1. "Sửa chữa" là sửa lại, chữa lại những cái bị làm hư hỏng do hành vi phạm tội gây ra. "Bồi thường" là bồi thường tài sản cho những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. "Khắc phục hậu quả" là khắc phục tác hại của tội phạm gây ra mà không thể sửa chữa hoặc bồi thường bằng tài sản được. Người đã thực hiện tội phạm phải tự nguyện (không do ép buộc, cưỡng chế) sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Cũng được coi là tự nguyện nếu do người khác tác động hay theo yêu cầu của người bị thiệt hại mà người thực hiện tội phạm sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Có thể áp dụng tình tiết "đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" khi mức sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả chiếm một tỷ lệ đáng kể so với toàn bộ thiệt hại mà họ đã gây ra.
Khi điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải căn cứ vào ý thức, thái độ tự nguyện của người phạm tội, hiệu quả của việc sửa chữa, khắc phục hậu quả, cũng như thiệt hại thực tế, mức độ bồi thường thiệt hại để xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự cho họ.
2. Việc miễn trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng đối với người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, chỉ xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện hành vi phạm tội sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can.
3. Việc xem xét miễn trách nhiệm hình sự, ngoài việc người bị hại đã được bồi thường thiệt hại và đã có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thì còn phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội cũng như khả năng giáo dục, cải tạo của họ. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần xem xét, đánh giá trong từng vụ án cụ thể để quyết định miễn hay không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Trường hợp hành vi mà người phạm tội thực hiện có tính chất, mức độ thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (cả lỗi cố ý và lỗi vô ý); hoặc tội nghiêm trọng do vô ý, người phạm tội có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ (như người phạm tội thực sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, nhận rõ sai phạm của mình và tự nguyện bồi thường, khắc phục một phần hoặc toàn bộ hậu quả,...), xét thấy không cần thiết buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng khoản 3 Điều 29 để đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Ngược lại, mặc dù người phạm tội đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 3 Điều 29 nhưng nhân thân không tốt, coi thường các quy tắc trật tự an toàn xã hội, thường xuyên vi phạm trật tự hành chính thì không miễn trách nhiệm hình sự cho họ.