽ là di sản của ông A, bà B nếu thuộc các trường hợp quy định tại mục I, phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-TP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.

2. Quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc được áp dụng trong trường hợp người có tài sản lập di chúc định đoạt tài sản của mình nhưng không cho những người này được hưởng di sản hoặc cho ít hơn phần tài sản pháp luật quy định. Trong trường hợp này, ông A không lập di chúc riêng và vợ chồng ông A, bà B đã lập di chúc chung. Trước khi di chúc chung có hiệu lực (vào năm 2016) thì cả ông A và bà B đều không sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc này nên không xác định bà B là người được hưởng một phần di sản của ông A khi ông A chết. Những tài sản của ông A, bà B không được định đoạt trong di chúc chung sẽ được xem xét để chia thừa kế theo pháp luật khi có yêu cầu.

Câu trả lời có tính chất tham khảo.

BBT

Các câu hỏi khác

STT Câu hỏi Ngày hỏi Câu trả lời
1 Cố ý gây thương tích 10/04/2023
2 Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 29/03/2023
3 Vi phạm Luật Di sản văn hoá 29/03/2023
4 Chia thừa kế quyền sử dụng đất 17/01/2023
5 Chia thừa kế 22/11/2022
6 Dân sự 24/10/2022
7 Bị can 27/07/2022
8 Hình sự 08/07/2022
9 Chuyển nhượng quyền sử dụng đất 06/06/2022
10 Chia tài sản ly hôn 30/05/2022