Nội dung: Nguyễn Văn A là đối tượng đã có 01 tiền án về tội trộm cắp tài sản, 01 tiền sự về hành vi trộm cắp tài sản. Ngày 01/05/2019, A có hành vi lén lút đột nhập vào doanh trại Quân đội với mục đích trộm cắp tài sản. Sau khi đột nhập vào khuôn viên doanh trại Quân đội, A đi vào nhà kho của doanh trại Quân đội lấy 02 chiếc quạt đã cũ, hỏng trong nhà kho mang ra để ngoài sân trước cửa nhà kho, sau đó A thu gom một số thanh sắt xây dựng được để rải rác xung quanh sân xếp thành đống, mục đích để dàng mang số tài sản này mang ra ngoài doanh trại Quân đội. Khi đang thu gom thì bị lực lượng bảo vệ phát hiện và bắt giữ. Kết luận định giá tài sản xác định: 01 chiếc quạt có giá trị 200.000 đồng, 01 chiếc quạt có giá trị 150.000 đồng, số thanh sắt xây dựng có giá trị 150.000 đồng.
Trong vụ án này, khẳng định, ngay từ ban đầu A đã có hành vi lén lút đột nhập vào doanh trại Quân đội với mục đích là trộm cắp tài sản. Sau khi vào trong khuôn viên doanh trại Quân đội, A đã lấy được số tài sản là 02 chiếc quạt cũ, hỏng và một số thanh sắt xây dựng. Tổng giá trị số tài sản trên là 500.000 đồng, chưa đến 2.000.000 đồng tuy nhiên A đã có 01 tiền án về tội trộm cắp tài sản, 01 tiền sự về hành vi trộm cắp tài sản, vì vậy hành vi của A đã cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại điểm a, b Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự.
1, Vậy A có phạm tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt?
Có quan điểm cho rằng, trong vụ án này A đã thực hiện đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội trộm cắp tài sản, đó là có mục đích trộm cắp tài sản ngay từ ban đầu trước khi thực hiện, hành vi của A là hành vi lén lút đột nhập vào nơi có tài sản, trong vụ án này, tài sản mà A lấy trộm đã được xác định rõ ràng, tuy nhiên khi A chưa đem được số tài sản trên ra khỏi khu vực quản lý của doanh trại Quân đội thì bị phát hiện và bắt giữ, tức là chủ sở hữu chưa mất quyền chi phối đối với tài sản, vì vậy A chưa chiếm đoạt được số tài sản này, việc A chưa chiếm đoạt được số tài sản trên là ngoài ý muốn chủ quan của A, do đó, A đã phạm tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
Trong vụ án này, cần làm rõ về việc A đã chiếm đoạt được số tài sản này hay chưa. Về tài sản gồm có 02 chiếc quạt và một số thanh sắt xây dựng.
Đối với 02 chiếc quạt, ban đầu được để trong nhà kho, sau đó A đã vào và mang 02 chiếc quạt trên ra khỏi nhà kho, như vậy, A đã mang thành công 02 chiếc quạt này ra khỏi khu vực bảo quản tài sản, tức là A đã hoàn thành việc chiếm đoạt 02 chiếc quạt này.
Đối với một số thanh sắt xây dựng ban đầu được để rải rác xung quanh sân, không có khu vực bảo quản riêng, đã bị A thu gom xếp thành đống, mục đích là để dễ dàng trong việc vận chuyển tài sản, mặc dù A chưa vận chuyển được số thanh sắt này thì đã bị phát hiện và bắt giữ tuy nhiên số thanh sắt này đã không còn ở vị trí ban đầu, do đó A đã hoàn thành việc chiếm đoạt số thanh sắt này.
Vì vậy, hành vi của A đã hoàn thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại điểm a, b Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự.
2, A được hưởng tình tiết giảm nhẹ nào theo quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự?
Theo hướng dẫn số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của Vụ 3- Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì “Chưa gây thiệt hại” là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp “Chưa gây thiệt hại”;“Gây thiệt hại không lớn” là trường hợp đã có thiệt hại xảy ra nhưng thiệt hại đó không lớn hơn so với mức bình thường. Khi xác định hậu quả như thế nào là bình thường cần căn cứ vào các quy định cụ thể của từng loại tội phạm, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm, thiệt hại cụ thể đã gây ra cho người bị hại và cho xã hội (cả thiệt hại vật chất và thiệt hại phi vật chất) trong từng trường hợp cụ thể.
Trong vụ án này, mặc dù tài sản chưa được chuyển ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản, thiệt hại về vật chất trên thực tế tuy chưa xảy ra nhưng thiệt hại phi vật chất đã xảy ra đó là gây mất an ninh, trật tự trong doanh trại Quân đội và tại địa phương, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị Quân đội. Do đó, hành vi phạm tội của A gây thiệt hại không lớn, A được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại ý 2 điểm h Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Kiểm sát viên mong muốn được tham khảo ý kiến của các Cơ quan có thẩm quyền, Cơ quan cấp trên và đồng chí trong Ngành về vấn đề này để việc giải quyết vụ án được đúng quy định pháp luật.
Phạm Tiến Nam